Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Tiền Giang đề xuất giải pháp khôi phục sản xuất

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang vừa đề xuất áp dụng phương án “1 cung đường 2 điểm đến cộng vaccine” để khôi phục sản xuất. Bởi, phương án “3 tại chỗ” như chủ trương của địa phương là không phù hợp với tình trạng chung của đa số doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp Tiền Giang đề xuất kế hoạch khôi phục sản xuất từ 11-10. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang vừa đồng loạt ký tên gửi Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh về kế hoạch phục hồi sản xuất theo từng giai đoạn trong tình hình mới.

Theo đó, trong văn bản kiến nghị về kế hoạch, cộng đồng doanh nghiệp Tiền Giang cho biết, số lượng công nhân tại các doanh nghiệp đã tiêm vaccine mũi 1 đạt từ 25-50%. Trong khi đó, tỉnh Tiền Giang cũng đã hạ mức độ giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống 15 trên phạm vi toàn tỉnh.

Mặt khác, theo cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang, địa phương chưa có kế hoạch và thời gian cụ thể đối với việc phục hồi sản xuất trong tình hình mới, trong khi phương án sản xuất "3 tại chỗ" được Tiền Giang lấy làm trọng tâm đã được chứng minh không phù hợp với tình trạng chung của đa số các doanh nghiệp phía Nam thời gian qua, nhất là doanh nghiệp có đông công nhân lao động.

Chính vi vậy, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đã đề xuất đến Chủ tịch UBND tỉnh bảng kế hoạch phục hồi sản xuất trong tình hình mới theo từng giai đoạn.

Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất từ ngày 11-10 áp dụng phương án “1 cung đường 2 điểm đến cộng vaccine”.

Cụ thể, về phương án thực hiện, đối với người lao động trú bên ngoài địa bàn nơi doanh nghiệp đặt nhà máy, thì hàng ngày lao động đi làm bằng ô tô đưa rước công nhân, cố định điểm đón, trả công nhân và tuyến đường di chuyển (cam kết đúng lộ trình, không dừng đỗ dọc đường, trừ trường hợp bất khả kháng).

Đối với người lao động trú cùng địa bàn nơi doanh nghiệp đặt nhà máy, thì hàng ngày đi làm bằng phương tiện cá nhân, cố định tuyến đường di chuyển và cam kết đúng lộ trình, không dửng đỗ dọc đường.

Về quy mô áp dụng, giai đoạn 1, sử dụng 30% lao động so với bình thường và kéo dài ít nhất 5 ngày để ổn định hoạt động trước khi chuyển sang giai đoạn 2 (khi hoạt động ở mức 30% lao động vận hành tốt và sẵn sàng tăng quy mô, thì chuyển sang giai đoạn 2).

Giai đoạn 2, nâng quy mô sử dụng lao động lên tối đa 50% so với bình thườnh. Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giai đoạn 1, nếu chưa sẵn sàng chuyển sang giai đoạn 2.

Trong khi đó, giai đoạn 3, sẽ nâng quy mô sử dụng lao động lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% quy mô (quy mô 70% hoạt động tốt mới tính đến chuyển sang giai đoạn 100%).

Ưu tiên cho lao động cư trú ở vùng xanh hoặc không bị phong toả trở lại làm việc trước, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro phơi nhiễm cao như phụ nữ có thai, bệnh nền, đang sống chung với F0...

Về tổ chức xét nghiệm, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất sẽ tự xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm xét nghiệm định kỳ (3 ngày/lần đối với test nhanh hoặc 7 ngày/lần đối với test RT-PCR) đối với lao động thường xuyên tiếp xúc bên ngoài.

Đối với người lao động còn lại, thì luân phiên xét nghiệm theo thời gian như trên, nhưng mỗi lần ít nhất 20% lao động và đảm bảo xét nghiệm toàn bộ cho chuyền, xưởng.

Sau khi hoạt động ổn định và xác định dịch bệnh tại doanh nghiệp chắc chắn an toàn, thì doanh nghiệp sẽ kéo dài thời gian xét nghiệm định kỳ cho người lao động và chịu trách nhiệm kế hoạch của doanh nghiệp; việc xét nghiệm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (thông qua Trung tâm y tế cấp huyện lấy mẫu) hoặc cơ sở y tế có đủ điều kiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có các biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch như: thực hiện 5K, người lao động phải đeo khẩu trang; giãn cách công nhân đến và rời doanh nghiệp; đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn…

Trước đó, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã buộc phải ngưng sản xuất từ ngày 15-7-2021.

Các công ty đã đồng loạt ký tên gửi bảng kế hoạch phục hồi sản xuất đến Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, bao gồm Công ty TNHH Freeview Việt Nam (17.500 lao động); Công ty TNHH YMYV Việt Nam (4.000 lao động); Công ty giày Global Running (1.400 lao động); Công ty TNHH Quảng Việt Tiền Giang (5.000 lao động); Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (12.000 lao động).Ngoài ra, còn có các công ty, bao gồm Công ty TNHH túi xách Simone Việt Nam Tiền Giang (8.600 lao động); Công ty TNHH Green Tiền Giang (1.000 lao động); Công ty TNHH Kap Vina (600 lao động); Công ty TNHH Count Vina (1.300 lao động); Công ty TNHH Hansae Tiền Giang (6.000 lao động); Công ty TNHH giày Apache (6.200 lao động) và Công ty cổ phần Tex Giang (1.000 lao động).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới