Thứ bảy, 14/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bổ sung quy định mới về tái cơ cấu nợ xấu vì Covid-19

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thông tư 14 bổ sung quy định mới về việc các khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày 7-9-2021 có thể được tái cơ cấu nợ.

Ngày 7-9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 (ban hành 2020), quy định việc các tổ chức tín dụng cơ cấu hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Thông tư có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Quy định mới có thể mở đường cho việc tái cấu trúc các khoản nợ quá hạn tính đến ngày 7-9. Hình minh họa: TTXVN.

Nội dung cơ bản sửa đổi phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí theo hướng bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10-6-2020 theo quy định tại Thông tư 01.

Sửa đổi phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 30-6-2022, thay cho quy định đến ngày 31-12-2021.

Tăng giới hạn thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi, phí đến ngày 30-6-2022, thay cho quy định đến ngày 31-12-2021.

Ngoài ra, Thông tư 14 có một điểm mới bổ sung so với Thông tư 01 và Thông tư 03 (có hiệu lực từ tháng 5 nhưng không có nhiều ý nghĩa đối với làn sóng Covid-19 lần thứ tư).

Cụ thể, điều kiện có thể được cơ cấu nợ là số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021 và quá hạn từ ngày 17-7-2021 đến trước ngày 7-9-2021.

Theo giải thích của NHNN, mốc thời gian 17-7-2021 là thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 969 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương, trong đó cho phép 19 tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 16.

Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh và cuộc sống của doanh nghiệp và người dân, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ đối với các số dư nợ đến hạn trong khoảng thời gian từ ngày 17-7-2021 đến ngày 7-9 (tức ngày Thông tư có hiệu lực).

Theo đó, đây là số dư nợ không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư 01 và Thông tư 03, nên dẫn đến số dư nợ này sẽ bị tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chuyển thành nợ quá hạn.

Như vậy, về cơ bản nội dung Thông tư ban hành không thay đổi nhiều so với dự thảo trước đó.

Các đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng đưa ra gần đây cũng chưa được "chuyển hóa" thành quy định cụ thể, đặc biệt là đề xuất tạm hoãn trả nợ cho các khách hàng trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Trong đề xuất, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng quan điểm xây dựng thông tư của cơ quan quản lý là thận trọng, an toàn hệ thống, không để các tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật.

Tuy nhiên, nếu theo những quy định mới về thời gian theo như trên thì không loại trừ khả năng sửa đổi lần thứ tư, vì dịch bệnh đã diễn biến phức tạp hơn rất nhiều lần so với kịch bản ban đầu.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng, các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng chiếm tới khoảng 70-80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng, khiến cho số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18-5-2021 đến thời điểm thông tư có hiệu lực là rất lớn.

Hiệp hội cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ thực trạng nguy cơ nợ xấu tăng đột biến, từ đó đề nghị ban hành một nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cách sửa đổi bổ sung này vẫn loay hoay theo tư duy cũ, bám lấy mốc thời gian thay cho bản chất nội dung vấn đề, thể hiện tầm nhìn tiểu tiết, ngắn hạn, thiếu tính bao trùm. Nguyên nhân vì đây là văn bản do Thanh tra giám sát soạn thảo chứ không phải là Vụ tín dụng các ngành kinh tế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới