Thứ tư, 8/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thu nhập của ngành vận tải biển lên mức cao nhất kể từ năm 2008

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành vận tải biển toàn cầu đang kiếm thu nhập hàng ngày ở mức cao nhất kể từ năm 2008 nhờ sự kết hợp của cơn bùng nổ nhu cầu hàng hóa và sự sụp đổ của chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch Covid-19.

Với mức thu nhập tăng vọt, CMA CGM, hãng vận tải biển lớn thứ 3 thế giới, quyết định không tăng cước giao ngay trong 5 tháng tới để san sẻ khó khăn của các khách hàng lâu năm, một động thái có thể khiến các đối thủ buộc phải hành động tương tự để giữ chân khách hàng.

Với mức lợi nhuận tăng vọt, hãng vận tải biển lớn thứ 3 thế giới, CMA CGM quyết định dừng tăng giá cước giao ngay cho đến tháng 2-2022. Ảnh: Ảnh: Splash247

Phân khúc chở container được hưởng lợi lớn nhất

Dù là tàu vận chuyển container 40 foot hay là tàu chở hàng khô với khoang chứa hàng ngàn tấn than, hay tàu chuyên dụng được thiết kế vận chuyển xe cộ, thu nhập mà chúng tạo ra cho các hãng tàu biển tăng vọt ở mọi phân khúc.

Với thực tế ngành vận tải biển đảm trách 80% dòng chảy thương mại toàn cầu, mức thu nhập tăng vọt này lan tỏa đến mọi ngóc ngách của nền kinh tế. Cơn bùng nổ vận tải biển vào năm 2008 đã tạo ra làn sóng đóng tàu mới khổng lồ nhưng đã nhanh chóng lụi tàn vì nhu cầu sụp đổ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra cơn suy thoái nghiêm trọng nhất trong nhiều thập niên.

Cơn bùng nổ vận tải biển hiện này được hun đúc bởi 2 động lực. Thứ nhất, nền kinh tế thế giới tái mở cửa sau cao trào khủng hoảng đại dịch Covid-19 hồi năm ngoái, thúc đẩy nhu cầu hàng hóa và nguyên vật liệu thô.

Bên cạnh đó, đại dịch tiếp tục gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các cảng tắc nghẽn và các tàu bị mắc kẹt lâu hơn, tất cả những điều này hạn chế lượng tàu sẵn sàng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển. Nhờ đó, đa số phân khúc trong ngành vận tải biển chứng kiến thu nhập tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Theo dữ liệu của hãng môi giới Clarkson Research Services, ngành vận tải biển đang kiếm được mức thu nhập hàng ngày cao nhất kể từ năm 2008. Ngoại trừ mảng tàu chở dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), các phân khúc khác của vận tải biển đều tăng trưởng thu nhập chóng mặt. Phân khúc vận chuyển container được hưởng lợi lớn nhất với giá cước tăng nhanh chưa từng thấy, lên các kỷ lục mới.

Chi phí vận chuyển container 40 foot từ Trung Quốc sang châu Âu giờ đây lên mức 14.287 đô la, tăng hơn 500% so với cùng kỳ năm ngoái.  Tháng trước, Maersk, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới của Đan Mạch, nâng dự báo lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (Ebitda) trong năm nay thêm gần 5 tỉ đô la, lên mức 18-19,5 tỉ đô la.

Giá cước chở hàng khô cũng tăng “điên loạn”

Trong khi nhu cầu hàng hóa tiêu dùng chắp cánh cho thị trường vận chuyển container, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang đốt nóng nhu cầu nguyên vật liệu thô, giúp giá cước của tàu chở hàng khô tăng mạnh.

Gần đây, giá cước trong phân khúc tàu chở hàng khô lên mức cao nhất trong 11 năm và có rất ít dấu hiệu cho thấy giá cước ở phân khúc này sớm hạ nhiệt vì nhu cầu tiêu dùng dự kiến vẫn duy trì mạnh mẽ trong những tháng còn lại trong năm nay.

“Giá cước vận chuyển container đang tăng điên loạn và giá cước vận chuyển hàng khô cũng vậy”, Alexandra Alatari, nhà phân tích ở Công ty môi giới Arrow Shipbroking Group, nói.

Ted Petrone, Phó Chủ tịch Công ty Navios Maritime Holdings, đang sở hữu đội tàu chở hàng khô, cho biết nhu cầu các vật liệu khoáng sản cộng với tình trạng gián đoạn logistic do tác động của Covid-19 đang hỗ trợ giá cước giao ngay và tương lai trên thị trường vận chuyển hàng khô bằng đường biển.

Một số hãng tàu chở hàng khô thậm chí chuyển sang chở container để tăng lợi nhuận. Hãng tàu Golden Ocean Group (Na Uy) là một trong những công ty đang cân nhắc ý tưởng này. Trong khi có thể kiếm thêm lợi nhuận nhờ sự chuyển đổi này nhưng kèm theo đó là rủi ro vì các tàu chở hàng khô không được thiết kế để chở các container cồng kềnh. Giá cước tàu chuyên dụng chở xe cộ cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Phân khúc tàu chở dầu là điểm tối hiếm hoi của ngành vận tải biển vì đang thua lỗ trong phần lớn năm nay.

Với việc liên minh OPEC+ (các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đồng minh ngoài OPEC) vẫn hạn chế sản lượng, đội tàu chở dầu trở nên dư thừa công suất, khiến giá cước của chúng của chúng suy giảm. Tuy nhiên, giá cước tàu chở dầu có thể bắt đầu phục hồi vào tháng 10 tới khi lượng dầu dự trữ được xuất ra nhiều hơn và nhu cầu vận chuyển tăng lên, theo nhận định của các nhà phân tích ở Công ty Pareto Securities.

CMA CGM tiên phong đóng băng giá cước giao ngay

Trong một dấu hiệu cho thấy lợi nhuận của ngành vận tải biển đang cao quá mức, CMA CGM, hãng vận tải biển lớn thứ 3 thế giới của Pháp, thông báo sẽ không tăng cước giao ngay trong 5 tháng tới để san sẻ khó khăn của các khách hàng lâu năm. Nói cách khác, hãng tàu này đang chấp nhận giảm chút ít lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng dù tình hình cho thấy giá cước vận tải biển giao ngay có thể còn tăng trong những tháng tới. Khác với các tàu được thuê dài hạn, các tàu container được thuê trên thị trường giao ngay tính giá cước theo từng chuyến.

Thông báo của CMA CGM SA cho hay: “Kể từ năm 2021, giá cước vận chuyển container giao ngay liên tục tăng do tình trạng tắc nghẽn ở các cảng và sự mất cân đối nghiêm trọng giữa nhu cầu và công suất vận chuyển container bằng đường biển. Dù giá cước giao ngay được vận hành theo thị trường được dự báo sẽ tăng trong những tháng tới, tập đoàn vẫn quyết định không tăng giá cước giao ngay cho tất cả dịch vụ hoạt động dưới các thương hiệu của tập đoàn”.

Trong quí 1 năm nay, CMA CGM ghi nhận lợi nhuận ròng 2,1 tỉ đô la, tăng hơn 2.000% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hãng vận tải biển Hapag-Lloyd (Đức) cũng cho biết đã dừng tăng giá cước giao ngay trong những tuần qua giữa lúc các hãng tàu đối mặt với sự bất mãn và chỉ trích ngày càng gia tăng của các chủ hàng và các cơ quan quản lý. Các động thái  đóng băng giá cước giao ngay của CMA CGM và Hapag-Lloyd sẽ gây sức ép cho các đối thủ khác bao gồm Maersk và MSC (hãng tàu của Ý và Thụy Sĩ), có thể buộc họ phải hành động tương tự.

Theo Bloomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới