Chủ Nhật, 15/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thêm 106 dự án điện gió kịp hòa lưới để hưởng giá ưu đãi

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đến đầu tháng 8-2021, có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới để được công nhận vận hành thương mại (COD) trước 1-11-2021, nhằm hưởng giá bán điện ưu đãi của Nhà nước.

Theo tin từ Tập đoàn điện lực (EVN), đến đầu tháng 8-2021 đã có tổng cộng 106 nhà máy điện gió gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5.655,5 MW.

Dự án điện gió 7A đã có tên trong danh sách hòa lưới điện quốc gia để hưởng ưu đãi - Ảnh:EVN

Trong số này có các dự án vừa được công nhận COD như dự án Hòa Bình 1 (giai đoạn 2), dự án số 5 Ninh Thuận, dự án điện gió 7A Ninh Thuận từ 12,6 MW đến 21 MW.  Các dự án khác xếp hàng đợi đến lượt được công nhận. Tuy nhiên, số lượng các dự án được công nhận để đóng điện tính đến cuối tháng 8 vừa qua là 24 nhà máy điện gió với tổng công suất là 963 MW vào vận hành thương mại.

Việc EVN cập nhật và thông tin về tiến độ công nhận vận hành thương mại (COD) các dự án điện gió trước thời điểm 31-10-2021 là do tính đến thời điểm đó là hạn cuối cùng để các dự án được hưởng giá mua điện gió ưu đãi theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng.

Theo quyết định này, đối với các dự án điện gió trong đất liền thì giá mua điện tại điểm giao nhận là 1982 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế GTGT, tương đương với 8,5 cent Mỹ/kWh. Còn đối với các dự án điện gió trên biển thì giá mua là 2.223 đồng/kWh, tương đương với giá 9,8 cent Mỹ/kWh. Giá mua này được áp dụng 20 năm cho cả đời dự án, đảm bảo cho các nhà đầu tư nếu ký được Hợp đồng mua bán điện với EVN kịp thời điểm trên sẽ đảm bảo có lợi nhuận ổn định cho cả đời dự án. Đó cũng chính là lý do các chủ đầu tư nhà máy điện tăng tốc đầu tư và đăng ký nối lưới trước thời điểm 31-10-2021, trước khi Chính phủ có quyết định khác hay không.

Cách đây vài tháng, EVN đã từng kiến nghị Chính phủ, đối với các dự án có công trình đấu nối không đảm bảo tiến độ trước ngày 1-11-2021 thì chỉ thực hiện đóng điện, nghiệm thu và công nhận COD ngay sau khi được Thủ tướng hoặc Bộ Công Thương phê duyệt phương án đấu nối tạm và cho phép công nhận COD tại thời điểm đấu nối tạm.

Còn đối với các dự án vận hành sau thời điểm Quyết định 39 hết hiệu lực thì tạm thời không thực hiện các thử nghiệm liên quan và không huy động sản lượng điện lên lưới cho đến khi có quyết định mới của Chính phủ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới