Hà Nội sẽ tiếp tục giãn cách xã hội đến ngày 6-9
Hoàng Thắng
(KTSG Online) – Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định thành phố sẽ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày, kéo dài đến 6 giờ ngày 6-9.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của UBND thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội vào chiều ngày 20-8.
Hà Nội bắt đầu cách ly xã hội từ ngày 24-7 với hai đợt, trong đó đợt hiện nay dự kiến kết thúc vào 23-8. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt việc người dân ra đường không có lý do chính đáng, hợp lý. Các nơi phong tỏa phải kiểm soát nghiêm, chặt hơn, bố trí lực lượng, phương tiện cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa cho từng gia đình, từng người dân để nhân dân yên tâm ở tại chỗ, không ra ngoài.
Hà Nội sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày, kéo dài đến 6 giờ ngày 6-9. Ảnh minh họa đường phố Hà Nội trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: Tiến Chương. |
Ông Nguyễn Văn Phong cho biết nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn rất cao do vẫn còn có F0 trong cộng đồng, còn tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành phía Nam và các tỉnh lân cận Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Ngoài ra, một số mục tiêu của việc giãn cách đặt ra như hạn chế mức thấp nhất người ra đường vẫn chưa đạt được.
“Nếu không tiếp tục thực hiện chống dịch quyết liệt, thực chất, hiệu quả hơn nữa thì tình hình dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, ông Phong nhấn mạnh.
Để phòng, chống sự lây lan của dịch bện, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố ban hành Công điện mới về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của UBND thành phố, theo ông Phong.
"Mục tiêu trong giai đoạn tới là tận dụng ngày giãn cách xã hội để tiếp tục đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng, trọng tâm để bóc tách F0. Đồng thời, tăng cường tiêm vắc xi, nâng cao năng lực của y tế Hà Nội để ‘chủ động hơn một bước, chuẩn bị cao hơn một bước’ so với thực tế, qua đó sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh", ông Phong nói.
Ông Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: hanoi.gov.vn |
Với tình trạng số lượng người ra đường vẫn còn đông, UBND thành phố đã giao Công an thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường, đối tượng ra đường để tổng hợp, tham mưu với Sở chỉ huy phòng chống dịch của Thành phố về giải pháp phù hợp hơn, sát tình hình thực tiễn hơn nhằm đảm bảo giãn cách được thực hiện quyết liệt, thực chất và hiệu quả.
Về tình hình dịch bệnh ở Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế - cho biết, Hà Nội ghi nhận 2.695 ca mắc Covid-19 tính từ 27-4 tới nay, gồm: 1.262 ca ngoài cộng đồng, 1.179 ca ghi nhận trong khu cách ly, khu vực phong tỏa; 212 ca ghi nhận trong Bệnh viện và 42 ca nhập cảnh.
Về công tác xét nghiệm, Hà Nội đã thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, kết hợp với xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, không để dịch bệnh lây lan, theo bà Hà.
Cụ thể, cơ quan y tế xét nghiệm cho các đối tượng thuộc các nhóm gồm: nhóm đỏ - khu vực xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao; nhóm da cam - các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… là các khu vực nằm trong vùng nguy cơ; nhóm xanh - các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh. Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao theo hướng mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao.
Bà Hà cho biết trong đợt 1, cơ quan y tế đã lấy 322.925 mẫu - đạt 107,6% kế hoạch. Kết quả, phát hiện được 29 mẫu dương dính, còn lại âm tính.
Với đợt 2, cơ quan y tế đã lấy 421.108 mẫu - đạt 48,8% kế hoạch. Kết quả, phát hiện 18 mẫ dương tính và 107.259 mẫu âm tính, còn lại đang thực hiện xét nghiệm.
Về công tác tiêm vaccine phòng Covid-19, Hà Nội đã tiêm được 1.710.521 liều – tương ứng tỷ lệ tiêm chủng ở mức 20,6%. Trong đó, công nhân tại khu công nghiệp đạt tỷ lệ tiêm chủng ở mức 48,5%.
Về công tác cách ly tập trung, thành phố có 135 cơ sở cách ly có quyết định thành lập gồm: 20 cơ sở do Thành phố thành lập, 09 cơ sở trong doanh trại Quân đội, Công an quản lý và 106 cơ sở tại các quận, huyện, thị xã. Những cơ sở này có khả năng tiếp nhận ngay cách ly 42.982 người và hiện đang cách ly 5.120 người.
Về công tác anh sinh xã hội, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội - cho biết tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỉ đồng tính đến 15h ngày 20-8. Ngoài ra, Thành uỷ, UBND thành phố chỉ đạo ngành rà soát 10 nhóm đối tượng không trong diện được hỗ trợ theo quy định và đã được Thành phố phê duyệt về chính sách đặc thù.
Kết quả, Sở này đã thực hiện hỗ trợ được 190 tỉ đồng. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn cũng tăng cường vừa rà soát, vừa lập danh sách, vừa chuẩn bị các phương án hỗ trợ cho người dân.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chính sách với giá trị gần 30 tỉ đồng. Còn Công đoàn các cấp đã hỗ trợ chăm lo cho hơn 40.000 lượt người lao động với số tiền gần 50 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ dùng 500 tỉ đồng từ vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm sau khi dịch bệnh thuyên giảm, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Về công tác cung ứng hàng hoá thiết yếu, bà Trần Thị Phương Lan – quyền Giám đốc Sở Công Thương cho biết – thành phố đã quyết định trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối của thành phố.
Ngoài ra, Hà Nội có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của ViettelPost. Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động, hiện nay, có 9 địa phương triển khai với nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng.
Để cung ứng hàng hóa đa dạng, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến”, công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động. Hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp.
Với khâu lưu thông hàng hoá, chính quyền thành phố đã cấp mã nhận diện cho 2.200 ô tô và trên 9.000 xe máy vận chuyển hàng hóa để tháo gỡ khó khăn cho khâu vận chuyển. Kết quả, hơn 14.000 shipper đã được cấp mã.
“Dù có triển khai các giải pháp nào, biện pháp nào thì thành phố vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa cho người dân trên địa bàn. Người dân hoàn toàn yên tâm, không phải mua sắm tích trữ”, bà Lan nói.