Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tầm nhìn dữ liệu y tế

Lê Hữu Huy(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - "Kết quả sẽ có trong vòng 48 tiếng và ông có thể dùng SingPass để truy cập”. Cô nhân viên y tế nói ngắn gọn như thế sau khi hoàn tất thủ tục cho phép tôi được xét nghiệm Covid-19 tại một địa điểm gần văn phòng làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế Singapore (MOH).

Số là trưa thứ Năm tuần trước tôi có ghé khu chợ ướt ở Chinatown để mua ít đồ lặt vặt, nhưng không biết rằng trước đó một ngày nơi đây đã có người nhiễm Covid-19. Thông tin này tôi chỉ biết được vào cuối tuần khi báo chí loan tin đây là ổ dịch mới với 66 ca nhiễm. Sáng thứ hai đầu tuần chuẩn bị đi làm thì tôi nhận được tin nhắn của MOH cho biết tôi là đối tượng có nguy cơ bị nhiễm và khuyến cáo nên ở nhà và hạn chế hoạt động giao tiếp xã hội.

Vì không tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm nên tôi chỉ thuộc diện cảnh báo Health Risk Alert (HRA) và không bắt buộc xét nghiệm. Nhưng kết quả Covid-19 âm tính sẽ cho phép đối tượng bị HRA duy trì sinh hoạt xã hội bình thường nên tôi tranh thủ đi xét nghiệm ngay trong ngày.

Xác định nhu cầu của các đối tượng liên quan

Để độc giả tiện hình dung, hầu như tất cả các địa điểm sinh hoạt công cộng tại Singapore đều yêu cầu người dân trước khi bước vào phải đăng ký với hệ thống SafeEntry bằng ứng dụng truy vết TraceTogether. Nhờ đó, MOH đã nhanh chóng liên lạc để cảnh báo những đối tượng phơi nhiễm như tôi.

Tuy nhiên, tôi không rõ MOH đã xác định việc tiếp xúc trực tiếp hay gần gũi (close contact) bằng cách nào. Còn SingPass - viết tắt của “Singapore Personal Access” - là mật khẩu của công dân và thường thú nhân dùng giao dịch trực tuyến với các cơ quan nhà nước. Như vậy, sau khi xét nghiệm xong, tôi chỉ cần dùng SingPass để truy cập vào trang web của MOH để biết kết quả.

Chiều hôm sau tôi kiểm tra lần đầu nhưng chưa thấy gì nhưng sáng thứ tư thì xuất hiện kết quả âm tính. Tôi thở phào khi cảm thấy mình may mắn và có lẽ đây cũng là cơ hội tôi tìm hiểu thêm thông tin và dịch vụ y tế cần thiết trong bối cảnh đại dịch.

Các dịch vụ trực tuyến mà trước đây tôi đã từng truy cập trên trang web của MOH được gọi là e-Services. Nhưng giờ đây tôi lại có thêm cổng thông tin một cửa mang tên HealthHub với các hướng dẫn thực hành lối sống lành mạnh, kiến thức y tế và đặc biệt là hồ sơ sức khỏe của cá nhân tôi.

Hồ sơ này cũng thể hiện thông tin chi tiết về hai mũi vaccine đã tiêm cho tôi vào tháng Tư vừa rồi và kết quả xét nghiệm Covid-19 như đã nói ở trên. Các nội dung trong hồ sơ này giúp tôi hình dung được rằng trong tương lai việc đăng ký tiêm chủng, xét nghiệm, nhập viện, điều trị hay bất cứ vấn đề gì có liên quan đến sức khỏe bản thân sẽ rất thuận tiện.

Chẳng hạn như việc theo dõi và quản lý các cuộc hẹn khám bệnh, yêu cầu nạp hoặc gia hạn thuốc cũng như xem hóa đơn và thanh toán tại một số bệnh viện công, trung tâm quốc gia và phòng khám đa khoa. Ngoài ra, tôi cũng có thể biết mình có thể sử dụng số tiền đã tiết kiệm trong quỹ bảo hiểm xã hội (CPF) để dùng cho mục đích y tế (Medisave) như thế nào.

Mô hình e-Services và HealthHub có thể là mô hình đáng cho Việt Nam ta tham khảo và áp dụng. Tuy nhiên, không thể không lưu ý những nền tảng căn bản của hệ thống hành chính công quyền và tầm nhìn về cơ sở dữ liệu y tế. Sức mạnh của guồng máy hành pháp nằm ở cơ cấu tổ chức tinh gọn và các dịch vụ hành chính (Civil Service) tách bạch với quyền lực chính trị.

Xét ở tầm vóc đô thị như Sài Gòn hay Hà Nội, chính phủ/quyền đảo quốc/thành phố Singapore quản lý theo mô hình một cấp và các cơ quan công quyền đều hoạt động theo chức năng, không cứng nhắc theo các biên giới hành chính như quận, phường hay xã.

Cục đăng ký quốc gia (National Registration Department - NRD) là ví dụ sinh động cho mô hình nói trên. Vị trí và vai trò của nó cũng không hay đổi từ khi người Anh thiết lập chính quyền thuộc địa trên đảo Sư tử cho đến khi Singapore được tự chủ chính quyền. Kể từ năm 1981, NRD trực thuộc Bộ Nội vụ (MHA) với các chức năng như đăng ký hộ tịch và hội đoàn.

Bước ngoặt lớn nhất trong hoạt động của NRD là xây dựng được hệ thống báo cáo thay đổi địa chỉ một cửa (OSCARS), theo đó mọi công dân/thường trú nhân không còn phải thông báo cho từng cơ quan riêng biệt nếu thay đổi địa chỉ; hiện có 23 cơ quan chính phủ tham gia hệ thống này. Với OSCARS, triết lý chính phủ toàn diện (Whole-of-government) được cụ thể hóa và điều này cho phép các cơ quan nhà nước biết rõ người dân đang sinh sống ở nơi nào.

Nền tảng quản lý thông tin chặt chẽ và toàn diện như trên cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo đưa ra các chiến lược và biến tầm nhìn của mình thành hiện thực. Trong lĩnh vực y tế, kể từ năm 2011, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử quốc gia (NEHR) đã được triển khai dần cho các cơ sở chăm sóc sức khỏe công và tư trên khắp Singapore với mục tiêu “Một bệnh nhân, một hồ sơ sức khỏe”.

NEHR thu thập hồ sơ sức khỏe tổng hợp của bệnh nhân qua các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác nhau. Điều này cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có cái nhìn tổng thể và toàn diện về lịch sử chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân.

Với cổng giao dịch là HealthHub, NEHR được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật công nghệ bởi một doanh nghiệp tư nhân mang cái tên khá dài dòng là Integrated Health Information Systems (IHiS) Pte Ltd và các tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong đó có các cục tác nghiệp của MOH như Cục Khoa học Sức khỏe (HSA), Cục Cổ động Sức khỏe (HPB) hay hệ thống y tế của Đại học Quốc gia.

Về mặt tài chính, NEHR được sự dẫn dắt của MOH Holdings (MOHH), tập đoàn quản lý tài sản y tế với các cổ đông là các định chế và tổ chức dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cho đến nay, NEHR vẫn còn trong quá trình hoàn thiện để trở thành trở thành một điểm truy cập thông tin y tế chung cho một quốc gia 5 triệu dân.

Ngoài những khó khăn vốn dĩ trong việc thu thập dữ liệu và xây dựng giao diện thông tin, NEHR còn gặp thách thức khi thuyết phục và lôi kéo sự hợp tác và tham gia của những đối tượng có liên quan (stakeholder) như nhân viên y tế lâm sàng (clinician), đội ngũ quản lý y tế và bệnh nhân. Các vấn đề chức năng, kỹ thuật và nghiệp vụ phải được làm rõ và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan.

Hệ sinh thái y tế của Singapore hiện có hơn 36.000 đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của cả nhà nước và tư nhân. Các phòng khám tư nhân cung cấp 80% dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và các phòng khám đa khoa của chính phủ phụ trách 20% còn lại. Tỷ lệ này ngược lại với bệnh viện theo đó chính phủ cung cấp 80% dịch vụ thông qua tám bệnh viện công. Về mặt vĩ mô, hệ thống dữ liệu y tế của Singapore phải thực hiện được bốn giải pháp như trình bày trong sơ đồ sau:

Theo các thống kê chưa đầy đủ, tính đến cuối năm 2017, đã có hơn 1.200 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Singapore truy cập vào NEHR và con số này vẫn tiếp tục tăng. Thực tiễn cho thấy NEHR đã giúp phép các nhân viên y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn hơn, hiệu quả hơn và cá nhân hóa hơn cho bệnh nhân.

Các bác sĩ lâm sàng có thể truy cập bệnh sử của bệnh nhân từ NEHR vào bất kỳ lúc nào để giúp họ đưa ra các chẩn đoán và quyết định điều trị sáng suốt hơn có thể cải thiện kết quả sức khỏe của bệnh nhân. Việc chia sẻ thông tin quan trọng như dị ứng thuốc hoặc lịch sử đi lại thông qua các cảnh báo chính trong NEHR có thể có khả năng cứu sống và giảm thiểu rủi ro đối với sự an toàn của bệnh nhân.

Thông tin sẵn có trong NEHR cũng có thể giúp bệnh nhân giảm bớt các xét nghiệm trùng lặp, tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Và giờ đây, trong bối cảnh đại dịch còn kéo dài, nền tảng thông tin trong NEHR lại trở thành công cụ hiệu quả để Singapore tự tin xử lý những vấn đề và thách thức mới phát sinh không chỉ về y tế, sức khỏe của người dân mà còn cả về xã hội, kinh tế và quốc phòng.

-----------

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới