Thứ sáu, 25/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Dai dẳng cơn “khát”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Dai dẳng cơn “khát”

Chinh Phục

Nhiều mảnh lúa ở An Giang đang "khát" nước- ảnh: Kiều Tiên

(TBKTSG Online) - Chuyện thiếu nước vào mùa khô tuy chẳng mới nhưng hiện lại đang là nỗi lo lớn của người dân ĐBSCL khi mùa khô hạn kéo dài như năm nay. Đã vậy, trong tình hình thiếu nước ngọt trầm trọng nhưng nhiều công trình chứa nước bị hư hỏng hoặc chưa thể sử dụng được.

Nước quý như vàng!

Trong số các tỉnh ven biển phía Nam, Bến Tre là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn nhất khi mùa khô hạn đến. Trong những ngày này, ở Bến Tre tấp nập xe, thuyền chở nước đến những vùng khô hạn.

Tại xã Thạnh Phước (huyện Bình Đại, Bến Tre) có gần 2.400 hộ thiếu nước ngọt. Anh Ngô Văn Thử, Chủ tịch xã, cho biết: “Người dân đổi nước ngọt từ giếng khoan chưa qua xử lý với giá từ 85.000 - 90.000 đồng/mét khối”.

Dân không mua trực tiếp tại giếng mà phải qua trung gian. Xã Thạnh Phước có khoảng 10 hộ chuyên chở nước từ những nơi khác như Đại Hòa Lộc, Thới Thuận… về cung cấp. Nếu 1 gia đình 5 người thì mỗi ngày tiêu hao gần 3 đôi nước (1 đôi giá 1.500 đồng). Do vậy, các hộ mua nước dùng để nấu ăn, còn chuyện tắm giặt thì hạn chế.

Những ngày cuối tháng 3 vừa qua, tại tỉnh Kiên Giang xuất hiện mưa trái mùa đã giải hạn cho hàng trăm héc-ta hoa màu, cây ăn trái tại các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất. Tuy nhiên, một số nơi khác của Kiên Giang, nắng hạn khiến các con sông trơ đáy, người dân thiếu nước ngọt trầm trọng, đặc biệt là các xã đảo ở biển Tây.

Tại xã đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, Kiên Giang), có tiền chưa chắc mua được nước ngọt. Giá nước sinh hoạt hiện tại từ 18.000- 25.000 đồng/phuy 200 lít, tính ra 1 mét khối nước có giá đến 120.000 đồng, cao gấp đôi so với năm rồi. Hiện 3 giếng nước và mạch nước ngầm ở Hòn Ngang, Hòn Mấu đều khô hạn và nhiễm mặn.

Ông Lê Minh Công, Bí thư xã Nam Du cho biết: “Từ trước tết tới giờ, nắng hạn, giếng khô nên dân ở đảo Nam Du chỉ trông chờ vào nguồn nước ngọt ở Bãi Ngư và giếng Ngư (xã An Sơn) chuyển qua”. Bình quân mỗi người tốn khoảng 200.000 - 300.000 đồng/người/tháng, chi phí này sẽ tăng nữa trong thời gian tới với tình hình khô hạn như hiện nay.

Cùng cảnh ngộ với đảo Nam Du, xã đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải) chỉ cách thành phố Rạch Giá hơn 20 ki-lô-mét vẫn thiếu nước trầm trọng. Từ nhiều tháng nay không có mưa nên suối Sơn Linh Động, vịnh Da ở đảo Rùa này gần như cạn kiệt. Một hộ dân tại đây cho biết: “Từ 5 giờ sáng, cả nhà tôi cùng nhau đi lấy nước. Ngồi mấy tiếng đồng hồ để canh ống dẫn nước từ trên đồi xuống nhưng hứng từ sáng tới trưa chỉ được nửa thùng vì nước chảy rỉ từng giọt”.

Chờ công trình chứa nước

Trong khi người dân đang thiếu nước trầm trọng thì các công trình chứa nước đầu tư hàng tỉ đồng lại hư hỏng hoặc chưa thể đưa vào sử dụng.

Hồ chứa nước Nam Du theo thiết kế có trữ lượng 30.000 mét khối, được đưa vào sử dụng năm 2001 nhưng mùa khô năm sau đó, hồ nhanh chóng trơ đáy và hư hỏng nặng. Đến năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định sửa chữa hồ với kinh phí 10,5 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 5-2009, nhưng đến nay công trình cũng đang trong giai đoạn vá lại vết rạn nứt khu vực đáy hồ.

Còn tại ấp Hòn Ngang (xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) vừa hoàn thành dự án cấp nước sạch với tổng vốn trên 250 triệu đồng. Mặc dù đường ống đã lắp đặt đến từng hộ dân nhưng từ đầu mùa khô đến nay vẫn chưa có giọt nước nào chảy qua.

Tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, giếng nước bỏ không xuất hiện ngày càng nhiều. Những cái giếng mới đào sau đó cũng không tránh khỏi tình trạng bị nhiễm mặn nặng nề. Nhưng, bất chấp nước bị phèn nặng, mặn cao, và không đảm bảo vệ sinh, để chống chế, bà con buộc phải lấy nước ở những nơi như thế này về dùng.

Theo cán bộ địa phương, phong trào đào ao dẫn nước mặn vào nuôi tôm, vô tình làm cho nguồn nước ngầm bị nhiễm mặn. Nên muốn có nước xài, người dân phải liên tục đào thêm những giếng mới, ở nơi cách xa mé biển. Mùa nắng hạn năm nay, nước phục vụ sinh hoạt cho hơn 30 ngàn người dân xứ biển của huyện Bình Đại đã trở thành vấn đề vô cùng khó khăn, bởi lẽ hiện không dễ tìm nơi đào giếng có nước ngọt để xài.

Trong khi đó, dự án nhà máy nước ở Bình Đại lẽ ra có thể đưa vào phục vụ vào tháng 3 này thì giờ vẫn còn ngổn ngang, chưa xong.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới