Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

EVN lo lắng về giá than tăng phi mã

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than tăng phi mã trong năm 2021, nhất là thời điểm từ tháng 7 trở đi đã tác động rất mạnh đến chi phí đầu vào sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì hệ thống điện quốc gia hiện phát 51% bằng nhiệt điện than và dầu.

Tối ngày 24-8, EVN phát đi thông báo đặc biệt về việc nhiên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng hơn 16 ngàn tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức chi phí rất lớn, dù sản lượng tiêu thụ điện đã giảm đi đáng kể trong những tháng gần đây vì dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê, trong tháng 7-2021 và 20 ngày đầu tháng 8-2021, giá nhiên liệu đầu vào mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện đang cao hơn rất nhiều so với thông số giá bình quân đã thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là giá than.

Cụ thể như sau: Giá than nhập khẩu bình quân tháng 7-2021 tăng 17,5% so với số liệu bình quân tháng 6-2021; tăng 51,8% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021.  Và tăng 250% so với số liệu bình quân thực hiện năm 2020 (tăng từ 98,8 đô la Mỹ /tấn lên đến 150 đô la/tấn), đồng thời tăng lên mức 159,7 đô la/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8-2021. Giá dầu HFSO bình quân tháng 7-2021 tăng 23% so với số liệu bình quân thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 68,3% so với số liệu thực hiện bình quân năm 2020.

Theo số liệu vận hành hệ thống điện quốc gia, sản lượng phát của nhiệt điện than và dầu chiếm tỷ lệ 51% trên tổng số của tất cả các loại hình nguồn phát. Các thông số giá than nhập khẩu và giá dầu thế giới đã và đang tác động rất lớn đến chi phí mua điện của EVN đối với các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy nhiệt điện khí có giá khí theo giá thị trường. Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì chi phí mua điện của EVN năm 2021 tăng tới 16.600 tỉ đồng.

Đến thời điểm hiện nay, diễn biến giá nhiên liệu thế giới cho thấy xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, tăng cao trong tháng 7 và 8-2021 và khó dự báo diễn biến giá nhiên liệu trong các tháng cuối năm 2021.

Với tình hình biến động về giá nhiên liệu đầu vào trong 8 tháng đầu năm 2021 như trên dẫn đến chi phí sản xuất và mua điện của EVN tăng cao. Bên cạnh đó, tình hình diễn biến thủy văn của các hồ thủy điện ở phía Bắc đến nay không thuận lợi, hiện đã là cuối tháng 8 – tức là thời điểm cuối mùa lũ chính vụ nhưng vẫn chưa có dấu hiệu lũ về các hồ thủy điện. Do vậy, tình hình tài chính của EVN cả năm 2021 được nhận định sẽ có rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tổng giá trị tiền điện 4 đợt mà EVN thực hiện miễn giảm cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 do Chính phủ quyết định từ 2020 đến nay tổng cộng là thêm 16.300 tỉ đồng giảm thu.

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới