Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Facebook, Google bắt tay lắp đặt tuyến cáp ngầm dưới biển để tăng kết nối ở châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Facebook, Google bắt tay lắp đặt tuyến cáp ngầm dưới biển để tăng kết nối ở châu Á

Khánh Lan

(KTSG Online) - Công ty mạng xã hội Facebook và hãng tìm kiếm Google đang lên kế hoạch lắp đặt một tuyến cáp internet ngầm dưới đáy biển để kết nối Nhật Bản với Đông Nam Á trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ ở Thung lũng Silicon đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng internet ở những khu vực có tiềm năng tăng trưởng cao.

Tờ Financial Times hôm 17-8 cho biết tuyến cáp ngầm này, có tên gọi Apricot, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024. Tuyến cáp ngầm Apricot, dài khoảng 12.000km sẽ kết nối Nhật Bản, Đài Loan, đảo Guam, Philippines, Indonesia và Singapore. Theo thiết kế ban đầu, tốc độ truyền dữ liệu của tuyến cáp này khoảng 190 Terabyte (TB)/giây, giúp đáp ứng nhu cầu dữ liệu thông qua băng thông rộng, mạng 4G và 5G đang gia tăng ở khu vực châu Á.

Facebook, Google bắt tay lắp đặt tuyến cáp ngầm dưới biển để tăng kết nối ở châu Á
Khoảng 400 tuyến cáp internet ngầm dưới biển trên toàn cầu đang đảm nhận gần như tất cả hoạt động kết nối internet và dữ liệu giọng nói giữa các nước. Ảnh: Lowyat.net

Tổng vốn đầu tư cho tuyến cáp này không được tiết lộ nhưng đây là một phần trong cuộc chạy đua của các tập đoàn công nghệ Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng về truy cập băng thông rộng và kết nối không dây 5G ở châu Á. Hãng viễn thông PLDT (Phillippines) xác nhận sẽ đầu tư 3,9 tỉ peso (80 triệu đô la) vào dự án tuyến cáp ngầm Apricot.

Alfredo Panlilio, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành PLDT, nói: “Việc xây dựng hế thống cáp ngầm Apricot rất quan trọng đối với nền kinh tế Philippines, vốn đang chứng kiến lưu lượng dữ liệu truyền qua internet gia tăng nhanh chóng. Dự án này cũng phù hợp với các nỗ lực của chúng tôi nhằm xây dựng Philippines trở thành một trung tâm dữ liệu trong khu vực”.

Hôm 16-8, Facebook cho biết tuyến cáp ngầm Apricot “sẽ cung cấp dung lượng, khả năng dự phòng và tính đáng tin cậy cần thiết của internet để mở rộng kết nối trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

Apricot sẽ bổ sung cho 2 dự án xây dựng tuyến cáp internet ngầm dưới biển khác, Echo và Bifrost, mà Facebook và các đối tác thông báo hồi tháng 3 nhằm kết nối Mỹ với Singapore và Indonesia.

Cụ thể, Google, Facebook và hãng viễn thông XL Axiata (Indonesia) cho biết họ sẽ bắt tay lắp đặt tuyến cáp ngầm Echo, kết nối TP Eureka ở bang California (Mỹ) với Singapore và Indonesia. Bên cạnh đó, Facebook cũng sẽ hợp tác với Telin, công ty con của hãng viễn thông Telkom (Indonesia) và Tập đoàn Keppel (Singapore) để triển khai dự án tuyến cáp ngầm Bifrost dài 15.000 km, kết nối bờ tây nước Mỹ với Singapore, Indonesia, Philippines và đảo Guam.

Bikash Koley, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận kết nối mạng toàn cầu ở nền tảng đám mây Google Cloud, cho biết 2 dự án tuyến cáp ngầm Echo và Apricot sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp ở châu Á sự kết nối băng thông rộng, độ trễ thấp giữa Đông Nam Á, Bắc Á và Mỹ.

Khoảng 400 tuyến cáp internet ngầm dưới biển trên toàn cầu đang đảm nhận gần như tất cả các hoạt động kết nối internet và dữ liệu giọng nói giữa các nước. Trong thập kỷ qua, các công ty công nghệ như Google, Facebook và Amazon trở thành những nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hạ tầng internet, đặc biệt là khi tốc độ phổ cập internet ở các nền kinh tế mới nổi bao gồm Indonesia và Philippines tăng nhanh.

“Các công ty công nghệ đang đầu tư vào các tuyến cáp ngầm, thậm chí các vệ tinh để giúp mọi người sử dụng dịch vụ của họ dễ dàng hơn cũng như mở rộng sự tiếp cận thị trường của họ. Nếu cỗ máy tìm kiếm, dịch vụ đám mây hay thậm chí xe kết nối của bạn bị hạn chế do thiếu sự tiếp cận dữ liệu đầy đủ thì bạn sẽ được hưởng lợi nếu hỗ trợ phát triển thêm nhiều dự án kết nối này”, Robert Hillard, đối tác ở hãng kiểm toán Deloitte, nói.

Nhu cầu  từ châu Á là một trong những nguồn tăng trưởng lớn nhất đối với các công ty công nghệ như Facebook, vốn đang phụ thuộc vào lượng người dùng ở các nước như Indonesia để thúc đẩy tăng trưởng khi các thị trường phương Tây đã rơi vào trạng thái bão hòa.

Tuy nhiên, các tuyến cáp internet ngầm dưới biển đang trở thành một vấn đề địa chính trị nóng bỏng đối với các công ty công nghệ do căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Các tuyến cáp internet ngầm này cải thiện sự tiếp cận thông tin trực tuyến ở khu vực châu Á và gia tăng quyền lực mềm cho Mỹ, nước đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về vai trò của Trung Quốc trong việc quản lý dữ liệu truyền qua internet.

Dự án Mạng lưới cáp nhẹ Thái Bình Dương (PLCN), được Facebook và Google tài trợ vốn đầu tư, đã bị gác lại vào năm 2020 sau khi Mỹ cảnh báo những rủi ro an ninh liên quan đến nó. Tuyến cáp này trải dài 13.000 km nhằm kết nối California (Mỹ) với Hồng Kông và một số nền kinh tế khác ở châu Á. Tuy nhiên, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) lo ngại việc kết nối với Hồng Kông, đặc khu kinh tế của Trung Quốc, có thể gây ra các rủi ro an ninh quốc gia đối với Mỹ.

Tuần trước, Amazon và Facebook cũng đề nghị FCC phê duyệt vận hành tuyến cáp dữ liệu ngầm dưới biển kết nối California và Philippines sau khi China Mobile, một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, rút khỏi dự án này.

Đơn đề nghị của họ nói rằng tuyến cáp mới, dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2022, sẽ hỗ trợ các ứng dụng của Facebook và cung cấp cho Amazon năng lực cần thiết để hỗ trợ các dịch vụ đám mây của tập đoàn này.

Theo Financial Times, Capacity Media

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới