Bên trong 'vùng xanh'
Trần Thanh Bình
(KTSG) - Buổi chiều, lại sắp qua hết một ngày...Tôi vẫn nghe ngóng, đếm số ca bệnh diễn ra ở mọi nơi, rồi lại lo lắng cho khu phố của mình liệu có giữ được tấm bảng “vùng xanh” gác ở hàng rào đầu hẻm?
“Vùng xanh” - một khái niệm chưa từng có trong tiền lệ. Ảnh: N.K |
Hồi sáng, người bạn học cũ ở Quảng Trị lên Facebook xem tình hình đã nhắn hỏi một câu: “Ở Sài Gòn chắc đếm từng ngày?”. “Ừ, nhà mình ở Gò Vấp nên đã 75 ngày phải giãn cách theo Chỉ thị 16, nhiều hơn các quận huyện khác những nửa tháng”.
Trong chừng ấy ngày, mưa nắng Sài Gòn vẫn không đổi, nhưng trạng thái sống hoàn toàn thay đổi. Mỗi sáng mỗi chiều đều phải lên lịch cho một quy trình sinh hoạt để bảo đảm sức đề kháng của cả thể chất lẫn tinh thần nhằm phòng chống bệnh dịch và xua tan cái bức bí vốn dĩ chưa từng quen trước đó. Trong chừng ấy ngày, thời gian nhích dần cùng những va đập từ không gian mạng xã hội với bao thông tin thật giả lẫn lộn buộc phải kiểm chứng, chống đỡ.
Ngày giữa tháng 8 này, ngồi bên trong “vùng xanh” - một khái niệm chưa từng có trong tiền lệ với cái hàng rào ở đầu hẻm và tấm bảng định danh “vùng xanh” cùng với dòng chú thích ở bên trong ngoặc đơn: vùng không có dịch - tôi đọc thấy thông tin phát đi từ cấp lãnh đạo thành phố, là kiên quyết bảo vệ và mở rộng những “vùng xanh”. Và tôi vẫn luôn nghe ngóng, đếm số ca bệnh diễn ra ở mọi nơi, rồi lại lo lắng cho khu phố của mình liệu có giữ được tấm bảng “vùng xanh” gác ở hàng rào đầu hẻm?
Bác trưởng khu phố và cô tổ trưởng dân phố đã lập nhóm Zalo từ sớm. Trên đó, những vấn đề nóng hổi luôn khiến xóm giềng quan tâm. Hồi đầu là theo dõi xem phải đi lấy mẫu xét nghiệm vào giờ nào, đăng ký tiêm vaccin ở đâu, ai được phân công trực gác chốt, các gia đình sẽ nhận phiếu đi chợ từ ai, các hộ lao động tự do đang thất nghiệp sẽ nhận tiền hỗ trợ thế nào... Bây giờ thì là tất tần tật những tin tức nhắc nhở cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn. Những tin nhắn hiển thị từng giờ từng phút trên chiếc điện thoại bé nhỏ.
Đã qua mấy đợt giãn cách với mấy lần chỉ thị, dường như ai cũng phải dần thích nghi với không khí yên lặng sống. Những bộn chộn lúc chiều về sau giờ tan tầm của anh Tư chị Sáu hay tiếng chén bát va mâm của đám trẻ con ngày trước, nay mất hút.
Và tất nhiên, ai cũng ý thức dịch sẽ còn kéo dài nên bữa ăn trong mỗi gia đình cần phải được cân đối chế độ dinh dưỡng. Đó là cách tự điều chỉnh cần thiết lúc này, một mặt là để đảm bảo sức khỏe chống dịch, mặt khác là đảm bảo phân phối hợp lý, bởi việc “chợ búa” đôi khi là một “khái niệm xa vời”, vì mỗi bước đi ra ngoài là mỗi bước cân nhắc: có nên hay không?
Nhưng có lẽ mọi người bên trong “vùng xanh” ấy có điểm chung là cái cảm giác được an ủi động viên vì mình còn hạnh phúc hơn bao người khác đang phải vật lộn từng giờ trong những “vùng đỏ”. Hàng ngày hàng đêm người vùng xanh vẫn thấy những hình ảnh đau thương, mất mát của nhiều gia đình, nhiều xóm ngõ, nhiều chung cư đang phải đối chọi với đủ thứ ngặt nghèo, khổ ải dội đến.
Đọc, xem, để biết, và cũng lại rất giống nhau ở cái cảm giác bất lực trước tình trạng còn nhiều ca bệnh nguy kịch ở các trung tâm hồi sức và những người kém may mắn đã ra đi về cõi vĩnh hằng. Rồi chỉ biết nhắc nhau là phải giữ thật tốt cho mình, đó là cách gián tiếp gánh bớt một chút nào nỗi gian lao mà cả thành phố này đang gồng mình chống chọi. Có lẽ, cách suy nghĩ ấy chính là phương thuốc hữu hiệu nhất lúc này.
Và lòng người ở trong vùng không có dịch vô cùng e ngại khi thấy chiều hôm trước, đám đông lại dồn ứ ở các chốt kiểm soát vì cái lệnh “khai báo di, biến động dân cư”. Người ta ra đường lúc này làm gì mà đông thế nhỉ?
Ngày Chủ nhật trôi qua trong tâm thức bộn bề khi có tin lãnh đạo thành phố quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm một tháng nữa, tức đến ngày 15-9. Trong khi đó, bản tin hàng ngày trong tuần qua cho thấy số ca nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Ở bên trong “vùng xanh”, tiếp nhận những thông tin ấy, chỉ biết chắp tay nguyện cầu, hy vọng…