Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng có thể giảm cho vay để hạn chế rủi ro?

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tín dụng dự báo sẽ tăng mạnh khi nền kinh tế kỳ vọng mở cửa trong quí 4, nhưng các ngân hàng cũng có lý do riêng khi giảm cho vay để hạn chế rủi ro.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Công ty chứng khoán BSC đã hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2021 xuống khoảng 13%, tương ứng giảm 1 điểm phần trăm so với báo cáo trước đó.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được quí 3 của một số ngân hàng niêm yết.

Theo đánh giá của BSC, làn sóng dịch bệnh Covid-19 bắt đầu từ tháng 5 đang ảnh hưởng mạnh đến TPHCM và các tỉnh miền Nam, nơi đóng góp gần 50% GDP cả nước. Ảnh hưởng làn sóng dịch bệnh lần 4 với quy mô rộng hơn sẽ làm giảm đến nhu cầu tín dụng trong nửa cuối của năm 2021.

Theo đánh giá, hai nhóm khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề là SME và bán lẻ, vốn đóng góp bình quân 75-80% cơ cấu cho vay toàn ngành. Do đó, nhu cầu tín dụng của hai nhóm này có thể giảm mạnh, từ đó giảm tăng trưởng về tín dụng chung của toàn ngành.

Một lý do khác là BSC đánh giá rằng các ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tập trung cho vay vào các doanh nghiệp lớn, nhằm hạn chế rủi ro trong thời điểm hiện nay.

Với việc giãn cách xã hội dự kiến kéo dài tới cuối tháng 9 (và cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức về việc mở cửa dần), các khoản nợ xấu của doanh nghiệp đang ngày càng tăng nhanh lên. Đây cũng là rủi ro lớn đối với các ngân hàng, dù báo cáo tài chính trong nửa đầu năm 2021 cho thấy hệ thống sức khỏe ngân hàng vẫn ổn định.

Phần lớn các chuyên gia đánh giá rằng tăng trưởng tín dụng sẽ ở trong mức 12-14%, phù hợp với kịch bản đầu năm mà NHNN đặt ra. Một trong những áp lực tăng trưởng cuối năm là vì nhu cầu hỗ trợ nền kinh tế.

“Tín dụng trong quí 4 sẽ tăng mạnh trong năm nay vì nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, Công ty chứng khoán MBKE đánh giá. Theo đó, tín dụng toàn ngành sẽ tăng trưởng ở mức 12,5-13% năm 2021 và 14% năm 2022. Đáng chú ý là hạn mức tín dụng có thể được nới rộng thêm lần nữa, tương tự như trong năm ngoái.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho biết tính đến cuối tháng 8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỉ đồng, tăng 7,42% so với cuối năm 2020.

Theo đánh giá của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tín dụng đối với các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ 2020, tín dụng lĩnh vực ưu tiên có mức tăng trưởng khá, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng cao hơn nhiều tăng trưởng tín dụng chung.

Như vậy trong hai tháng của quí 3 (tháng 7 và tháng 8) vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khá tốt, bất chấp các hoạt động kinh tế đã bị thu hẹp đáng kể vì giãn cách xã hội. Theo số liệu tính đến tháng 7, tăng trưởng tín dụng đã đạt mức 6,92%, còn cuối tháng 6 là 5,3%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới