Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lợi nhuận ngân hàng: năm nay khả quan, năm sau khó nói

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lợi nhuận ngân hàng đã giảm mạnh trong quí 3 nhưng ước tính vẫn khả quan trong năm nay, nhờ nền tảng tăng trưởng trong nửa đầu năm, sự tăng tốc của nền kinh tế trong quí 4, sự hỗ trợ của chính sách cơ cấu giãn nợ và trích lập dự phòng vì Covid-19.

Lợi nhuận quí 3 giảm mạnh

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, ước tính lợi nhuận ngân hàng trong quí 3 giảm 19% so với quí 2, vì tăng trưởng tín dụng thấp, chi phí dự phòng tăng.

Cụ thể, thu nhập lãi thuần trong quí 3-2021 ước sẽ giảm 2% so với quí 2. Còn tăng trưởng tín dụng trong quí 3 chững lại vì ảnh hưởng của đại dịch. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 7,4% trong 8 tháng đầu năm được cho là chủ yếu nhờ vào các khoản cho vay các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong khi thu nhập dự kiến giảm, chi phí trích lập dự phòng lại dự kiến tăng lên 20% so với quí trước, đặc biệt là ở các ngân hàng hiện có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (chi phí dự phòng rủi ro trên tổng dư nợ xấu- LLR) tương đối thấp.

Lợi nhuận còn giảm vì các ngân hàng cắt giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng trong quí 3. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính từ ngày 15-7-2021 đến 31-8-2021, 16 ngân hàng đã giảm lãi suất quy ra 8.865 tỉ đồng, đạt 43,01% so với cam kết trước đó.

Tuy nhiên, điểm tích cực là thu nhập phí trong quí 3 sẽ tăng, trở thành động lực chính giúp thúc đẩy lợi nhuận.

Lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng mạnh vì chi phí vốn thấp. Ảnh minh họa: DNCC.

Quí 3 là quí khó khăn khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, các ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng lớn vì nhiều hoạt động kinh tế ngừng trệ, chất lượng tài sản suy giảm mạnh.

Dù vậy, theo báo cáo của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cập nhật về ngành ngân hàng vào đầu tháng 9, lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong hai quí cuối năm tăng trưởng chậm lại là điều hợp lý, sau khi đã tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm nay và xét đến nền lợi nhuận trong nửa sau của năm 2020 (đã phục hồi lại mức bình thường).

Kết quả kinh doanh cả năm nay vẫn được kỳ vọng tăng trưởng tốt vì hai quí đầu năm tăng trưởng mạnh. Trong kịch bản lạc quan, đơn vị này ước tính lợi nhuận ngân hàng năm nay có thể tăng 37% trong kịch bản lạc quan, 33% trong kịch bản cơ sở và 25% trong kịch bản bi quan, tùy theo mức độ kéo dài của đợt dịch lần thứ tư này.

Theo MBKE, triển vọng tăng trưởng trong quí 4 của các ngân hàng vẫn còn sáng, khi tín dụng sẽ được đẩy mạnh, tỷ lệ nợ xấu đang ở mức thấp, bộ đệm dự phòng rủi ro hiện đã cao hơn nhiều so với giai đoạn trước và được hỗ trợ thêm bởi chính sách về giãn nợ và trích lập dự phòng.

Theo đó, các ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của nhà băng cũng có thể được giảm bớt nhờ vào thu nhập từ phí tăng mạnh và khoản trích lập dự phòng vừa phải trong năm nay.

“Nửa cuối năm 2021, các ngân hàng vẫn còn dư địa để quản lý việc trích lập dự phòng nhằm đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận, góp phần hỗ trợ cho các kế hoạch tăng vốn mới”, báo cáo MBKE nhận định.

Thách thức chuyển sang năm 2022

Dù bối cảnh lợi nhuận ngân hàng năm nay vẫn khả quan, nhưng chất lượng tài sản sẽ bị ảnh hưởng mạnh vì tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Khi nợ xấu chuyển nhóm, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng, giảm lợi nhuận. Bên cạnh đó, lợi nhuận ngân hàng cũng giảm vì hoạt động hỗ trợ cơ cấu nợ, giãn thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí.

Theo báo cáo của TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, ước tính Thông tư 14 (quy định tái cấu trúc nợ xấu vì dịch Covid-19) sẽ khiến lợi nhuận ngân hàng trong năm nay giảm 3.400 tỉ đồng, nhưng sang năm sau thì giảm tới 29.600 tỉ đồng. Đây là các hoạt động cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 7-9, với sự thay đổi chủ yếu là kéo dài thời gian hỗ trợ cho các khoản vay. Hiệp hội Ngân hàng dự kiến sẽ có thêm khoảng 600.000 tỉ đồng dư nợ của các tổ chức tín dụng sẽ được cơ cấu lại theo Thông tư này.

Theo Thông tư mới, các tổ chức tín dụng vẫn sẽ tiếp tục thực hiện trích bổ sung phần chênh lệch theo lộ trình cũ (tối thiểu là 30% năm 2021, 60% năm 2022 và đủ 100% năm 2023).

Tương tự, báo cáo cũng cho biết áp lực trích dự phòng rủi ro năm 2021 sẽ không lớn, nhưng sẽ là áp lực trong năm sau. “Thông tư 14 tác động không nhiều đến lợi nhuận dự kiến của ngành ngân hàng trong năm 2021, nhưng tăng áp lực trích lập bổ sung dự phòng rủi ro trong giai đoạn 2021-2023”, báo cáo đánh giá.

Nguyên nhân vì trong năm 2020 và sáu tháng đầu năm nay, nhiều tổ chức tín dụng đã chủ động đẩy nhanh tăng trích lập dự phòng. Tính đến ngày 30-6-2021, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 30 tổ chức tài chính có báo cáo tài chính ở mức khá cao, khoảng 128%. Thậm chí, trên thị trường cũng có một số ngân hàng tính đến cuối quí 2 đã trích lập quá mức, khi có ngân hàng lên đến tỷ lệ 311%, 270% và 204%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới