Thứ bảy, 9/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhớ, quên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhớ, quên

Huỳnh Văn Mỹ

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Lâu ngày gặp lại, sau phút hàn huyên, người bạn vong niên mang khoe mấy tác phẩm của anh được in trong quyển sách ảnh mới được xuất bản. Những bức ảnh của anh được chọn in lần này đều rất độc đáo, một sàng lọc trải theo tháng năm anh rong ruổi sáng tác khắp mọi miền đất nước.

Nhìn những người phụ nữ trong những tác phẩm lung linh vẻ đẹp bình dị với những công việc cũng rất đỗi bình thường tôi càng ngấm sâu triết lý mỹ học muôn đời về cái đẹp chân phương, thuần phác. Và cũng vì những tác phẩm của anh làm tôi no đầy trong bữa tiệc thẩm mỹ, tôi buột miệng hỏi anh như một phản xạ rằng anh đã gởi những bức hình này tặng cho các nhân vật trong ảnh hay chưa? Chỗ anh em, anh cũng nói ngay rằng lâu nay anh ít khi gởi tặng ảnh cho những nhân vật trong các tác phẩm dù đó có là những tác phẩm đưa anh đến thành đạt, bởi “người ở phương xa chỉ gặp qua, có đâu được địa chỉ của họ...”.

Tôi không gọi cách ứng xử như vậy là vô tâm mà chỉ coi đó là điều đáng tiếc bởi con người ai mà không hơn một lần quên những việc làm mà đáng ra mình nên làm trong đối đãi ở đời. Nhưng một vài lần thì được, tiếc thay, những cái quên như vậy vô tình đã trở thành tính cách, thói quen của rất nhiều người. Thật khó dẫn hết những trường hợp người ta đã quên chính những người đã đưa dẫn, trợ đỡ mình đến thành đạt, vinh quang.

Một anh bạn ở ngành văn hóa kể, mới đây một nhà nghiên cứu đã sử dụng toàn bộ những sưu tập của nhóm sinh viên đi điền dã ở một địa phương để viết một cuốn sách mang tính công trình của mình nhưng lại không một lời cảm ơn qua lời nói hay đề từ nơi cuối sách!

Thực ra những người giúp đỡ người khác ít ai muốn kể công. Những phụ nữ quê mùa nhẫn nại lặp lại từng động tác cho nhà nhiếp ảnh bấm hàng loạt tấm hình, những sinh viên cần mẫn điền dã để sưu tầm văn học dân gian địa phương cho nhà nghiên cứu viết thành sách, trong tận đáy lòng mình họ cũng vui mừng vì làm được một điều có ích. Nhưng cũng có không ít người khi giúp người khác lại ở trong tâm thế ngược lại: thay vì quên, họ muốn nhắc, muốn người mang ơn luôn nhớ công ơn của họ.

Một cụ già ở quê khi chỉ tôi xem bảng khắc tên của một công ty trên tường một ngôi nhà mà công ty này đã xây tặng cho một bà mẹ khó nghèo, đã nói: “Giá như đừng có cái bảng này thì hay biết mấy!”. Người lão nông không nói nhiều bởi cụ không nhiều chữ nghĩa, cách diễn đạt lại thô vụng. Nhưng tôi hiểu những gì hàm chứa trong câu nói mộc mạc, đơn sơ đó. Bao năm qua, đây đó tôi cũng nghe nhiều ý kiến như vậy trước những tấm bảng ghi tên người, tên cơ quan, đơn vị tài trợ được gắn, được đắp trên tường những mái nhà nhỏ nhoi, khiêm tốn giữa làng quê.

Thật tội nghiệp những mảnh đời côi cút, khó nghèo vì chiến tranh, vì số phần bất hạnh hay vì những tình cảnh riêng tư khi có được một mái ấm vững chắc hơn để nương thân họ lại phải mang mãi một gánh nặng ơn nghĩa vô hình trung đè nặng trên đôi vai còm cõi, tiều tụy. Bởi những tấm biển ghi công vẫn đập vào mắt họ mỗi ngày. “Những mái nhà như vậy quý với họ lắm. Nhưng càng quý hơn là đừng để họ phải nặng nề với chuyện ơn nghĩa”, ông cụ bộc bạch.

Không còn cách nào hơn, tôi tạm lý giải với ông cụ cũng như với nhiều người rằng những tấm bảng ấy cốt là để ghi nhận, động viên, khích lệ tình đoàn kết, sự tương thân tương ái đó thôi. Tôi cũng nói thêm với họ, như một số nhà hảo tâm giấu đi tên tuổi khi làm việc thiện, rồi cũng sẽ đến lúc không còn những tấm bảng khắc tên nhà tài trợ nơi vách tường của những mái nhà tội nghiệp ấy nữa. Nhưng đó vẫn chỉ là điều mong ước, phải đợi chờ thôi.

Xem ra phải nhớ - quên sao cho hợp lẽ vẫn không là chuyện dễ làm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới