Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số sản xuất tháng 8 tiếp tục giảm mạnh

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc siết chặt hơn giãn cách xã hội đã khiến cho sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động mua hàng và việc làm đều giảm nhanh hơn trong tháng vừa qua.

Theo báo cáo công bố ngày 1-9 của IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers' Index -PMI) của Việt Nam đã giảm còn 40,2 điểm trong tháng 8 so với 45,1 điểm của tháng 7, cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất suy giảm mạnh nhất kể từ tháng 4-2020. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã giảm ba tháng liên tiếp.

Sản lượng giảm mạnh trong tháng 8, chỉ kém tháng 4 năm ngoái.

Trong bối cảnh một số nhà sản xuất phải đóng cửa tạm thời, một số nhà máy khác cho biết ở trong tình trạng thiếu nhân viên và khả năng sản xuất bị hạn chế, nên sản lượng đã giảm với tốc độ đáng kể. Tốc độ giảm sản lượng trong tháng qua chỉ xếp sau mức được ghi nhận vào tháng 4 năm ngoái.

Tình trạng suy thoái trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trầm trọng hơn trong tháng 8. Không chỉ có sản lượng giảm mạnh, số lượng đơn đặt hàng mới khi chỉ số này giảm tháng thứ ba liên tiếp, và tốc độ giảm là nhanh nhất trong thời gian 16 tháng. Xuất khẩu cũng đứng trước những thách thức mới khi tốc độ giảm của số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng nhanh hơn.

Chuỗi cung ứng ghi nhận tiếp tục bị gián đoạn nghiêm trọng khi thời gian giao hàng kéo dài ở mức kỷ lục tháng thứ hai liên tiếp. Bên cạnh khó khăn của khâu vận tải, tắc nghẽn tại cảng, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu là nhân tố thứ hai góp phần làm kéo dài thời gian giao hàng.

Kết quả là chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh, với tốc độ tăng giá nhanh nhất trong một thập niên. Mặc dù hoạt động mua hàng ghi nhận giảm, tồn kho hàng hóa đầu vào đã tăng lần đầu tiên trong ba tháng. Điều này chủ yếu phản ánh những khó khăn của các công ty trong việc duy trì sản lượng.

Ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit bình luận: “Các nhà sản xuất Việt Nam hiện đang đối mặt với một nhiệm vụ gần như bất khả thi”, khi đối mặt với các hạn chế sản xuất. Một số phải đóng cửa hoàn toàn, một số khác hoạt động cầm chừng với số lượng nhân viên hạn chế theo chính sách “3 tại chỗ”.

Tâm lý kinh doanh trong tháng 8 đạt mức thấp của 15 tháng khi tình trạng trầm trọng của đợt bùng phát Covid-19 hiện nay đã khiến một số công ty dự đoán thời gian hạn chế hoạt động vẫn kéo dài.

Một điểm đáng chú ý trong khảo sát lần này là có một số công ty thay đổi kỳ vọng về khả năng hạn chế rất có thể còn kéo dài, dù một số công ty tự tin sản xuất sẽ hồi phục.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê công bố cuối tháng 8, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8-2021 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, tính chung 8 tháng đầu năm thì chỉ số này lại tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Tổng cục thống kê đánh giá mặc dù mức tăng trưởng này cao hơn so với năm 2020 (8 tháng đầu năm 2020 tăng 2,2%), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số năm 2019 (9,5%). Riêng ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,9 điểm phần trăm vào mức tăng chung, ghi nhận mức tăng 7%, cùng kỳ năm 2020 là 3,7%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới