(KTSG Online) - Silicon (hay còn gọi là silic), nguyên tố chiếm tỷ trọng dồi dào thứ 2 trong vỏ trái đất (chỉ sau oxy), đang trở nên khan hiếm, đe dọa một loạt ngành công nghiệp bao gồm linh kiện ô tô, chip máy tính, điện mặt trời và gây thêm một lực cản cho nền kinh tế thế giới.
Giá tăng hơn 300% chỉ trong chưa đầy 2 tháng
Silicon đã tăng giá hơn 300% chỉ trong chưa đầy 2 tháng khi nguồn cung giảm mạnh do chính sách hạn chế tiêu thụ điện ở những lĩnh vực phát thải nhiều carbon ở Trung Quốc, nhà sản xuất silicon lớn nhất thế giới.
Silicon, kim loại chiếm 28% trọng lượng của vỏ trái đất, là một trong những vật liệu cơ bản có nhiều ứng dụng nhất của nhân loại. Nó được sử dụng cho mọi thứ từ chip máy tính cho đến thủy tinh và linh kiện ô tô. Nó có thể được tinh chế thành một vật liệu dẫn nhiệt giúp chuyển ánh sáng mặt trời thành điện năng ở các tấm quang năng.
Và nó cũng là nguyên liệu thô để sản xuất silicone, một loại polymer tổng hợp kháng nhiệt và kháng nước thường được sử dụng để sản xuất thiết bị cấy ghép y tế, keo dán công nghiệp, chất khử mùi, găng tay lò nướng...
Tình trạng khan hiếm silicon gây tác động lan rộng vào một loạt lĩnh vưc kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, nơi silicon được pha trộn với nhôm để sản xuất các khối động cơ và các linh kiện khác cũng như ngành công nghiệp hóa chất, nơi sản xuất các sản phẩm chứa silicone.
Ông Keith Wildie, người đứng đầu bộ phận kinh doanh của Công ty sản xuất hợp kim nhôm Romco Metals, cho biết qua điện thoại từ London: “Nếu bạn gặp khó khăn về nguồn cung silicon, thì bạn đối mặt rắc rối lớn. Vẫn còn một số nguồn cung silicon nhưng đang giao dịch ở mức giá của chúng rõ ràng đang quá cao”.
Kim loại silicon được sản xuất bằng cách nung cát và than cốc trong lò cao. Trong phần lớn thế kỷ này, giá silicon giao động từ 8.000-17.000 nhân dân tệ (1.240-2.640 đô la Mỹ)/tấn. Nhưng gần đây, giới chức trách yêu cầu các nhà sản xuất silicon ở tỉnh Vân Nam giảm 90% sản lượng (so với tháng 8) trong giai đoạn tháng 9 đến tháng 12 giữa lúc sản lượng thủy điện xuống thấp và giới chức trách nỗ lực đạt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng, bảo vệ môi trường. Động thái này khiến giá silicon nhảy vọt lên mức cao đến 67.300 nhân dân tệ (10.440 đô la) /tấn.
Vân Nam là nơi sản xuất silicon lớn thứ 2 ở Trung Quốc, đóng góp hơn 20% tổng sản lượng của cả nước. Tỉnh Tứ Xuyên, nơi chiếm 13% tổng sản lượng silicon của Trung Quốc, cũng đối mặt với tình trạng hạn chế tiêu thụ năng lượng. Sản lượng silicon công nghiệp của Vân Nam dự kiến chỉ đạt 277.000 tấn trong năm 2021, giảm 52% so với năm ngoái.
Gây thêm căng thẳng cho chuỗi cung ứng
Cùng với đà tăng giá của dầu và các kim loại như nhôm, đồng, tình trạng thiếu hụt silicon đang làm căng thẳng thêm các chuỗi cung ứng từ các nhà sản xuất cho đến các chủ hàng, công ty vận tải và nhà bán lẻ.
Họ buộc phải lựa chọn hoặc là chấp nhận chi phí cao và biên lợi nhuận giảm hoặc chuyển chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng.
Cách lựa chọn nào cũng gây tác động kép tai họa lên lạm phát và tăng trưởng, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ “lạm phát đình đốn” (stagflation) lan rộng khắp toàn cầu, tức tình trạng lạm phát tăng trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm.
Tình trạng thiếu hụt silicon cũng đe dọa ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Bằng cách sử dụng hóa chất và nhiệt, silicon có thể được tinh chế thành polysilicon (silicon đa tinh thể), một thành phần chính của các tấm quang năng.
Hôm 29-9, giá polysilicon đã tăng vọt 13% lên mức 32,62 đô la/kg, mức cao nhất kể từ năm 2011 do nguồn cung suy giảm. Vật liệu này đã tăng hơn 400% kể từ tháng 6 năm ngoái nhờ nhu cầu phát triển điện mặt trời bùng nổ.
Với mức biên lợi nhuận cao, các nhà sản xuất polysilicon có thể hấp thụ tốt chi phí nguyên vật liệu đang tăng hơn các ngành công nghiệp khác.
Silicon cũng đóng vai trò quan trọng trong hợp kim nhôm, hoạt động như tác nhân làm tăng độ mềm dẻo. Nó làm nhôm ít giòn hơn khi các nhà sản xuất đúc nó thành các sản phẩm khác nhau cần thiết cho mọi thứ từ ô tô đến thiết bị gia dụng.
Nhà phân tích Yang Xiaoting của Công ty tư vấn Shanghai Metals Market dự báo giá silicon vẫn sẽ duy trì ở các mức cao hiện tại cho đến mùa hè năm sau khi sản lượng silicon được cải thiện. Nhu cầu silicon từ các lĩnh vực như điện mặt trời và thiết bị điện tử ngày càng tăng.
Yang Xiaoting nói: “Ngay cả khi không có các biện pháp hạn chế tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc, silicon công nghiệp cũng sẽ thiếu hụt”.
Theo Bloomberg