(KTSG Online) – Nỗi sợ nhiễm Covid-19 và những ưu tiên việc làm đang thay đổi của tầng lớp thanh niên khiến các nhà máy ở Trung Quốc phải chật vật tìm kiếm công nhân.
Tình trạng thiếu nhân công đang diễn ra khắp Trung Quốc khi giới trẻ từ bỏ các công việc nhà máy và ngày càng có nhiều lao động nhập cư quay trở về quê tìm việc. Thực tế đó càng gây áp lực cho các chủ nhà máy khi họ đối mặt với các thách thức lớn hơn ở phía trước do dân số Trung Quốc già hóa nhanh chóng và lực lượng lao động suy giảm.
Ngày càng khó tuyển công nhân
Với nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tăng vọt trong năm nay, đặc biệt ở các nước phương Tây, các chủ nhà máy ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chật vật tìm kiếm công nhân để sản xuất mọi thứ từ túi xách cho đến mỹ phẩm.
Một bộ phận công nhân nhập cư quyết định ở lại quê tìm việc sau kỳ nghỉ Tết hồi tháng 2 do lo ngại bị nhiễm Covid-19 ở các thành phố hay ở các nhà máy dù số ca nhiễm ở Trung Quốc khá thấp. Những thanh niên khác đang có xu hướng tìm việc trong ngành dịch vụ, có mức lương cao hơn và điều kiện làm việc ít vất vả hơn.
Yan Zhiqiao, chủ một nhà máy sản xuất mỹ phẩm ở TP. Quảng Châu đang sử dụng 50 công nhân, đã không thể mở rộng công suất trong năm nay dù nhu cầu đang tăng, chủ yếu vì gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động, đặc biệt là những người ở độ tuổi dưới 40. Nhà máy của ông trả lương tương đương 3,9 đô la mỗi giờ, cao hơn mặt bằng chung của thị trường, bên cạnh đó, còn cung cấp các bữa ăn và chỗ ở miễn phí cho người lao động. Tuy vậy, ông tuyển được rất ít lao động trẻ.
Ông cho biết ông không đủ sức tăng lương thêm, chủ yếu vì chi phí nguyên liệu thô tăng cao trong năm nay.
“Không giống như thế hệ chúng tôi, thái độ của giới trẻ đối với công việc đã thay đổi. Họ có thể sống dựa dẫm vào cha mẹ và không bị quá nhiều áp lực để kiếm sống. Rất nhiều trong số không đến làm việc ở nhà máy mà chỉ dành thời gian tìm kiếm người yêu”, Yan Zhiqiao nói.
Thất nghiệp của giới trẻ ở mức cao dù nhà máy thiếu lao động
Các chủ nhà máy ở Trung Quốc đang phải trả lương thưởng cao hơn để giữ chân lực lượng công nhân đang suy giảm, làm xói mòn biên lợi nhuận của họ, vốn đang mỏng đi do chi phí nguyên liệu thô và vận tải biển tăng mạnh.
Tháng trước, Tập đoàn Foxconn của Đài Loan, một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple, đã tăng thưởng cho công nhân mới tuyển dụng ở một nhà máy ở TP. Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam lên mức 9.000 nhân dân tệ (1.388 đô la Mỹ) nếu họ làm việc không nghỉ trong 90 ngày liên tục
David Li, Tổng Thư kí Hiệp hồi giày dép châu Á, có trụ sở ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, cho biết với biến thể Delta đang càn quét các nước châu Á khác, một số nhà máy ở Trung Quốc chứng kiến lượng đơn hàng nhảy vọt khi khách hàng buộc phải tìm kiếm các nhà cung cấp khác.
Điều này càng khiến các nhà máy ở Trung Quốc phải ráo riết săn tìm công nhân bằng cách tăng lương.
Ông nói: “Nhiều chủ nhà máy đang ở trong tình thế bế tắc. Họ không biết liệu có kiếm được lợi nhuận nếu nhận thêm đơn hàng mới. Vấn đề đau đầu nhất đối với họ là tìm kiếm công nhân”.
Tình trạng thiếu hụt lao động nhà máy diễn ra khi Trung Quốc đang phải ứng phó một vấn đề ngược lại trong bộ phận khác của nền kinh tế: quá nhiều nhân viên cổ cồn trắng làm việc ở các văn phòng.
Hơn 9 triệu sinh viên tốt nghiệp trong năm nay, cao hơn bất kỳ năm nào khác trước đây, đang làm trầm trọng thêm sự bất cân xứng trong cấu trúc của thị trường lao động Trung Quốc.
Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ của Trung Quốc (từ 16 đến 24 tuổi) trong tháng 7 ở mức 16,2% mặc dù tỷ thất nghiệp tổng thể ở khu vực đô thị giảm nhẹ xuống 5,1% so với mức 5,7% vào cùng kỳ năm ngoái.
Chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghiệp gia sư gần đây của Bắc Kinh nhằm giảm chi phí học hành cho con cái của các bậc phụ huynh nhưng lại làm tăng rủi ro thất nghiệp của giới trẻ. Ngành kinh doanh giáo dục cung cấp việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp hơn bất kỳ ngành nào khác trong năm 2019, theo Công ty tư vấn giáo dục MyCOS.
Covid-19 thúc đẩy xu hướng về quê tìm việc
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, vào năm 2020, số lượng người dân nông thôn Trung Quốc được phân loại là lao động nhập cư giảm hơn 5 triệu xuống còn 285,6 triệu, do ngày càng có nhiều người lao động làm việc gần nhà. Nhiều lao động nhập cư đã quay trở về quê tìm việc làm vì họ lo ngại về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở các thành phố lớn.
Các nhà kinh tế nói rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình trong những năm gần đây thúc đẩy phục hồi các vùng nông thôn bằng cách tập trung đầu tư nhiều hơn vào các tỉnh nằm sau trong nội địa có thể đã làm tăng thêm thách thức cho các nhà máy vì giờ đây, lao động nông thôn có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn ngay chính quê hương, cho phép nhiều lao động nhập cư hồi hương để làm việc gần nhà hơn.
Tại TP. Quảng Châu, gần một phần ba trong số hơn 100 công nhân nhà máy của Công ty gia công túi xách BSK Fashion Bags đã không trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán vừa qua.
Jeroen Herms, người đồng sáng lập công ty này, cho biết: “Chúng tôi hầu như không tuyển thêm được bất cứ công nhân nào vì nhiều người lao động không chịu rời quê . Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng này”.
Ông cho biết độ tuổi trung bình của công nhân tại nhà máy của ông đã tăng lên 35 tuổi, so với 28 tuổi vào một thập kỷ trước. cũng đầu tư nhiều hơn vào tự động hóa.
Để mở rộng sản xuất, công ty ông lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới ở tỉnh Hà Nam, nơi vẫn thu hút lượng công nhân nhập cư lớn. Công ty ông cũng đang đầu tư nhiều hơn cho các quy trình tự động hóa trong sản xuất.
Vào năm 2020, hơn một nửa số lao động nhập cư của Trung Quốc ở độ tuổi từ 41 trở lên. Tỷ lệ lao động nhập cư từ 30 tuổi trở xuống đều đặn giảm xuống mức 23% vào năm 2020 từ mức 46% vào năm 2008, theo số liệu của Công ty dữ liệu Wind.
Giới trẻ thích công việc ít cực nhọc, lương cao
Với việc ngày càng nhiều thanh niên xem công việc nhà máy là công việc cực nhọc, ngành dịch vụ đã trở thành tạo nguồn việc làm lớn nhất cho lao động nhập cư vào năm 2018, vượt qua lĩnh vực sản xuất và xây dựng, theo một cuộc khảo sát hàng năm về lao động nhập cư của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc.
Ông Shuang Ding, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered, cho biết: “Thanh niên Trung Quốc không còn sẵn sàng đảm nhận bất kỳ loại công việc khó nhọc nào nữa. Họ có kỳ vọng cao hơn nhiều về những gì một công việc có thể mang lại và họ có thể chờ đợi lâu hơn để tìm được việc phù hợp”.
Wang Liyou, 33 công nhân của một nhà máy ở Đông Hoản, tạm nghỉ việc vào đầu năm 2020 nhưng khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, anh không quay trở lại nhà máy nữa. Thay vào đó, anh và gia đình chuyển đến Bắc Kinh để tìm kiếm công việc dịch vụ được trả lương cao hơn. Hiện anh làm công việc giao đồ ăn, có mức lương cao hơn khoảng 10% so với mức lương gần 1.000 đô la hàng tháng của anh khi làm công nhân nhà máy. Mục tiêu của anh ta là mang về nhà hơn 1.500 đô la mỗi tháng như một số đồng nghiệp, những người đã làm công việc giao hàng trong nhiều năm. Anh nói: “Tôi muốn nỗ lực kiếm tiền trước khi quá già”.
Các vấn đề trên thị trường động Trung Quốc cũng phản ánh các biến động về nhân khẩu học trong dài hạn, bao gồm lực lượng lao động suy giảm, di sản của chính sách hạn chế mỗi gia đình chỉ được phép sinh 1 con kéo dài trong nhiều thập kỷ và chỉ mới chính thức bãi bỏ vào năm 2016. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc, được định nghĩa là những người trong nhóm tuổi 15-59 , đã giảm xuống còn 894 triệu vào năm ngoái, chiếm 63% tổng dân số. Con số này giảm từ 939 triệu vào năm 2010, tương đương 70% tổng dân số vào thời điểm đó. Lực lượng lao động của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm khoảng 35 triệu người trong vòng 5 năm tới.Xu hướng lao động suy giảm áp đặt mối đe dọa nghiêm trọng đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong dài hạn. Chúng cũng khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc duy trì cung cấp hàng hóa giá rẻ cho thế giới và điều này có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu.“Trung Quốc từ lâu đã không còn được hưởng lợi từ cơ cấu dân số”, Shuang Ding, nhà kinh tế ở Ngân hàng Chartered Bank, nói.
Theo Wall Street Journal