Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Phụ huynh Trung Quốc lo lắng cho tương lai con em trước các cải cách giáo dục

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các bậc phụ huynh Trung Quốc đang lo ngại con em họ sẽ mất đi nhiều cơ hội phát triển khi chính phủ thực hiện các đợt cải cách giáo dục như giảm giờ học tiếng Anh, đóng cửa các trung tâm dạy kèm. Việc đảo ngược chính sách với giảng dạy tiếng Anh làm phụ huynh lo âu nhưng đứng trước những lựa chọn hiện khá giới hạn, các bậc cha mẹ vẫn không dễ dàng bỏ cuộc.

Nhiều trường công ở Trung Quốc đã cắt giảm số giờ học tiếng Anh, dành nhiều thời gian cho hoạt động thể thao và nghệ thuật. Ảnh: EPA-EFE

Tìm đủ đường “binh”

“Nhiều bậc phụ huynh xem tiếng Anh là công cụ để kết nối với thế giới. Họ đang tìm các giải pháp”, theo lời Stell Zou, người quản lý một nhóm chat mạng xã hội gồm 500 thành viên có cùng lo lắng như cô.

Stella nói con cô học trường công, năm ngoái, cháu đến lớp bốn buổi mỗi tuần để học tiếng Anh, sau đó còn theo các buổi thảo luận với các giáo viên ở Mỹ thông qua nền tảng giáo dục tư nhân. Học kỳ mới bắt đầu tuần rồi, Stella nhận ra số buổi học tiếng Anh chỉ còn ba buổi trong tuần, trong khi các buổi học tiếng Anh trực tuyến đã bị “dọn sạch” sau các đợt chấn chỉnh của chính phủ.

“Tiếng Anh dường như là môn bị ảnh hưởng nặng nhất trong cải cách”, Stella thở dài.

Trong suốt mùa hè rồi, nữ doanh nhân 41 tuổi này đã mua cả tủ sách giáo khoa tiếng Anh – từ những series Reading Explorer của National Geographic Learning đến Wonders của NXB McGraw-Hill Education. Giờ đây, cô dự định sẽ tự mình dạy con học tiếng Anh.

Trước các đợt cải cách giáo dục, tiếng Anh là môn bắt buộc từ bậc tiểu học ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Các cải cách rõ ràng là không nhắm vào tiếng Anh, mà chỉ với mục đích làm nhẹ gánh nặng học tập của trẻ em, cho phép chúng có nhiều thời gian để chơi thể thao và theo đuổi các bộ môn nghệ thuật.

Tuy nhiên, những cải cách này diễn ra vào lúc các tranh luận ngày càng trở nên nóng khi phần lớn người Trung Quốc dốc sức học ngôn ngữ phương Tây. Các nhân vật có ảnh hưởng với công chúng đã “đổ dầu vào lửa” khi đề cao chủ nghĩa dân tộc, phản đối “những tư tưởng ngoại lai”.

Chính phủ không có bất cứ lệnh nào cắt giảm số giờ học tiếng Anh ở trường, nhưng nhiều trường đã điều chỉnh chương trình để tuân theo chỉ thị từ trên. Ví dụ như nhiều trường ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Tứ Xuyên và nhiều tỉnh khác đã cắt bớt thời gian giảng dạy tiếng Anh và thêm giờ cho các hoạt động thể thao và nghệ thuật.

Được xem là thành phố quốc tế hóa nhất ở Trung Quốc, tháng trước, Thượng Hải thậm chí còn thông báo rằng học sinh không cần phải trải qua các kỳ thi thông thạo Anh ngữ, nhằm giảm bớt áp lực học tập cho học sinh. Thành phố đã noi theo gương tỉnh Liêu Ninh ở mạn đông bắc Trung Quốc. Hồi tháng 2 sau Tết Nguyên đán, Liêu Ninh đã giảm điểm hệ số tối đa của môn tiếng Anh trong kỳ thi tuyển đại học, vì thế môn này cũng chiếm tỷ lệ điểm ít hơn trong tổng điểm chung.

Nhưng với cô Stella và các bậc phụ huynh lo xa, ảnh hưởng của đợt trấn áp ngành công nghiệp dạy kèm lại nghiêm trọng hơn.

Hồi tháng 7, chính quyền ra lệnh các trung tâm dạy kèm và công ty dịch vụ giáo dục phải chuyển sang hình thức phi lợi nhuận, cấm các nơi này dạy các môn chính trong chương trình học – gồm tiếng Hoa, tiếng Anh và toán – vào cuối tuần và kỳ nghỉ. Sử dụng giáo trình nước ngoài hoặc mời giáo viên nước ngoài đứng lớp cũng bị cấm.

Công ty khởi nghiệp VIPKid ở Bắc Kinh nói hiện đã ngừng các dịch vụ như trên. VIPKid cũng nói họ ký hợp đồng với gần 90.000 giáo viên ở Mỹ và Canada với gần 1 triệu học sinh Trung Quốc đăng ký học.

“Thông điệp của chính phủ dường như là tiếng Anh không quá quan trọng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy thay đổi này. Khi tôi là sinh viên, tiếng Anh được nghiều người xem là môn học quan trọng khi Trung Quốc đang mở rộng cửa tiếp xúc thế giới bên ngoài”, Stella nói.

Đảo ngược chính sách

Trung Quốc bắt đầu khuyến khích người dân học tiếng Anh kể từ khi bắt đầu chính sách mở cửa cuối thập niên 1970. Để rồi 20 năm sau, tiếng Anh được giảng dạy ở trường tiểu học.

Năm 2001, Bộ Giáo dục ra hướng dẫn thúc giục các trường tiểu học trên cả nước, trừ những vùng hẻo lánh, phải đảm bảo học sinh phải được học tiếng Anh không trễ hơn lớp 3 nhằm “hiện đại hóa giáo dục để giao lưu với thế giới và đáp ứng những nhu cầu trong tương lai”.

Xu hướng này đạt đỉnh nhân kỳ Thế vận hội Bắc Kinh 2008 khi Trung Quốc có cơ hội phô diễn những thay đổi nhanh chóng về thành tựu trong các thập niên trước. Nhưng những năm gần đây, những căng thẳng ngày càng tăng với Mỹ và các nước phương Tây cũng như sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia ở Trung Quốc đã khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao phải học ngôn ngữ phương Tây.

Tháng 3-2019, blogger kiêm nhà văn trực tuyến nổi tiếng Hua Qianfang đã làm dậy sóng các tranh luận trên mạng với ý kiến “học ngôn ngữ này là vô ích và mang tâm lý dân tộc nhược tiểu”. Tháng 3 năm nay, Xu Jin thuộc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc – cơ quan tư vấn chính trị quốc gia chủ yếu của nước này, đã đề nghị bỏ môn tiếng Anh là môn bắt buộc ở trường tiểu học và trung học cơ sở, và trong kỳ thi tuyển đại học Cao khảo (Gaokao).

Dư luận lại dậy sóng. Một khảo sát của tờ Thanh Niên nhật báo Trung Quốc cho thấy đa phần – hơn 110.000 người – phản đối. Những người tham gia khảo sát nói rằng tiếng Anh cần được dạy từ rất sớm để giúp Trung Quốc có thể cạnh tranh với các nước khác. Tuy nhiên, gần 100.000 người ủng hộ đề xuất, nói rằng tốt hơn là dành nhiều thời gian học ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.

Sun Ning, kỹ sư đường sắt 34 tuổi ở Bắc Kinh, cho rằng anh ủng hộ việc giảm giờ học tiếng Anh. “Tiếng Anh đâu được sử dụng nhiều ở nơi làm việc. Khi chúng ta cần, chúng ta có thể nhờ các thiết bị có trí tuệ nhân tạo hỗ trợ để dịch. Rất là tiện lợi”.

Tại Bắc Kinh, cô Stella ráo riết săn lùng sách giáo khoa tiếng Anh bởi sợ rằng chính phủ sẽ thắt chặt kiểm soát và cấm bán.

“Tôi đã bỏ ra hàng ngàn nhân dân tệ cho những cuốn sách này. Việc học một ngôn ngữ nước ngoài sẽ giúp chúng ta hiểu được tư duy, suy nghĩ của phương Tây và phát triển các kỹ năng tư duy phản biện. Những điều này bạn sẽ không bao giờ học được ở các trường đại lục”, cô Stella nói.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian và kỹ năng để dạy con học.

Yuan Jie, bà mẹ 36 tuổi từ vùng sâu ở Tứ Xuyên, cho rằng giảm giờ học tiếng Anh sẽ khiến cậu con trai 10 tuổi gặp bất lợi. “Chúng tôi ở một trấn nhỏ thuộc loại 4. Ở đây, giáo dục của trẻ nhỏ phụ thuộc hầu hết vào hệ thống trường công. Số buổi học tiếng Anh trong tuần ở trường con trai tôi đã giảm từ ba buổi xuống còn hai trong học kỳ này. Tôi rất lo con mình khó cạnh tranh với các bạn đồng lứa ở thành thị. Nhưng thật sự, tôi không biết phải làm gì”, người mẹ nói.

Theo South China Morning Post

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới