(KTSG Online) - Đến hết tháng 9, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương đã đăng ký xin trả lại kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách được trung ương cấp năm 2021 vì không giải ngân kịp với tổng số vốn hơn 21.771 tỉ đồng. Tình trạng giải ngân chậm, mới đạt 47,23% kế hoạch được giao, càng khiến cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay gặp khó.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đầu tháng 9, các dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có 9/11 dự án thành phần đi qua địa bàn 11 tỉnh thiếu hụt về nguồn cung vật liệu xây dựng (VLXD). Trong số này có 8 dự án thành phần đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức BOT. “Việc thiếu hụt nguồn cung VLXD đắp nền đường sẽ dẫn tới chậm tiến độ thi công, không giải ngân được vốn đầu tư công”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu trong văn bản gửi Thủ tướng và các địa phương nơi dự án đi qua.
Để tháo gỡ khó khăn về việc này, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên Môi trường (TN-MT) trình Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường cung cấp cho dự án, giảm bớt thủ tục nâng công suất khai thác mỏ và thủ tục đấu giá khai thác… Nếu không, chẳng những dự án bị đình trệ mà phương án tài chính của dự án, chủ yếu là vốn đầu tư công vừa chậm giải ngân, vừa đội vốn.
Thực tế khó giải ngân vốn đầu tư công tại 9/11 dự án của Bộ GTVT là một trong số rất nhiều nguyên nhân mà hôm 28-9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đề cập trong cuộc làm việc của Thủ tướng với các bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn đầu tư chậm do nhiều nguyên nhân: công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thay đổi chính sách và quy định, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu, tính chất đặc thù của chi đầu tư, niên độ ngân sách nhà nước là 1 năm, giao kế hoạch vốn đầu năm, quyết toán cuối năm, nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng các công trình, dự án cũng phụ thuộc vào kế hoạch vốn,…
Những nguyên nhân lớn khác là do công tác chuẩn bị dự án, giao kế hoạch ở một số địa phương còn chậm; công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn nhiều bất cập…
Trong khi đó, nguyên nhân giải ngân chậm nguồn vốn ODA có nhiều đặc thù, nhiều dự án lớn đang phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với nước ngoài nên chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai hoạt động…
Trong bối cảnh tăng trưởng GDP thấp, thậm chí âm đến hơn 6% như 9 tháng đầu năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công càng trở nên cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng trở lại. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 500.000 tỉ đồng, song đến nay cả nước mới giải ngân đạt 47,38%, thấp hơn cùng kỳ năm 2020.
Có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương đến hết tháng 9-2021 giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn ngân sách trung ương đã được giao từ đầu năm nay.
Chính phủ đã có Nghị quyết 63 hồi tháng 6-2021 yêu cầu cắt giảm kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương 2021 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30-9-2021 mà có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch đã cấp từ đầu năm, điều chuyển cho các bộ, cơ quan, địa phương khác thực hiện các dự án khác quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và có khả năng giải ngân nhanh vốn trong năm 2021. Bộ KH-ĐT sẽ là nơi thực hiện việc cắt giảm và điều chuyển này.
Đến ngày 27-9-2021, Bộ KHĐT đã nhận được đề xuất của 15 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2021 với tổng số vốn 21.771 tỉ đồng. Trong đó, vốn trong nước là 3.917 tỉ đồng; vốn nước ngoài là 17.854 tỉ đồng.
Song cũng có 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn là 1.643,88 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương xấp xỉ 1.600 tỉ đồng.
Đầu tư công kiểu 3C ” cho xin/ chia phần/ chạy đua thành tích” như thế này thì làm sao có hiệu quả lâu dài được ? Chưa kể làm sao đóng vai trò dẫn dắt cỗ máy “đầu tư và tăng trưởng” kinh tế đất nước ? Cần thay đổi cách làm sao cho hiệu quả, nếu không cứ mãi kiểm điểm/ răn đe rồi đâu lại vào đấy.