(KTSG Online) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ và Quốc hội sẽ đồng hành với doanh nghiệp, trên tinh thần “3 không và 5 thật” gồm “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.
Đây là thông điệp được Thủ tướng nêu trong kết luận tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19.
- Khẩn cấp cứu nguy doanh nghiệp sau đỉnh dịch Covid-19
- NHNN sẽ điều chỉnh lãi suất phù hợp, đúng cam kết
Sớm ban hành hướng dẫn ‘thích ứng an toàn’ với Covid-19
Theo Thủ tướng, các đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất cao với chủ trương chuyển trạng thái từ “không Covid” (Zero Covid) sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Để hiện thực hoá chủ chương này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thích ứng và sẽ sớm ban hành hướng dẫn tạm thời. Nhưng đây là việc chưa có tiền lệ, nên Thủ tướng yêu cầu phải thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên trước khi ban hành hướng dẫn mới.
“Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện dần, cố gắng tránh tình trạng như nhiều nước là cứ mở cửa rồi lại đóng cửa ngay”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước. Nhưng hướng dẫn phải phù hợp tình hình, tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể, của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trên từng địa bàn gồm thôn, ấp, khu dân cư, xã, huyện, tỉnh, trong nhà máy, doanh nghiệp, khu công nghiệp.
Với công tác phòng chống dịch,Thủ tướng cho biết phải dựa trên các trụ cột là xét nghiệm, cách ly, điều trị, vaccine, ý thức của người dân.
“Phạm vi nhỏ nhất, hẹp nhất có thể nhưng phải quyết liệt, chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ huy, chính sách tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tổ chức thực hiện phải phân cấp, linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, có kiểm soát, nếu thay đổi khác với nguyên lý cơ bản thì phải báo cáo cấp trên trực tiếp”, Thủ tướng nói.
Trước đó, ông cho biết việc chống dịch và phát triển kinh tế phải tiến hành song song. Nếu chỉ tập trung chống dịch thì sẽ hết nguồn lực, còn chỉ lo kinh tế sẽ không bảo vệ được sức khỏe nhân dân.
Không nói không, không nói khó khi giải quyết kiến nghị, khó khăn
Với các ý kiến đề cập vấn đề cải cách và hoàn thiện thể chế của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm.
Chính phủ sẽ phân cấp, phân quyền tối đa để chính quyền gần dân hơn, gần doanh nghiệp hơn. Đồng thời, tích cực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Để việc này đạt kết quả tốt, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý tưởng, công nghệ và các sản phẩm cụ thể.
“Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật. Đồng thời tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết hiện các cơ quan đang chủ động triển khai các nhiệm vụ theo Luật Đầu tư với phương thức đối tác công – tư, vì vậy các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể. Ông cũng nêu một số lĩnh vực rất cần đẩy mạnh hợp tác công - tư gồm đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, giảm phát thải carbon, nâng cao năng lực hệ thống y tế.
“Những gì người dân, doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì Nhà nước không làm”, Thủ tướng lưu ý.
Cũng theo Thủ tướng, Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần “nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.