Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Đà Nẵng và những phép thử của mình

Nhân Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thành phố Đà Nẵng cho phép người giao hàng (shipper) hoạt động trở lại từ 23-8 để hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Thông tin này đề cập trong quyết định của UBND thành phố Đà Nẵng được đưa ra sáng 21-8. Đây là một trong những phương án nhằm giúp thành phố vừa tăng cường phòng chống dịch vừa cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong những ngày phong tỏa cứng tiếp theo.

Tuy nhiên, các shipper này muốn hoạt động được phải đảm bảo các điều kiện, bao gồm đã được tiêm vaccine, xét nghiệm âm tính 3 lần, mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, thường xuyên thực hiện sát khuẩn và có thẻ nhận diện.

Khi thông tin trên xuất hiện hai ngày qua, nhiều ý kiến đồng tình với phương án này khi cho rằng đây sẽ là giải pháp vừa giúp giảm tải gánh nặng hiện nay cho các ban điều hành tại các khu phố (phòng chống dịch và đi chợ giúp dân) vừa giúp tăng cường lưu thông hàng hóa đến với nhiều người dân hơn.

Tuy nhiên, một vài người cũng tỏ ra e dè. Nguy cơ lây nhiễm tăng cao vì lượng người ra ngoài đường và tần suất tiếp xúc sẽ nhiều hơn. Những shipper lợi dụng quyền ra ngoài đường làm việc khác khó kiểm soát.

Cũng có người đặt câu hỏi: Ai sẽ trả cho chi phí tiêm vaccine, xét nghiệm, đồ bảo hộ và găng tay phải thay hằng ngày? Hiện nay số lượng shipper được tiêm vaccine là bao nhiêu? Nếu doanh nghiệp phải gánh thêm các chi phí trên thì nhiều khả năng giá cả hàng hóa cũng sẽ phải được tính toán lại theo chiều hướng tăng.

Đây là một trong những phép thử mà Đà Nẵng thực hiện trong thời gian phòng chống dịch vừa qua.

Từ đầu tháng 5 đến tuần thứ ba của tháng 7, Đà Nẵng áp dụng công thức “bật/tắt đèn”. Khi có những ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên quay trở lại sau dịp lễ, Đà Nẵng đã cho dừng các hoạt động không thiết yếu (nhà hàng, tắm biển, hoạt động thể thao tập trung đông người…). Và sau 1-2 tuần, các hoạt động này được phép hoạt động trở lại có kiểm soát (xuống bãi biển phải đeo khẩu trang).

Công thức này diễn ra vài lần đến nỗi người dân tự tạo luôn nhận thức cho mình: thành phố cho tắm biển tức là dịch cơ bản đã được kiểm soát ngoài cộng đồng. Công thức này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ vì người dân vẫn còn cơ hội đi làm và kinh doanh, tuy rằng hằng ngày vẫn có những đợt truy vết tại các quận, huyện.

Nhưng đến cuối tháng 7, tình hình dịch bệnh không được kiểm soát triệt để và có nguy cơ lan rộng từ ổ dịch mới là cảng cá Thọ Quang. Lúc này, thành phố cho xét nghiệm toàn bộ người dân tại quận Sơn Trà (nơi cảng cá hoạt động) và gần như “khóa cứng” quận với các địa phương khác để phòng chống dịch.

Tuần đầu tiên tháng 8, Đà Nẵng bắt buộc phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cộng thêm vài biện pháp mạnh hơn khi ca nhiễm từ ổ dịch này không những không giảm mà còn lan rộng sang các quận huyện khác và thêm một ổ dịch mới tại một chợ đầu mối. Giấy đi đường, giấy đi chợ, thẻ công tác… được áp dụng để kiểm soát những người ra đường. Phương án này sau đó đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và đã có những ca nhiễm khi xin giấy đi đường hoặc “thông chốt kiểm dịch”.

Và mới đây, Đà Nẵng lại áp dụng thêm một phép thử khác là thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” trong vòng 7 ngày để triệt để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Các giấy tờ trên đều vô hiệu. Điều đáng nói là thông báo này đưa ra 4 ngày trước khi thực hiện nhưng không có những phương án cụ thể về cung ứng hàng hóa và các hoạt động kinh tế khác đang diễn ra. Điều này dẫn đến người dân đổ xô đi siêu thị và doanh nghiệp “như gà mắc tóc” khi phải giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Khi Đà Nẵng bắt đầu thực hiện việc giãn cách mạnh này từ 16-8 thì vai trò của tổ dân phố và khu phố được đưa lên gần như cao nhất vì đây là “cửa ngõ” duy nhất để người dân thông qua đó tiếp cận hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu khác (y tế).

Nhưng vấn đề phát sinh từ đây. Tổ dân phố không thể bao quát hết nhu cầu của người dân vì họ còn được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm soát tránh để lây lan dịch bệnh trong các khu phong tỏa và hỗ trợ hoạt động xét nghiệm diễn ra hằng ngày. Nhiều hộ khó khăn đã cạn kiệt tiền sinh hoạt nhưng chưa được tiếp tế. Những “chợ di động” chỉ được hình thành trong ngày 16-8. 

Qua các báo cáo chính thức cũng như tình hình thực tế cho thấy đến ngày hôm nay, các ca lây nhiễm vẫn tăng. Riêng quận Sơn Trà, sau khi trải qua phong tỏa cứng được một tháng thì hầu như không còn ca nhiễm trong cộng đồng, nhưng số ca dương tính trong khu phong tỏa, cách ly y tế vẫn tăng.

Trước tình hình này, Đà Nẵng một lần nữa lại áp dụng thêm các biện pháp phòng chống dịch, bao gồm thêm 3 ngày áp dụng “ai ở đâu thì ở đó” và cho shipper hoạt động trở lại.

Cách Đà Nẵng chủ động đưa ra những phép thử, phương án phòng chống dịch như trên là điều nên làm để đảm bảo vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa có thể bảo đảm an sinh xã hội và chấp nhận hy sinh kinh tế.

Đà Nẵng có thể rút kinh nghiệm từ các phép thử trước đây để làm tốt hơn trong phương án mới này. Chẳng hạn, các shipper đã đảm bảo các điều kiện nói ở đầu bài được quyền giao thẳng hàng hóa trực tiếp cho người dân (bao gồm cả khu đang phong tỏa) thay vì thông qua trung gian là tổ dân phố. Điều này sẽ vừa giảm áp lực cho tổ dân phố vừa hạn chế nguy cơ lây lan khi bớt đối tượng tiếp xúc. Chi tiết các loại hàng hóa tại các siêu thị, cửa hàng nên được công khai để tránh tình trạng “tổ trưởng trả tiền lại vì không có hàng”.

Cuối cùng, sau ba ngày tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách mạnh, Đà Nẵng cũng nên lên các phương án để nới lỏng, giúp người dân và doanh nghiệp dần quay lại cuộc sống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới