ĐBSCL ứng phó với nhiễm mặn
Phi Tuấn
(TBKTSG Online) – Tình trạng nhiễm mặn hiện nay ở ĐBSCL đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và các cơ quan chức năng đang tìm các biện pháp ứng phó.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết rút kinh nghiệm từ đợt nhiễm mặn năm trước, năm nay An Giang đã phối hợp với tỉnh Kiên Giang đóng sớm hơn 20 cống để ngăn ngừa sự xâm nhập mặn gây ảnh hưởng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Riêng kênh Rạch Giá – Long Xuyên vẫn chưa kiểm soát được, vì thế nhiễm mặn vẫn có thể xảy ra nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, để phục vụ cho công tác tưới tiêu và chuẩn bị cho vụ hè thu, sở đã sử dụng nguồn vốn 64 tỉ đồng do trung ương cấp để đầu tư nạo vét kênh mương, khắc phục tình trạng khô hạn.
"Các đợt triều cường cũng đã đưa thêm nước về các vùng sản xuất, vì thế, dù mùa khô kéo dài, An Giang vẫn không lo thiếu nước", ông Thạnh khẳng định.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 4-3, bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết sở đang tiến hành điều tra khảo sát số liệu xâm nhập mặn ảnh hưởng đến phát triển vụ lúa đông xuân. Kết quả cho thấy hơn 1.000 héc ta bị thiệt hại 100%, cùng với nhiều héc ta bị thiệt hại 50%.
"Ở Kiên Giang, hiện nay, người dân đã thu hoạch được trên 100.000 héc ta trong tổng số hơn 284.000 héc ta lúa đông xuân", bà Phượng nói.
Bà Phượng cho biết trước mắt sở hỗ trợ người dân bằng các biện pháp kỹ thuật, tổ chức tập huấn và hướng dẫn người dân kỹ thuật bón phân để khôi phục diện tích đất bị nhiễm mặn, còn về lâu dài tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt công trình đê biển, thi công xây dựng các loại cống điều tiết để nếu mặn xâm nhập sẽ đóng cống để giữ nước ngọt.
Bà Phượng thông tin thêm rằng đây lại là thời điểm bà con nuôi tôm đang gặp thuận lợi trong việc lấy nước vào. Hiện nay ở Kiên Giang có khoảng 65.000 héc ta diện tích nuôi tôm lúa và đã lấp đầy được hơn 60%.
“Nước mặn tạo điều kiện thuận lợi, nhưng nắng nóng lại gây ảnh hưởng xấu đến diện tích nuôi trồng, khiến cho tôm bị bệnh. Hiện nay chúng tôi đang tiến hành khảo sát các thiệt hại để có đánh giá chính xác và đưa ra biện pháp ứng phó”, bà Phượng nói.
Bến Tre, tỉnh chịu khá nhiều ảnh hưởng do xâm nhập mặn, cũng đã thành lập một đoàn khảo sát và đánh giá tình hình trong toàn tỉnh. Theo bà Trần Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến hết tuần này tỉnh sẽ có đủ dữ liệu, sau đó sẽ đưa ra các giải pháp xử lý tổng thể.