Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sau Thông tư 14, các công ty tài chính hỗ trợ vay tiêu dùng như thế nào?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi Thông tư 14 có hiệu lực, nhiều khách hàng đặt kỳ vọng vào sự tăng tốc hỗ trợ của các đơn vị cho vay tiêu dùng.

Ngày 7-9, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày ký, tạo hành lang pháp lý mới hỗ trợ cho việc tái cấu trúc các khoản nợ xấu vì dịch bệnh Covid-19, trong đó có các công ty tài chính.

Hiện tại, các phương án hỗ trợ tập trung vào giải pháp hoãn, giãn trả nợ, giảm, miễn lãi, phí. Tuy nhiên, khuyến cáo chung đưa ra là các khách hàng cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng, công ty để thỏa thuận chính sách hỗ trợ cụ thể cho từng trường hợp.

Tạm đóng cửa các điểm bán lẻ đã làm đứt gãy sự kết nối thông tin với các khách hàng vay tiêu dùng. Ảnh: DNCC.

Đại diện FE Credit, đơn vị sở hữu thị phần cho vay tiền mặt lớn nhất trên thị trường, cho biết sau Thông tư 14, công ty đã triển khai chương trình hoãn trả nợ trong vòng 4 tháng, kể từ tháng 9-2021 và gia hạn thời hạn vay 4 tháng cho các khách hàng.

“Ban lãnh đạo công ty cũng đang thảo luận thêm một số chính sách khác nhằm hỗ trợ khách hàng một cách toàn diện và lâu dài hơn. Công ty cũng mong khách hàng giữ liên lạc với các nhân viên phụ trách xử lý tín dụng trong thời gian này để được tư vấn và xem xét phê duyệt các phương thức hỗ trợ phù hợp với từng khách hàng”, đại diện FE Credit nói.

Trước khi Thông tư mới chính thức ban hành, FE Credit cho biết đã miễn giảm lãi cho khách hàng theo nhóm nợ cho khách hàng bị quá hạn thanh toán nhưng “vẫn thiện chí trả nợ”.

Tính đến cuối tháng 8-2021, FE Credit cho biết đã hỗ trợ miễn, giảm lãi cho hơn 130.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, với số lãi, phí lũy kế đã hỗ trợ gần 215 tỉ đồng.

Còn đại diện Công ty tài chính Mirae Asset Việt Nam (MAFC), cho biết công ty đã gửi tin nhắn thông báo về chương trình cơ cấu giãn nợ cho các khách hàng. Theo đó, đơn vị này sẽ phê duyệt 100% các đơn đề nghị của những khách hàng đạt tiêu chí theo Thông tư 14.

Từ ngày 12-9, MAFC đưa vào vận hành cổng trực tuyến nhận yêu cầu từ khách hàng, thành lập đội ngũ tư vấn về chương trình hỗ trợ để thông tin đến khách hàng.

Tính từ đầu tháng 6 đến ngày 14-9-2021, MAFC cho biết đang xử lý hơn 4.600 đề nghị cơ cấu lại thời hạn thanh toán khoản vay với tổng giá trị đến 90 tỉ đồng. Đồng thời, công ty miễn, giảm lãi cho gần 400 trường hợp với tổng giá trị hỗ trợ đến 3,3 tỉ đồng.

Tương tự, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho biết sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách hỗ trợ đang triển khai, đồng thời đã chủ động liên hệ đến gần 20.000 khách hàng khó khăn nằm trong điều kiện quy định của Thông tư mới.

Công ty này cũng khuyến cáo khách hàng đăng ký thông tin qua nhiều kênh khác nhau (website, tin nhắn, hoặc số hotline) để hỗ trợ. “Tùy theo trường hợp cụ thể của mỗi khách hàng, công ty sẽ đánh giá và phê duyệt phương thức phù hợp nhất cho khách hàng”, đại diện VietCredit cho biết.

Trước đó, VietCredit công bố chính sách không thu phí chậm thanh toán số tiền tối thiểu, giảm số tiền thanh toán tối thiểu (từ mức 1,5% về 0,75%), xem xét miễn giảm lãi cho khách hàng.

Theo Thông tư 14, các khoản vay tiêu dùng qua thẻ tín dụng của ngân hàng vẫn chưa thuộc diện được hỗ trợ, dù Hiệp hội Ngân hàng trước đó kiến nghị đưa vào.

Theo đánh giá của các ngân hàng, thẻ tín dụng là hình thức cấp tín dụng phổ biến. Khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng thực tế cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng khá nhiều.

Hiện một số ngân hàng áp dụng chính sách hỗ trợ cho người sử dụng thẻ tín dụng như giảm lãi suất, hoàn tiền hay không thu phí chậm thanh toán. Tuy nhiên, tùy ngân hàng, chính sách được áp dụng tùy vào từng khách hàng và điều kiện áp dụng.

Hỗ trợ các khoản vay vi mô                                                                                       Tổ chức tài chính vi mô CEP hiện cho biết cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối tượng cho vay chủ yếu của CEP là người lao động và các hộ nghèo.Theo đó, CEP miễn giảm lãi tiền vay, ngưng thu hồi nợ và kéo dài thời hạn hoàn trả cho khách hàng.Người vay có thể tạm ngưng trả nợ lên đến 3 tháng (đối với khoản vay kỳ hạn trả nợ theo tháng) và 12 tuần (đối với khoản vay theo tuần). Khách hàng không phải trả thêm lãi do kéo dài thời hạn hoàn trả.Đối tượng hỗ trợ là các khách hàng có nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đến hạn nhưng không trả nợ được, do đang điều trị bệnh, cách ly y tế, sinh sống trong vùng bị phong tỏa. Các khách hàng bị mất việc, tạm ngưng công việc, sụt giảm thu nhập trên 50% do ảnh hưởng của dịch Covid-19.Ngoài ra, CEP cũng bổ sung gói sản phẩm dịch vụ hỗ trợ như cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng trong gia đình có người bị nhiễm Covid-19, cho vay bổ sung hỗ trợ khách hàng đang còn dư nợ, cần vốn bổ sung để phục hồi các hoạt động tạo thu nhập, sản xuất kinh doanh, giảm lãi suất sản phẩm cho vay tăng thu nhập và cho phép ân hạn nợ gốc.

27 BÌNH LUẬN

  1. Shinhan tài chính không hề giảm lãi hoặc cơ cấu lại nợ cho khách hàng nhé. Họ không quan tâm và bắt khách hàng vẫn phải đóng đủ mặc dù khách hàng không có thu nhập do giãn cách CT 16+.

    • Trả lời tới Trung Nguyễn: Đúng đó, tôi vay bên MB Bank, đã viết đơn lên xin giãn nợ, giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ do dịch nhưng không được đáp lại.

    • Bình thường họ nhắc nợ trước 2-3 ngày. Giờ dịch bệnh gọi trước 10 ngày. Ngày nào cũng gọi điện bắt đóng.

  2. Tôi có vay một khoản bên Shinhan. Do ảnh hưởng dịch cộng với việc áp dụng chỉ thị 16, 16+…, tôi mất thu nhập dù đã có đơn gởi công ty nhưng chưa thâý họ phúc đáp, cứ điện thoại liên tục yêu cầu thanh toán hết khoản đã vay. Đã vậy còn nhắn tin đến nhiều số máy của bạn bè tôi đề nhị nhắc tôi. Vậy giờ tôi phải làm sao để xử lý dứt điểm?

  3. Tôi có vay tín chấp của OCB ,chỉ còn 6 tháng là tôi xong hợp đồng, vậy mà OCB vẫn không giãn nợ cho tôi, tôi ở TPHCM, đang thực hiện chỉ thị 16+ đã gần 4 tháng.

  4. Tôi có hợp đồng bên Mirea đóng được 4, 5 tháng, giờ không có cho hoãn nợ, giảm nợ và bảo không thuộc đối tượng. Ai cũng khổ như ai, chậm trả, qua dịch có việc làm trả lại chứ có giật đâu mà nhân viên thu nợ nói rất khó nghe.

  5. Tất cả các ngân hàng và các công ty tài chính hiện tại chưa có phương án giãn nợ hay giảm lãi cho những người đang mất thu nhập trong mùa covid , điện thoại lên ngân hàng thì không ai bắt máy hoặc bắt thì báo là không phù hợp, nếu tình hình như vậy thì tôi phải làm gì khi chỉ thị 16 tiếp tục kéo dài

  6. Tôi đang có khoản vay bên ngân hàng Shinhan và đã điện thoại đến tổng đài. Nhân viên vẫn bắt buộc tôi đóng đủ tháng 8 và tháng 9 mới cho cơ cấu nợ. Vậy bây giờ tôi phải làm sao đây vì trong nhà không còn gì để bán nữa? Tôi đã cố cầm cự để đóng tháng 5, 6, 7 rồi. Mong Chính phủ giúp cho dân lao động chúng tôi.

  7. Tôi có gọi lên tổng đài của công ty FE, họ nói là không có giãn nợ cho người dân. Vì dịch bệnh giãn cách chứ có muốn không trả nợ đâu. Họ nói nếu không trả sẽ bị phạt tiền lãi nợ quá hạn.

  8. Công ty tài chính nói trên báo đài vậy thôi, khi liên lạc qua tổng đài họ nói hồ sơ không được duyệt theo thông tư của chính phủ.

  9. Cẩn thận, nếu được tư vấn vay tiền thì tốt nhất là ghi âm đầy đủ số liệu được tư vấn. Tư vấn lãi suất một đường tới khi vay thì lãi suất một nẻo. Tiền lãi giảm dần mà tới khi trả thì lãi vẫn giữ nguyên từ đầu tới cuối.

  10. Tôi có vay bên Mcredit , nhưng do ảnh hưởng dịch covid công ty cho nghỉ không hưởng lương, thu nhập không có, khi ngân hàng gọi điện tới tôi đã giải thích với ngân hàng như vậy nhưng họ nhất quyết không chấp nhận. Còn đe dọa tôi nếu không thanh toán sẽ đưa tôi ra pháp luật xử lý. Nhưng tôi xin hỏi, bây giờ do tình hình dịch nên kinh tế khó khăn chung, nguồn thu nhập không có thì làm sao tôi có thể đóng tiền đúng hạn được.

  11. Đề nghị quý nhà báo phản ánh dùm lên thủ tướng, các ngành chức năng. Đang thực hiện chỉ thị 16, khách hàng gặp khó khăn chung mà các ông tài chính tiêu dùng vẫn đòi tiền và có lúc hăm dọa đủ kiểu.

  12. Cần phải có một cơ quan nhà nước thực thi Thông tư 14 vì trên thực tế các ngân hàng và công ty tài chính không có giảm 1 xu chứ đừng nói tới miễn, chưa kể phí phạt cắt cổ khi trả chậm có 1 ngày. Cụ thể là Shinhan Bank, FE Credit, VIB…người vay không biết phản ánh lên cơ quan nào để được hỗ trợ.

  13. Nói gì thì nói nhưng đụng vào vay tiêu dùng là tiêu tùng luôn.
    Ai chưa vay thì nghe bùi tai lắm nhưng vay rồi mới thấy cảnh bị “bủa vây” như thế nào.
    Tôi đã lỡ vay 1 lần rồi nên giờ xin thề là thà chết chứ không vay tiêu dùng nữa.

  14. Các công ty tài chính tiêu dùng nói miệng thôi chứ có cho giãn nợ đâu, khách vay nộp đơn lên thì được thông báo là bị từ chối, mà không có một lý do, tôi cho rằng đây là sự không rõ ràng trong làm ăn.

  15. Tôi vay Fe credit, tôi có xin giãn nợ nhưng không được công ty đồng ý và còn có người gọi điện thoại đến hù dọa yêu cầu trả nợ.

    • Không một ngân hàng nào thông cảm cho mình đâu chị ơi, họ còn muốn ép mình vào đường cùng nữa mà.

  16. Làm gì có cái ngân hàng nào giảm hay miễn lãi suất? Tất cả các ngân hàng đều nói suông cho nhà nước nghe thôi chứ làm gì có
    Sau mùa dịch này ráng trả hết nợ ngân hàng xong rồi bái bai mấy cái ngân hàng này.
    Thử xem qua mùa dịch này, coi có còn ai muốn gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không. Lúc gửi tiền vào thì rất ngọt ngào, lúc mình mượn tiền, dịch bệnh ko có việc làm thì tiền đâu mà trả, đến miếng ăn 1 ngày 2 bữa còn khó khăn, không thông cảm cho khách hàng mà còn điện thoại đòi tới cùng, rồi còn hù dọa đủ kiểu
    Thử hỏi, có bao nhiêu người được các ngân hàng thông cảm cho miễn lãi suất và miếng trả trong 4 tháng không. Kính mong Nhà nước xem xét lại giùm chứ dân khổ lắm rồi.

  17. Gọi tp bank tất toán không được nhân viên đòi nợ báo số tiền tất toán mình gửi đúng số tiền đó mà chưa được tất toán

  18. Đành phải để họ đưa ra toà thôi thì toà sẽ phán xử. Cũng chưa đến mức phải đi tù đâu các bạn ạ, chúng ta đâu có muốn quỵt nợ, cũng do tình hình dịch bệnh, tiền không có mà ăn thì lấy đâu ra tiền để đóng. Chúng ta mong sớm cuộc sống trở lại bình thường, đi làm có tiền để trả nợ cho xong.

  19. Tôi cũng vay bên ngân hàng đại chúng Pvcombank nhưng tôi hỏi về vấn đề này bên ngân hàng này cũng vẫn bắt nộp đủ nếu trễ cũng tính lãi như thường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới