Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Than và sẽ còn tiếp tục là than

Nguyễn Phán

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hứa sẽ đưa ngành khai thác than trở lại dưới nhiệm kỳ của mình, những hành động của ông đã không đủ để vực dậy ngành công nghiệp này. Hiện tại, xu thế đầu tư xanh (ESG) không làm cho tương lai của than mấy sáng sủa. Mục tiêu của các nước phát triển là chuyển từ nguồn năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch. Nhưng giá than đang tăng cao và làm cho xu thế đầu tư ESG trở nên ngớ ngẩn hơn bao giờ hết.

Hình 1. Hiệu năng của các nguồn năng lượng (Nguồn: Forbes).

Tác giả bài viết này đã bàn đến vấn đề về dầu và nguồn cung dầu trong bài “Đen là màu xanh mới”, và hình 1 bên dưới tóm tắt bài viết ngắn gọn cho mọi người hiểu và là mở màn cho bài viết.

Nếu nhìn vào hình trên, thì không còn gì phải bàn cãi khi hiệu năng của điện nguyên tử hơn hẳn tất các nguồn năng lượng còn lại với số lượng phát thải carbon bằng 0. Nhưng thái độ của xã hội thế giới với các nhà máy điện nguyên tử là không thân thiện, nên nhiều nước sử dụng các nguồn năng lượng khác từ đập thủy điện, than, và khí đốt tự nhiên. Hiện tại, công nghệ hạt nhân đã đạt đến tầm có thể kiểm soát rủi ro, trong khi các đập thủy điện thì luôn là mối hiểm họa đối với dân cư sống trong vùng ảnh hưởng... Đôi khi định kiến của xã hội đi ngược hoàn toàn logic của khoa học...

Hình 2. Nguyên liệu đầu vào trong việc tạo điện năng toàn cầu (Nguồn: IEA).

Quay trở lại với vấn đề về than. Than đứng thứ ba về hiệu suất và đó là lý do tại sao than vẫn đang chiếm một phần ba nguyên liệu đầu vào để tạo ra điện năng toàn cầu (hình 2). Ngoại trừ những người yêu môi trường thích nhìn vào tương lai và nghĩ tới một kịch bản tươi đẹp toàn màu hồng, ít ai nghĩ rằng hiện tại nếu giá điện lên hoặc điện bị cắt vì khủng hoảng đầu vào sẽ như thế nào.

Không phải các nguồn năng lượng sạch là không khả thi, nhưng công nghệ đằng sau của những nguồn năng lượng này chưa đạt tới độ tối ưu để thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng cũ. Việc thay thế các nguồn năng lượng cũ một cách nhanh chóng để chống lại biến đổi khí hậu sẽ có kết cục khôn lường. Không có lựa chọn nào đúng đắn, chỉ có lựa chọn mà chúng ta có thể sống với hậu quả của nó.

Lịch sử loài người, ngoài là lịch sử của tiền, còn là lịch sử của năng lượng. Chúng ta đi từ tia chớp tạo ra lửa cho con người sống sót, sang dầu và than, tới nguyên tử. Mỗi bước tiến hóa đơn giản đó là sự tiến bộ về mặt khai thác nguồn năng lượng tối ưu từ tài nguyên và trữ nó cho các nhu cầu dân dụng và công nghiệp khác nhau. Thậm chí, nếu người ta muốn so sự giàu có, họ có thể so sánh khả năng sử dụng năng lượng của mình, với người giàu hơn sẽ sử dụng năng lượng một cách thoải mái hơn rất nhiều. Minh chứng cho chuyện này là hình chụp vệ tinh NASA về bề mặt Trái đất ban đêm.

Sau những năm mất đi vị thế của mình, các công ty khai thác than lớn ở Mỹ đều đã đệ đơn phá sản. Thậm chí, với xu hướng đầu tư ESG như hiện tại, các công ty khác than gần như không còn khả năng kêu gọi vốn. Những công ty còn trụ lại như Peabody, Arch Resources, hay thậm chí Hallandor Energy sẽ là những công ty hưởng lợi từ bất cứ tình huống vĩ mô nào dẫn đến giá than tăng. Và hiện tại thì khi khí đốt tự nhiên đang tăng mạnh và do than và khí đốt là hai nguyên liệu đầu vào có thể thay thế cho nhau vì hiệu năng bằng nhau, nên giá hai loại khoáng sản này gần như phản ứng đồng biến với nhau (hình 3).

Hình 3. Giá than (màu xanh) và giá khí đốt tự nhiên (màu cam) (Nguồn: Tradingview).

Như đã nói ở trên, năng lượng có thể hiểu theo nghĩa của sự giàu có. Vậy thì các nguồn năng lượng như than và khí đốt sẽ có sự thay đổi đồng biến với tốc độ phát triển kinh tế, và đây là điều không có gì mới. Điều mới ở đây là gần như mọi người đều nghĩ rằng vì than chiếm tỷ lệ càng ít so với phần trăm năng lượng trên thế giới, than sẽ hoàn toàn bị loại bỏ.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã viết như sau: “Có rất ít tín hiệu cho thấy rằng nhu cầu sử dụng than sẽ giảm mạnh trong những năm tới, với nhu cầu từ các nền kinh tế châu Á sẽ bù đắp vào phần thâm hụt ở những nơi khác”. Điều này chứng tỏ nhu cầu về than không hề giảm như mọi người nghĩ khi nhìn vào biểu đồ phần trăm tỷ trọng năng lượng than trên năng lượng toàn cầu. Phần trăm giảm đó là vì nhu cầu năng lượng ngày càng tăng do nền kinh tế các nước ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu năng lượng.

Nếu vậy, khi các nguồn năng lượng sạch không có hiệu năng tốt để đáp ứng những nhu cầu này, thì giá trị tuyệt đối của nhu cầu than sẽ tăng chứ không giảm, trừ khi tất cả đều sử dụng năng lượng nguyên tử. Hình 4 tóm tắt một cách đơn giản rằng những nhà dự báo năng lượng sạch gần như sai hoàn toàn trong ước lượng khoảng thời gian mà các nền kinh tế sẽ chuyển sang năng lượng sạch.

Hình 4. Dự báo của các chuyên gia về khoảng thời gian xã hội sẽ hoàn toàn chuyển sang năng lượng sạch. (Nguồn: J.P. Morgan).

Điều đã khiến những chuyên gia này dự báo sai đó là vì tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ đô thị hóa ở các nước dân số đông như Ấn Độ và Trung Quốc đang đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng lên cao. Khi nhắc đến than, chúng ta không thể không nhắc tới Trung Quốc vì nước này chiếm hơn một nửa tổng năng lượng được làm ra từ than.

Nếu đó không phải là Trung Quốc, thì các nền kinh tế khác sẽ thay thế Bắc Kinh trong phương trình nhu cầu sử dụng than. Nếu khu vực châu Á được dự báo là tăng trưởng mạnh, thì nhu cầu sử năng lượng sẽ tăng. Nội trong năm 2010 tới năm 2019, các nước Đông Nam Á đua nhau xây dựng nhà máy nhiệt điện, với Indonesia dẫn đầu, sau đó tới Việt Nam. Khi hai nước này luôn nằm trong tốp tăng trưởng của khu vực, thì nhu cầu sử dụng than sẽ phải tăng, và đó là chính xác những gì IEA nhìn thấy trong báo cáo năm 2020 (hình 5).

Hình 5. Nhu cầu sử dụng than theo vùng (Nguồn: IEA).

Còn một yếu tố nữa đó là thời tiết. Khi các nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời cần thời tiết tốt, thì những điều kiện khắc nghiệt sẽ gây khó khăn cho việc duy trì lượng điện cần thiết. Hiện tại, ở Mỹ đang nhìn thấy một đợt nắng nóng lớn. Nếu mùa đông năm ngoái xảy ra hiện tượng băng giá như kiểu ở Texas, thì thời tiết khắc nghiệt vào mùa đông này tái diễn sẽ tiếp tục đẩy giá than lên cao, vì giá khí đốt tự nhiên cũng sẽ tăng theo. IEA tiếp tục đưa ra bình luận như sau: “Giá khí đốt được dự kiến sẽ tăng mạnh, khiến cho giá trị kinh tế trên một Btu của than vượt trội hơn cả. Dự báo thị phần của than trong lĩnh vực tạo điện tăng từ 20% của năm 2020 lên 24% năm 2021 và 22% năm 2022”.

Nói một cách công bằng, không phải các nguồn năng lượng sạch là không khả thi, nhưng công nghệ đằng sau của những nguồn năng lượng này chưa đạt tới độ tối ưu để thay thế hoàn toàn các nguồn năng lượng cũ. Việc thay thế các nguồn năng lượng cũ một cách nhanh chóng để chống lại biến đổi khí hậu sẽ có kết cục khôn lường. Không có lựa chọn nào đúng đắn, chỉ có lựa chọn mà chúng ta có thể sống với hậu quả của nó.

-------------

Dịch vụ thư đầu tư Slumdog Market Newsletter hiện đang mở cửa cho những ai quan tâm tới tài chính và thị trường.

Mọi câu hỏi xin gửi về: slumdogmarket@outlook.com

Facebook QTMacro: www.facebook.com/SlumdogMarket

Substack: https://qtmacro.substack.com/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới