Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Liệu robot đủ sức thay thế nhân viên phục vụ và đầu bếp sau đại dịch?

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các robot có trí tuệ nhân tạo làm phục vụ trong các nhà hàng hay nhà bếp sẽ là chuyện bình thường tại Nhật Bản, Singapore và cả Việt Nam trong tương lai rất gần. Đây là hệ quả của quá trình tự động hóa bị dịch Covid-19 đẩy nhanh hơn. Tại vài nhà hàng ở Mỹ, những robot đầu tiên đã chia sẻ bớt phần việc của người phụ việc và phụ bếp. Nhưng robot có thể thay thế vai trò của bếp trưởng vẫn là hành trình còn rất dài.

SoftBank và Keenon sẽ đưa robot chạy việc vào ngành ẩm thực ở Nhật Bản và Singapore trước, sau đó là thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Ảnh: Nikkei Asia

Chạy việc ở bếp của Grab và chuỗi nhà hàng Tung Lok

Những robot phục vụ nhà hàng là kết quả hợp tác giữa SoftBank Robotics thuộc tập đoàn đầu tư SoftBank ở Nhật Bản và công ty Keenon Robotics có trụ sở tại Thượng Hải. Cả hai công ty hy vọng những cỗ máy thông minh sẽ được sử dụng ngày nhiều hơn trong lĩnh vực ẩm thực nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động của ngành.

Keenon phát triển những robot được trang bị năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) do hãng phát triển và được hỗ trợ với nền tảng clould của SoftBank, giúp robot có thể phát triển kỹ năng phát hiện và tránh chướng ngại vật khi giao nhận hàng.

Nhà bếp ảo của Grab tại Hillview ở Singapore sẽ là nơi đầu tiên sử dụng những robot như thế này với nhiệm vụ chính là đưa các món đã hoàn tất từ nhà bếp ra cho shipper. Grab nói rằng những robot chạy việc như thế này sẽ giúp tự động hóa một số công đoạn tại nhà bếp trung tâm nhận order từ ứng dụng của Grab.

Hãng gọi xe công nghệ hàng đầu Đông Nam Á dự định sẽ mở thêm 10 “bếp mây" – nhà bếp vận hành trên công nghệ điện toán đám mây (cloud) – GrabKitchen trong những tháng còn lại của năm 2021. Hãng này cũng dự định mở thêm hai nhà hàng GrabRestaurant trong tương lai.

“Chúng tôi đang tìm cách cải thiện tốc độ vận hành và giảm lặp lại các thao tác tay chân với sự hỗ trợ của robot”, Yee Wee Tang, giám đốc điều hành của Grab Singapore. Ông cũng nói rằng robot sẽ giúp giảm tiếp xúc vật lý, vốn rất có lợi trong các đợt dịch Covid như hiện nay. “Bếp mây” và dịch vụ giao nhận thức ăn đã trở nên phổ biến trong cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay.

Tung Lok Group, tập đoàn sở hữu và điều hành trên 35 nhà hàng ở Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, đã ký hợp đồng mua các robot phục vụ này. “Ngành dịch vụ, nhất là mảng ẩm thực, luôn liên tục đối diện với thách thức thiếu hụt lao động và trong thời gian dài. Chúng tôi không kỳ vọng những robot chạy việc như thế này sẽ thay thế yếu tố con người trong dịch vụ của mình, nhưng mong rằng robot sẽ tiến xa hơn và tăng cường hiệu quả trong dịch vụ của chuỗi”, CEO Andrew Tjioe của Tung Lok nói.

Các robot được chế tạo cho Grab và Tung Lok là loại robot mới nhất mà Keenon sản xuất cho mảng nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, văn phòng chính phủ, viện dưỡng lão, ngân hàng và sân bay. Keenon nói các sáng tạo của hãng được sử dụng tại hơn 30 nước trên toàn thế giới, phục vụ trên 10.000 khách hàng.

“Khi chi phí lao động gia tăng, công nghệ trở thành giải pháp hữu hiệu, tạo ra nhu cầu lớn hơn đối với tự động hóa bên cạnh những công việc do con người đảm nhiệm”, CEO Tony Li của Keenon nói.

Riêng SoftBank cho rằng thị trường khu vực đối với những sáng tạo công nghệ là khổng lồ. Một nghiên cứu của Astute Analytica cho thấy khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm 27,1% sản lượng toàn cầu của robot giao hàng vào năm 2027.

Robot do Keenon và SoftBank chế tạo phục vụ khách trong một sự kiện ra mắt ở Singapore hôm 21-9. Ảnh: Nikkei Asia

Giải pháp cho thiếu hụt lao động

Straits Times cho biết, đóng cửa biên giới và các luật lao động bị siết chặt, hạn chế tuyển người nước ngoài đã khiến ngành nhà hàng Singapore thiếu hụt 20-30% nhân sự. Tình hình cũng tương tự ở Nhật Bản khi nước này đóng cửa biên giới. Vì thế, lao động nước ngoài từ Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á không thể nhập cảnh. Tại Mỹ, các chính sách với lao động nhập cư nước ngoài, và nhiều ưu đãi dành cho lao động bản địa khiến họ không muốn quay lại nơi làm việc, khiến thiếu hụt nhân công ở mọi ngành.

Nhật Bản và Singapore là những khách hàng đầu tiên của robot do SoftBank và Keenon chế tạo. Kenichi Yoshida, CEO SoftBank Robotics, nói với Nikkei Asia rằng Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Úc và New Zealand cũng là thị trường tiềm năng mà SoftBank nhắm đến.

“Robot hóa không chỉ giúp năng suất tăng rõ rệt nhưng cũng cải thiện dịch vụ, bởi mọi người có thể tập trung hơn vào các công việc mang lại giá trị gia tăng cao, bao gồm chăm sóc khách hàng, trong khi robot sẽ xử lý các công việc tầng dưới”, Yoshida phát biểu.

Yoshida cũng nói rằng tự động hóa sẽ giải quyết nạn thiếu hụt lao động ở những nước như Singapore và Nhật Bản đang chật vật với tình trạng lão hóa dân số. Mặc dù một số công việc sẽ hoàn toàn biến mất, nhưng Yoshida hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều công việc khác xuất hiện.

“Kỹ sư chế tạo robot sẽ đắt hàng hơn trên thị trường lao động. Chúng tôi cần có robot làm ở mọi ngóc ngách trong nhà hàng, cần hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng. Chắc chắn là một số công việc phải thay đổi, bị thay thế. Nhưng các vai trò mới, công việc mới cũng sẽ hình thành”, ông nói.

Đầu bếp sao Michelin Daniel Boulud: “Còn lâu lắm robot mới có thể đạt được đẳng cấp của các đầu bếp thực thụ”. Ảnh: Business Insider

Robot chưa thể thay thế đầu bếp thượng thặng

Nhà hàng Roger trong khách sạn Ameswell mới khai trương cách đây vài tuần tại Mountain View, California đang có hai nhân viên robot tên Servi, cao 104 cm làm việc – theo The Robb Report. Khách sạn này nằm cách trụ sở chính của Google và Trung tâm Nghiên cứu Ames thuộc NASA không xa.

Do hãng Bear Robotics tại Silicon Valley chế tạo, hiện Servi chỉ chịu trách nhiệm dọn dẹp chén đĩa tại Roger. Nhà hàng đã thiết kế nhiều trạm sạc cho hai “nhân viên” Servi trên. Người phục vụ mang đĩa dơ từ bàn ra, đặt trên khay của Servi và bấm nút. Servi sẽ chạy vào trong bếp và đưa chén đĩa dơ vào mấy rửa chén. Sau khi máy rửa chén hoàn thành công việc, nhân viên trong bếp sẽ bấm máy và Servi sẽ trở về sảnh ăn…

Quản đốc Jack Li nói hiện tại nhân viên cảm thấy thoải mái với Servi bởi họ đỡ cực rất nhiều. Li nói rằng khách sạn đặt nhiều kỳ vọng với đội ngũ Servi. Sau một thời gian, Ameswell muốn triển khai robot phục vụ tiệc đứng. Những cỗ máy mang đồ khai vị và thức uống chạy đi chạy lại trong sảnh phục vụ khách.

Servi không phải là những robot đầu tiên trong ngành dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Năm 2018, theo Business Insider, đầu bếp nổi tiếng Daniel Boulud đã cùng với bốn sinh viên Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) phối hợp để tạo ra tay phụ bếp (kitchen hand) trong nhà hàng Spyce của Boulud ở thành phố Boston.

Robot phụ việc này chỉ chọn nguyên liệu, ướp sơ gia vị theo đúng yêu cầu mà khách bấm trên màn hình ở bên ngoài. Tức là công việc của robot chỉ là phụ việc, đúng từ kitchen hand. “Còn để đạt được tay nghề như những đầu bếp đạt chuẩn Michelin thì còn lâu lắm”, Boulud nói.

Và ngay cả hãng Michelin là nơi cấp sao cho Spyce khi mô tả về thức ăn tại Spyce đã viết là “chuẩn xác, có khẩu vị và nhất quán”. Đó chính là những mô tả rất chính xác về món ăn được chế biến theo phần mềm lập trình sẵn. Sự tinh tế của người đầu bếp là “vô đối”!

Có lẽ, còn rất lâu để những robot phụ bếp được trang bị thêm các thiết bị AI mới có cái lưỡi nhạy bén, cái mũi cực thính bên cạnh cánh tay làm việc không mệt mỏi. Những cánh tay này là lợi thế cạnh tranh mà đầu bếp con người làm quần quật liên tục cũng không thể theo kịp.

Vì khó tìm người trong mùa dịch, nhà hàng và những tiệm thức ăn nhanh ở Mỹ đã tìm cách chuyển sang sử dụng robot chiên Flippy do Pháp sản xuất. Tại hạt Santa Monica ở California, cư dân đã nhìn thấy một vài robot giao hàng chạy trên vỉa hè. Những robot này đang vận chuyển các món từ nhiều nhà hàng trong thị trấn đến các nơi đặt hàng trong bán kính 1,6 km từ các điểm ăn uống.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới