(KTSG Online) – Thay vì chỉ yêu cầu khai báo y tế và có giấy test âm tính SARS-CoV-2 như trước đó, thì hiện thương lái phản ánh muốn vào tỉnh Kiên Giang phải có thêm giấy phép kinh doanh và hợp đồng mua bán. Điều này, khiến nhiều thương lái không thể vào địa phương này để mua lúa cho nông dân.
Trao đổi với KTSG Online vào hôm nay, 16-9, ông V.P.H, một thương lái mua lúa ngụ tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, trước ngày 14-9, ghe mua lúa của ông chỉ cần khai báo y tế và có giấy test SARS- CoV-2 âm tính là được vào tỉnh Kiên Giang thu mua lúa cho nông dân.
Tuy nhiên, theo ông H, từ ngày 15-9, khi ông cho ghe đi qua xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang để lấy lúa, thì đến chốt kiểm soát dịch bệnh tại đầu kênh Zero (trạm kiểm soát nằm gần Công ty cổ phần nông sản Kiên Giang - chi nhánh 4, xã Tân Thành, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), đã bị chặn lại và yêu cầu phải có 5 loại giấy tờ, bao gồm giấy đi đường, giấy phép kinh doanh, giấy test nhanh âm tính SARS-CoV-2, hợp đồng mua bán và giấy tờ ghe, thuyền viên mới được vào. “Rất nhiều ghe đã bị chặn lại và yêu cầu quay đầu”, ông H. nói.
Ông H cho biết, việc chốt kiểm soát dịch nêu trên của tỉnh Kiên Giang yêu cầu có đầy đủ các loại giấy tờ như trên là rất khó, bởi thương lái làm sao có giấy phép kinh doanh và hợp đồng mua bán với nông dân.
Ông Lê Thanh Duy, một thương lái mua lúa khác ngụ tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang trao đổi với KTSG Online cũng xác nhận, trước ngày 14-9, chỉ cần khai báo y tế, có giấy test âm tính SARS-CoV-2 và giấy tờ ghe, bằng lái là có thể vào được tỉnh Kiên Giang.
“Tuy nhiên, tại chốt kiểm dịch đầu kênh Zero của huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, người ta chặn lại yêu cầu phải có giấy đi đường, hợp đồng mua bán, giấy phép kinh doanh…, mới cho qua”, ông Duy cho biết và nói rằng, thương lái mua lúa, chứ đâu phải doanh nghiệp, thì làm gì có giấy phép kinh doanh, hợp đồng mua bán?.
Theo ông Duy, từ ngày hôm qua (15-9), Kiên Giang kiểm soát “hơi căng”, ghe mua lúa di chuyển vào địa phương này cũng rất khó khăn.
Ông Duy cho biết, đợt này, ông đã đặt cọc mua lúa của nông dân ở tỉnh Kiên Giang khoảng 500 công (50 héc ta). “Đã đặt tiền cọc hết rồi, mà làm khó khăn quá”, ông nói và cho rằng, đang “tính đường khác" để vào, chứ đặt cọc rồi không bỏ lúa được.
Trong khi đó, ông H cho biết, số lượng lúa đặt cọc mua và đã được nông dân thu hoạch cần cân liền khoảng 240 tấn (tương đương 30 héc ta), trong đó, có 85 tấn đã thu hoạch 2 ngày, có nguy cơ bị hư hỏng. “Trong khi đó, lượng lúa đã đặt cọc, chờ ngày thu hoạch còn lại khoảng 200 héc ta, với số tiền đặt cọc 300 triệu đồng”, ông cho biết.
Ông H kiến nghị, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi để ghe vào mua lúa cho nông dân khi đã khai báo y tế và test nhanh âm tính SARS-CoV-2. “Chúng tôi cam kết thực hiện đúng tuyến đường khai báo”, ông H nhấn mạnh.
Liên quan thông tin nêu trên, trao đổi với KTSG Online, ông Nguyễn Văn Phạn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, chưa nắm được thông tin và sẽ ghi nhận lại thông tin từ phía ngành công an.
Theo ông Phạn, Kiên Giang vẫn duy trì việc di chuyển thông thoáng, chứ không có quy định nào về siết chặt kiểm soát hay cấm phương tiện vào. “Thương lái vào địa bàn tỉnh Kiên Giang phải thực hiện đầy đủ quy định 5K phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không có văn bản nào cấm vô hết, phải thông thoáng”, ông nói và thông tin, người lái phương tiện và người đi cùng sau khi thực hiện khai báo y tế, có giấy test nhanh SARS-CoV-2 âm tính và có lịch trình mua bán cụ thể là được vào hết.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch được khoảng 213.000 héc ta, còn lại khoảng 68.000 héc ta nữa là kết thúc.