(KTSG Online) – Đà Nẵng được yêu cầu thực hiện kết luận của thanh tra đối với dự án khu phức hợp đô thị quốc tế Đa Phước và xử lý dứt điểm các vấn đề về sai phạm đất đai, tham nhũng tại dự án sân vận động Chi Lăng.
Vì sao Đà Nẵng ‘khó’ thu hồi dự án Đa Phước theo kết luận thanh tra?
Khu đô thị quốc tế Đa Phước: 15 năm, nhiều điều chỉnh, lắm sai phạm
Đây là hai dự án lớn của Đà Nẵng (có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Phạm Công Danh) đang bị treo nhiều năm qua do vướng phải những vấn đề pháp lý chưa thể tháo gỡ được.
Cụ thể, Bộ Xây dựng mới đây trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng gửi Thủ tướng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ chuyển đến với nội dung kiến nghị: “Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để tháo gỡ những vướng mắc tại Khu Đô thị Quốc tế Đa Phước, dự án Sunrise Bay và sân vận động Chi Lăng của thành phố Đà Nẵng”.
Rắc rối trong thu hồi dự án Đa Phước
Đối với Khu đô thị quốc tế Đa Phước, dự án Sunrise Bay Đà Nẵng (nằm chung trong một khu phức hợp), ngày 20-7-2020 Thanh tra Chính phủ ban hành Kết luận thanh tra số 1202/KL-TTCP về việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dung đất đai tại dự án Khu Đô thị quốc tế Đa Phước và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã đồng ý với kết luận này.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện nghiêm kết luận thanh tra số 1202/KL-TTCP, các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nêu tại kết luận thanh tra. Trong đó, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có chức năng liên quan phối hợp hướng dẫn Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc thực hiện Kết luận thanh tra đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, KTSG Online có ghi nhận tại thời điểm thanh tra vào năm 2017, Khu phức hợp đô thị – sân golf Đa Phước được triển khai đồng thời hai dự án. Dự án thứ nhất là Khu đô thị quốc tế Đa Phước diện tích 181 ha (gọi tắt là Dự án 181 ha) và dự án thứ hai mang tên Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình (dự án 29ha).
Theo kết luận này, chủ đầu tư ban đầu là Công ty Daewon Cantavil chuyển nhượng hết cổ phần của mình cho Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79. Chủ đầu tư thực hiện dự án được đổi lại thành Công ty TNHH The Sunrise Bay (hai chủ đầu tư là Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 và Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79). Trong đó, Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”), đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79.
Tuy nhiên, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường (TNMT) thành phố từng cho biết chưa thể làm theo kết luận này vì chưa biết làm theo trình tự như thế nào là đúng theo quy định pháp luật.
Theo tìm hiểu, một trong những yêu cầu của thanh tra là thu hồi đất và dự án. Tuy nhiên, khi thu hồi dự án là phải thu hồi nhà, đất của toàn bộ các hộ dân đang sinh sống trên khu đất. Sau khi thu hồi, việc giao đất cho các hộ dân cũng không thực hiện được, do không giao đất trực tiếp cho người dân mà phải thông qua đấu giá.
UBND thành phố Đà Nẵng cũng có đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép không thu hồi dự án 29ha theo bản án của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (liên quan đến Phan Văn Anh Vũ) cũng như đề xuất tháo gỡ vướng mắc đối với dự án 181ha theo hướng thực hiện nghĩa vụ thuế, tài chính đối với hai dự án này.
Một sân vận động bị “chia năm xẻ bảy”
Trong khi đó, đối với dự án sân vận động Chi Lăng, Thanh tra Chính phủ có Kết luận thanh tra số 2852/KL-TTCP ngày 02-11-2012 về việc thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án đầu tư có ý kiến dư luận trái chiều.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khi đó đã đồng ý với kết luận này và yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm và có hình thức xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, thu hồi triệt để về ngân sách số tiền phải nộp.
Thủ tướng cũng giao các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, thu chi tài chính và việc thực hiện dự án đầu tư liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất tại thành phố Đà Nẵng thời gian qua. Bộ Công an cũng được xác minh, làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Trước đó, năm 2010, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã giao đất sân vận động Chi Lăng cho cho Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên) triển khai thực hiện dự án. Sau đó, dự án được “chia” thành 14 lô đất khác nhau để bán.
Hiện nay, vụ án Phạm Công Danh - Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh có giá trị phải thi hành là 3.946 tỉ đồng của Tòa án nhân dân cấp cao TPHCM. Tài sản bảo đảm là Khu phức hợp thương mại và dịch vụ cao tầng sân vận động Chi Lăng và quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 209 Trường Chinh (phường An Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng).
Đà Nẵng đang thực hiện trình tự trình giám đốc thẩm lên Tòa án nhân dân tối cao để xem xét đưa ra phương án Đà Nẵng có thể lấy lại sân vận động phục vụ người dân.
Trong trả lời kiến nghị trên, Bộ Xây dựng cũng đề nghị cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị UBND thành phố Đà Nẵng căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành để xử lý dứt điểm các vướng mắc, đồng thời cung cấp cụ thể về các khó khăn liên quan đến chức năng, nhiệm vụ giải quyết của các Bộ và các cơ quan (nếu có) để có giải pháp tháo gỡ và trả lời cử tri.