(KTSG) - Sau năm năm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, cùng với những giải pháp đột phá của Nghị quyết 42, giúp tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế liên tục giảm, thì giờ đây vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng vọt trở lại lên mức cách đây bốn năm.
Những con số biết nói
Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) ngày 29-9-2021, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết cơ quan này đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1-7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của NHNN.
Như vậy, sau năm năm tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD), cùng với những giải pháp đột phá của Nghị quyết 42, giúp tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế liên tục giảm, thì giờ đây vì ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu có thể tăng vọt trở lại lên mức cách đây bốn năm. Cụ thể, theo thống kê của NHNN, nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn thì năm 2016 tỷ lệ nợ xấu là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%.
Giả định tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể đạt mức 12% (tính đến ngày 20-9 đã đạt 7,17%), xấp xỉ năm 2020, khi đó dư nợ cuối năm nay có thể ở mức gần 10,3 triệu tỉ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu dự báo ở mức 8%, con số nợ xấu tuyệt đối sẽ ở mức 824.000 tỉ đồng.
Thực tế, tuy cũng khó khăn do giãn cách xã hội những tháng gần đây, nhiều ngân hàng đã nỗ lực tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt kể từ khi Thông tư 03/2021/TT-NHNN có hiệu lực và mới đây nhất là Thông tư 14/2021/TT-NHNN được ban hành theo hướng kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ. Điều này kéo theo nợ tái cơ cấu do dịch bệnh của các ngân hàng cũng tăng vọt gần đây, vì vậy tỷ lệ dự báo trên của nhà điều hành là có cơ sở.
Nhìn vào những dữ liệu vĩ mô của nền kinh tế càng củng cố xu hướng nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, trong chín tháng qua số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45.100 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32.400 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4% và 12.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Các dữ liệu như chỉ số sản xuất công nghiệp hay quản trị nhà mua hàng (PMI) công bố những tháng gần đây cũng cho thấy các điều kiện trong nền kinh tế đang bị suy giảm nghiêm trọng.
Nếu như các doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng được ngân hàng nhanh chóng cơ cấu lại nợ vay, thì với khách hàng cá nhân vay vốn - dù không ít người cũng bị ảnh hưởng và giảm hoặc mất thu nhập, nhưng gần đây mới được bắt đầu xem xét cơ cấu nợ. Nói cách khác, trong số dư nợ tái cơ cấu hiện nay của các ngân hàng, phần lớn là dư nợ của khách hàng doanh nghiệp, do đó con số này có khả năng sẽ còn tăng khi các khoản vay khách hàng cá nhân bắt đầu trở nên rủi ro hơn và buộc phải tái cơ cấu.
Cũng theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình lao động, việc làm. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp đã không ngừng tăng từ đầu năm đến nay, với quí 1 là 2,19%, quí 2 tăng lên 2,4% và đặc biệt quí 3 tăng vọt lên 3,4%. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) trong chín tháng đầu năm 2021 ước tính lên đến 7,85%.
Những đánh động về xu hướng gia tăng nợ xấu cũng đến từ các tổ chức quốc tế. Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) năm 2021 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây, các ngân hàng thương mại đã mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. ADB dự báo cầu tín dụng sẽ được cải thiện trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường, tuy nhiên, nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm tới.
Trước đó, trong báo cáo điểm lại kinh tế tháng 8-2021, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng nhận định: Trong bối cảnh những đợt dịch gần đây, đặc biệt là đợt bùng phát trên diện rộng bắt đầu từ tháng 5 đã khiến nhiều doanh nghiệp ở các thành phố lớn và một số khu công nghiệp phải đóng cửa phòng dịch, cơ quan phụ trách chính sách tiền tệ cần thận trọng với những rủi ro đang gia tăng về nợ xấu.
Hệ quả gánh nặng nợ
Có thể nói đây là một trong số ít lần hiếm hoi nhà điều hành đưa ra những cảnh báo sớm về nguy cơ nợ xấu gia tăng mạnh như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc vai trò hỗ trợ nền kinh tế của hệ thống ngân hàng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, khi gánh nặng nợ xấu làm suy giảm hiệu quả hoạt động của các ngân hàng kéo theo chiến lược phát triển sẽ chặt chẽ hơn và cẩn trọng hơn.
Giả định tăng trưởng tín dụng trong năm nay có thể đạt mức 12% (tính đến ngày 20-9 đã đạt 7,17%), xấp xỉ năm 2020 và cũng bằng với số dự báo của nhiều tổ chức, khi đó dư nợ cuối năm nay có thể ở mức gần 10,3 triệu tỉ đồng. Với tỷ lệ nợ xấu dự báo 8%, con số nợ xấu tuyệt đối sẽ ở mức 824.000 tỉ đồng. Nếu so với quy mô vốn điều lệ hiện nay, cũng như so với lợi nhuận tạo ra trong một năm của các ngân hàng thương mại, số nợ xấu trên là khá lớn. Dĩ nhiên, trong số nợ xấu này vẫn có một lượng tài sản bảo đảm nhất định cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, điều lo ngại nhất là liệu con số nợ xấu có dừng lại đó, hay sẽ còn tiếp tục tăng khi chưa biết dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp ra sao trong giai đoạn tới, và ảnh hưởng như thế nào lên nền kinh tế nói chung cũng như các doanh nghiệp, người lao động nói riêng. Hiện tại, Việt Nam đã phải chấp nhận phương án sống chung với dịch Covid-19, thay vì theo đuổi một chính sách “zero Covid” như trước đây.
Trước tình thế này và nguy cơ nợ xấu gia tăng, các ngân hàng có thể có các phương án: Thứ nhất, tiếp tục hỗ trợ khách hàng được xác định gặp khó khăn thật sự thông qua các biện pháp tái cơ cấu và giảm thêm lãi suất cho vay. Và thứ hai, đối với những khoản nợ tốt hiện hữu, các ngân hàng sẽ ít có động lực giảm lãi suất cho vay, để có thể bù đắp lại những thiệt hại vì nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn đang gia tăng.
Đáng lo ngại hơn là một khi khoản vay đã bị chuyển thành nợ xấu, các doanh nghiệp rõ ràng sẽ khó có thể tiếp tục vay thêm vốn ngân hàng, nếu không có một chính sách hỗ trợ thiết thực hay những quy định hiện nay được điều chỉnh, thay đổi linh hoạt hơn. Ngoài ra, môi trường đầy rủi ro cũng sẽ khiến không ít ngân hàng buộc phải thắt chặt các điều kiện cho vay.
Hệ quả là phục hồi kinh tế có thể bị ảnh hưởng bởi sức nặng của nợ xấu. Doanh nghiệp, vốn đang đứng trước thách thức thiếu nguồn lực lao động sau giai đoạn giãn cách, lại không thể tiếp cận các nguồn tài chính hỗ trợ cần thiết để khôi phục hoạt động sản xuất, có thể đứng trước bài toán buộc phải giải thể hay phá sản.
Trong khuyến nghị của mình, WB cho rằng NHNN cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Một hệ thống cảnh báo sớm cần được xây dựng để xác định những nguy cơ tiềm ẩn ở từng ngân hàng và cả hệ thống. Điều cần làm nữa là sớm ban hành kế hoạch xử lý nợ xấu, không cho phép gánh nặng nợ xấu kéo dài vì nó có thể hạn chế vai trò hỗ trợ tăng trưởng bao trùm của hệ thống ngân hàng.
Trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng, phần mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD tiếp tục xác định công cuộc xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm đưa nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các TCTD duy trì ở mức dưới 3% và từng bước phát triển thị trường mua bán nợ.
Nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro đang tăng là đúng với dự báo thực tế. Điều này không có gì lạ trong bối cảnh đại dịch. Điều quan trọng hiện nay là khơi thông lại dòng chảy của thị trường hàng hóa dịch vụ và dòng tiền cho doanh nghiệp. Trước hết là vực dậy thị trường trong nước, từng bước kết nối hoàn toàn với thị trường nước ngoài, khôi phục lại luân chuyển vốn trong xã hội. Nhà nước cũng cần có gói kích thích đủ và đúng đích, cả tài khóa và tiền tệ, giống như liều thuốc hỗ trợ hồi sinh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên vẫn phải chấp nhận một bộ phận nợ xấu và các doanh nghiệp không thể trụ được, tái cơ cấu hoặc chuyển hướng hoạt động. Như vậy cần chấp nhận thực tế về tỷ lệ nợ xấu và tiềm ẩn rủi ro trong vòng 3 năm đến phải vượt mức khống chế, trên 3—>5%.