(KTSG Online) - Nestlé vừa cho ra mắt phiên bản tôm và trứng với thành phần nguyên liệu dựa vào thực vật sau khi hãng thực phẩm này ghi nhận doanh thu hàng năm ở mảng các sản phẩm chay và thuần chay đạt 1 tỷ franc Thụy Sĩ (1,1 tỉ đô la Mỹ) nhờ sự thay đổi chế độ ăn uống và ý thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng.
Sản phẩm tôm làm từ thực vật, có tên gọi Vrimp của Nestlé. Ảnh: Financial TimesSản phẩm “tôm giả” của Nestlé, có tên gọi Vrimp, được làm từ rong biển, đậu Hà Lan và rễ cây konjac, còn sản phẩm trứng lỏng thay thế, được gọi vEGGie, được làm bằng protein đậu nành và các axit béo omega 3. Đây là là 2 sản phẩm mới nhất trong dòng sản phẩm thuộc phiên bản thực vật của thịt gà, cá ngừ, nhân bánh hamburger và sữa của Nestlé.
Mark Schneider, Giám đốc điều hành Nestlé, chia sẻ: ‘Theo thời gian, cơ hội giới thiệu phiên bản thực vật của mọi loại protein động vật sẽ tăng lên.Tôi cảm thấy chúng tôi đang bước vào một xu hướng quan trọng”. Schneider cho biết Nestlé đang thu về khoảng 200 triệu franc Thụy Sĩ mỗi năm nhờ bán các sản phẩm “thịt thay thế làm từ thực vật”.
Nestlé đang chạy đua cùng với các hãng thực phẩm đa quốc gia khác để chiếm lĩnh thị phần thịt thay thế. Tập đoàn này đang đẩy mạnh phát triển danh mục thực phẩm làm từ protein thực vật khi họ đặt cược rằng người tiêu dùng sẽ giảm sử dụng thịt và sữa một phần do chế độ dinh dưỡng đang thay đổi và ý thức bảo vệ môi trường. Hiện hãng này đang bán các sản phẩm thịt thực vật thông qua các loại hình bán lẻ đa dạng bao gồm các trạm xăng ở Ukraine và các cửa hàng thức ăn nhanh ở Hy Lạp, các siêu thị.
Cùng với việc bán sữa thực vật và các thực phẩm không có thịt, chẳng hạn như pizza, tổng doanh thu cho thực phẩm thuần chay và chay của Nestle đạt 1 tỉ franc Thụy Sĩ mỗi năm. Triển vọng tăng trưởng lạc quan của phân khúc thực phẩm thuần chay khiến hãng thực phẩm này bắt đầu sản xuất nhiều hơn và đa dạng hơn các sản phẩm. Mark Lynch, nhà phân tích của Công ty tư vấn Oghma Partners, nhận định: “Ngay bây giờ, đó là một bước đi đột phá”.
Trong khi một số hãng thực phẩm lớn muốn thâu tóm những công ty khởi nghiệp (starup) sản xuất thịt thực vật, Mark Lynch cho rằng những công ty như Nestlé muốn tự phát triển sản phẩm thịt thay thế, thay vì đi thâu tóm với giá cao ngất ngưỡng. “Liệu có đáng để trả gấp 3-4 lần doanh số bán hàng của một công ty để thâu tóm nó nếu chúng ta tự làm được các sản phẩm của công ty đó?”, ông nói.
Năm ngoái, Nestlé cũng đã ra mắt sản phẩm cá ngừ Vuna làm từ thực vật gồm protein đậu Hà Lan, protein bột mì, dầu hạt cải dầu, muối và các hương vị tự nhiên để ăn kèm với xà lách, bánh sandwich và pizza.
Nestlé kỳ vọng giá trị thị trường thịt và sữa thay thế làm từ thực vật trên toàn cầu sẽ tăng mức 26 tỉ franc Thụy Sĩ hiện nay lên 42 tỉ franc Thụy Sĩ (45,3 tỉ đô la ) vào năm 2025.
Schneider cho biết các sản phẩm thay thế như vậy giúp giảm 70 đến 80% lượng khí thải carbon so với việc sản xuất thịt và sữa động vật. Nestlé sẽ bắt đầu hợp tác vào tuần tới với tập đoàn khách sạn Whitbread (Anh) để đưa các sản phẩm thịt thay thế đến các khách sạn và nhà hàng của tập đoàn này.
Các hãng thực phẩm đa quốc gia cũng đang thâm nhập vào ngành công nghiệp sản xuất thịt và sữa được nuôi trồng trong phòng thí nghiệm. Các tập đoàn thực phẩm của Mỹ như Tyson Foods và Cargill (Mỹ) nằm trong số những nhà đầu tư sớm vào các startup sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm. Trong khi đó, Nestlé tìm kiếm cơ hội bằng cách hợp tác với Future Meat, một startup phát triển thịt trong phòng thí nghiệm của Israel.
Theo Financial Times