(KTSG Online) - Đông Nam Á cần đầu tư 2.000 tỉ đô la Mỹ trong thập niên tới vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, xe điện, quản lý rác thải để xây dựng hạ tầng bền vững, giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, theo một báo cáo chung mới công bố của hãng tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company, Tập đoàn công nghệ Microsoft và Quỹ đầu tư nhà nước Singapore, Temasek Holdings.
Báo cáo, có nhan đề “Nền kinh tế xanh của Đông Nam Á: Cơ hội trên con đường tiến đến mục tiêu trung hòa khí thải”, cho rằng để đạt được con số đầu tư khổng lồ này, khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và các tổ chức thiện nguyện cần làm việc cùng nhau để khai thác tối đa tiềm năng của Đông Nam Á. Báo cáo cho rằng các chính phủ trong khu vực không thể đủ sức đảm đương mục tiêu này vì Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính 40% vốn đầu tư cho hạ tầng ở châu Á cần phải huy động từ khu vực tư nhân.
Năm ngoái, giới đầu tư chỉ đầu tư 9 tỉ đô la vào các mảng kinh doanh và tài sản xanh ở Đông Nam Á.
Biến đổi khí hậu là mối quan ngại lớn đối với Đông Nam Á khi khu vực này chứng kiến một loạt biến cố thời tiết cực đoan và thảm họa khí hậu trong những năm gần đây, tác động nghiêm trọng đến các nền kinh tế trong khu vực.
Dù chống đại dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với hầu hết chính phủ, trong năm qua, Đông Nam Á dành sự quan lâm lớn cho các hành động chống biến đổi khí hậu và bắt đầu vạch ra kế hoạch phát triển nền kinh tế xanh, theo Dale Hardcastle, đồng Giám đốc Trung tâm sáng tạo bền vững toàn cầu của Bain & Company.
Các chính phủ trong khu vực bắt đầu ghi nhận tính khẩn cấp của biến đổi khí hậu trước dự báo GDP của khu vực có thể suy giảm trung bình từ 17-37% vào năm 2050 do tác động của các biến cố khí hậu nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm 2-3,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiều nước đã đưa ra các tuyên bố quan trọng để chống biến đổi khí hậu.
Hồi đầu năm nay, Singapore đã công bố Kế hoạch xanh 2030, đặt ra các mục tiêu quan trọng vào cuối thập niên này, bao gồm bắt buộc xe đăng ký mới phải là các dòng xe sử dụng năng lượng sạch, nâng số trụ sạc xe điện lên con số 60.000, giảm 30% lượng rác thải đưa đến các bãi rác... Indonesia và Lào đã công bố các mục tiêu trung hòa carbon và có ít nhất 6 nước trong khu vực bắt đầu thực hiện và xem xét thực hiện các chương trình mua bán phát thải carbon
“Chúng tôi chứng kiến rất nhiều kế hoạch xanh được phát động ở Singapore và các nước khác trong khu vực. Chúng tôi bắt đầu nhận thấy các chính phủ ở Đông Nam Á nỗ lực nhiều hơn để tăng cường hợp tác trong khu vực về các biện pháp mới liên quan đến thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi năng lượng và các vấn đề khác”, Hardcastle nói.
Liên Hợp Quốc xem nền kinh tế xanh là khu vực tăng trưởng được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vào các hoạt động kinh tế, hạ tầng và tài sản cho phép giảm khí thải carbon và ô nhiễm môi trường. Một nền kinh tế xanh cũng giúp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, ngăn ngừa mất mát đa dạng sinh học và hệ sinh thái.
Báo cáo của Bain & Company, Microsoft và Temasek Holdings phát hiện thấy rằng khoảng 90% khí thải carbon ở Đông Nam Á có thể được ngăn chặn bằng cách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch khác như điện gió và điện mặt trời, thúc đẩy bảo tồn tự nhiên và sản xuất nông nghiệp và thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn.
Dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Đông Nam Á, lĩnh vực nông nghiệp cũng là nguồn phát thải carbon lớn. Báo cáo kêu gọi các nước Đông Nam Á phải các có biện pháp khuyến khích các hộ nông dân nhỏ lẻ áp dụng nhiều thực hành nông nghiệp bền vững hơn để giúp giảm khí thải carbon đồng thời khu vực này phải định vị như là trung tâm công nghệ thực phẩm toàn cầu. Báo cáo cho rằng nếu các nước hành động ngay từ bây giờ thì đến năm 2030, nền kinh tế xanh của khu vực mang lại các cơ hội kinh tế trị giá 1.000 tỉ đô la và tạo ra khoảng 5-6 triệu việc làm mới.
Trao đổi với hãng tin CNBC, Hardcastle cho biết nhiều tập đoàn lớn trong khu vực bắt đầu xem xét các mục tiêu bền vững, dù vẫn chậm nhịp hơn so với các doanh nghiệp ở Mỹ và châu Âu.
Ông nói: “Họ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cách đầu tư vào nền kinh tế xanh. Dù điều đó nhằm phục vụ, bảo vệ lợi ích kinh doanh hay nhằm phối hợp hành động đến hướng đến các mục tiêu bảo vệ khí hậu, thì cũng thật tuyệt vời khi chứng kiến mọi thứ bắt đầu chuyển động”.
Theo CNBC