Chủ Nhật, 18/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Khánh thành cầu Cần Thơ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khánh thành cầu Cần Thơ

Nam Trần - Kiều Tiên

Cầu Cần Thơ sau hơn 5 năm thi công đã chính thức thông xe vào ngày 24-4-2010 - Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

(TBKTSG Online) - Sau hơn 5 năm thi công, ngày 24- 4, cầu Cần Thơ, cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á, nằm trên quốc lộ 1A nối liền hai bờ sông Hậu, chính thức được khánh thành.

Toàn tuyến dự án dài 15,85 ki lô mét với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên quốc lộ 1A, thuộc huyện Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3,2 ki lô mét và kết thúc tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.

Gói thầu 1 là đoạn đường dẫn phía Vĩnh Long dài 5,41 ki lô mét, trong đó có 4 cầu. Gói thầu này do liên doanh Tổng công ty Thăng Long, Tổng công ty 6 và Tổng công ty 8 thi công.

Còn gói thầu 2 là cầu chính dài 2,75 ki lô mét, gồm cầu dẫn bờ Bắc và bờ Nam bằng dầm Super T, cầu vượt nhánh sông Hậu và cầu chính kết cấu dây văng (dài 1,01 ki lô mét), mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Gói thầu này do liên doanh 3 nhà thầu Nhật Bản là các tập đoàn Taisei, Kajima và Nippon Steel thi công.

Từ TPHCM đi một số tỉnh miền Tây đã thông suốt nhờ 2 cây cầu huyết mạch là cầu Mỹ Thuận (2) và cầu Cần Thơ (1) sẽ thông xe vào ngày 24-4-2010. Riêng tỉnh Bến Tre thì qua cầu Rạch Miễu (3). Để xem sơ đồ lớn hơn, nhấn vào đây.

Cuối cùng là gói thầu 3, đoạn đường dẫn phía Cần Thơ dài 7,69 ki lô mét, trong đó có 6 cầu do Tổng công ty Xây dựng Trung Quốc thi công. Tuy nhiên, sau khi cầu Cần Thơ được hợp long, do gói thầu số 3 chậm so với tiến độ nên Bộ Giao thông Vận tải quyết định cho các công ty trong nước tham gia thi công phần đường dẫn.

Toàn bộ dự án có tổng mức đầu tư 4.832 tỉ đồng (thời điểm 2001) bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).

Phần cầu chính của cầu Cần Thơ có chiều rộng 23,1 mét, gồm bốn làn xe ô tô và 2 làn xe máy với tốc độ thiết kế 80 ki lô mét/giờ, mỗi làn 3,5 mét và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 mét. Cầu có tĩnh không thông thuyền cao 39 mét, đảm bảo cho tàu 10.000 DWT qua lại.

Cầu Cần Thơ với toàn tuyến dài 15,85 ki lô mét, là cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á - Ảnh: Dương Thế Lộc

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cầu Cần Thơ, khoảng 13 giờ ngày hôm nay 24-4, khi các nghi thức làm lễ, cắt băng khánh thành xong thì xe cộ các loại có thể đi qua cầu Cần Thơ. Tuy nhiên phà Cần Thơ vẫn hoạt động bình thường cho đến khi có quyết định ngừng hoạt động của Bộ Giao thông Vận tải.

Dự án cầu Cần Thơ được phát lệnh khởi công ngày 25-9-2004 và dự kiến đến cuối năm 2008 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên ngày 26-9-2007, xảy ra sự cố sập hai nhịp dẫn, nên phải ngưng thi công một thời gian và phần cầu chính đến ngày 12-10-2009 mới hợp long, nối liền hai bờ sông Hậu.

Cầu Cần Thơ sẽ góp phần thông thương tuyến TPHCM đi về thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang. Nhờ chiếc cầu này, các loại phương tiện giao thông và hàng hóa sẽ không phải mất bình quân 15 phút để sang sông theo những chuyến phà, chưa kể nhiều ngày lễ, tết… phải mất cả buổi vì kẹt phà.

Theo số liệu từ cụm phà Hậu Giang, trong những ngày bình thường có khoảng 50.000 hành khách, 27.000 xe thô sơ, gắn máy và 7.300 ô tô qua phà Cần Thơ. Dịp tết vừa qua số lượng ô tô các loại qua phà tăng từ 30 đến 50%; xe thô sơ, xe gắn máy và người đi bộ sẽ tăng 100% so với cùng thời gian của năm 2009.

Phà Cần Thơ sẽ hoạt động thêm một thời gian trước khi chính thức chấm dứt vai trò lâu nay - Ảnh: Trần Kiêm Mỹ Xuyên

Khi phà Cần Thơ chính thức ngừng hoạt động, theo ông Phan Quang Dự, Giám đốc cụm phà Hậu Giang, đơn vị này sẽ chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên quản lý, khai thác cầu Cần Thơ (tên gọi là Công ty quản lý khai thác cầu Cần Thơ). Theo đó, 307 nhân viên của bến phà khi chuyển qua đơn vị mới sẽ có 99 người dư dôi. Trong số 99 người, có nhiều trường hợp nghỉ hưu và các chế độ theo quy định. Số còn lại sẽ tiếp tục theo những chiếc phà Cần Thơ đang được sắp xếp đưa đến phục vụ các bến mới, đặc biệt là tập trung cho phà Vàm Cống (An Giang).

Tóm tắt quá trình xây dựng cầu Cần Thơ

- Ngày 25-9-2004, cầu Cần Thơ được phát lệnh khởi công.

- Ngày 26-10-2007, sau 3 năm lẻ 1 tháng xây dựng, trụ tháp cầu đã cao gần 160m. Nhưng khi đó, công việc thi công tạm đình chỉ do vụ sập nhịp dẫn vào ngày 26-9.

- Tháng 3-2008, công việc thi công được phép tiến hành trở lại, trừ nơi xảy ra sự cố.

- Ngày 19-4-2008, trụ tháp phía bờ Vĩnh Long đã được hoàn chỉnh ở độ cao 164,80m.

- Ngày 24-4-2008, trụ tháp phía bờ Nam Cần Thơ cũng đã hoàn tất phần đỉnh tháp và như vậy, hai trụ tháp của cầu đã được hoàn tất.

- Cuối tháng 6-2008, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra kết luận chính thức về vụ sập nhịp dẫn ngày 26-9-2007 và cho phép thi công lại nhịp p14, p15 và phần dây văng.

- Ngày 25-8-2008, liên doanh các nhà thầu Nhật Bản đã chính thức khởi động lại công trình sau 9 tháng trì hoãn bằng việc thi công lại trụ tạm các nhịp p14, p15.

- Tháng 1-2009, khoảng cách còn lại của 2 nhịp cầu là 350 mét.

- Tháng 4-2009, hợp long nhịp bờ Nam.

- Tháng 6-2009, đốt dầm thép đầu tiên được lắp lên tại tháp Nam.

- 8 giờ 30 phút ngày 3-10-2009, hợp long cầu Cần Thơ.

- Đến sáng 12-10-2009, lễ hợp long chính thức diễn ra với sự có mặt của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long.

- Ngày 30-3-2010, công trình cầu Cần Thơ cơ bản hoàn thành 100% và nhà thầu đã bàn giao công trình cho chủ đầu tư.

- 9 giờ sáng ngày 24-4-2010, cầu Cần Thơ được khánh thành.

Hướng dẫn qua nút giao IC3

Nút giao IC3 - cầu Cần Thơ, hay còn gọi là nút giao Quang Trung tạo thành năm ngã, nối với trung tâm thành phố Cần Thơ, cảng Cái Cui và các tỉnh Nam sông Hậu được xem là nút giao thông phức tạp nhất mà người tham gia giao thông cần lưu ý khi qua đây. Ông Nguyễn Nam Tiến, Trưởng phòng Dự án PMU Mỹ Thuận, có một số hướng dẫn cơ bản sau:

1. Nếu người tham gia giao thông đi từ hướng cầu Cần Thơ xuống:

+ Muốn vào nội ô TP. Cần Thơ, có hai cách đi. Hướng thứ nhất: Sau khi qua trạm thu phí sẽ rẽ phải theo đường nhánh để vào đường Quang Trung rồi qua cầu Quang Trung rồi vào thành phố (không qua vòng xuyến). Hướng thứ hai, đi thẳng đến vòng xuyến rồi rẽ phải vào đường Nam Sông Hậu qua cầu Hưng Lợi đến đường 30 Tháng 4. Muốn đi ngược lại, người tham gia giao thông chỉ cần đi theo hướng vừa nêu trên, nhưng theo làn đường bên phải của hướng đi.

+ Muốn vào Cảng Cái Cui (đường Nam Sông Hậu) thì đi qua vòng xuyến rẽ trái để vào đường Quang Trung đi đến cảng Cái Cui hoặc đi Nam Sông Hậu. Từ Cảng Cái Cui muốn qua cầu Cần Thơ hướng về Vĩnh Long, thì rẽ vào đường nhánh phía tay phải hướng đi của nút giao này; muốn đi hướng Sóc Trăng thì vào vòng xuyến rẽ trái chạy thẳng quốc lộ 1.

+ Muốn đi các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau: Từ trên cầu Cần Thơ chạy thẳng qua nút giao ngay vòng xuyến rồi đi thẳng hết đường dẫn theo hướng Cái Răng sẽ ra đến quốc lộ 1A.

+ Muốn đi An Giang, Kiên Giang, thì khi đến nút giao tại vòng xuyến rẽ phải vào đường Nam Sông Hậu, qua cầu Hưng Lợi theo quốc lộ 91B hoặc quốc lộ 91. Ngược lại, từ các tỉnh trên muốn qua Vĩnh Long thì đi chiều ngược lại, theo làn đường bên phải hướng đi.

2. Nếu đi từ Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu:

+ Muốn đi về hướng Vĩnh Long thì chạy thẳng qua vòng xuyến của nút giao theo đường dẫn lên cầu Cần Thơ.

+ Đi về hướng Cảng Cái Cui, khi gần tới vòng xuyến của nút giao, thì rẽ theo đường nhánh bên phải vào đường Nam Sông Hậu; hoặc chạy thẳng tới vòng xuyến rồi rẽ phải chạy thẳng vào Cảng Cái Cui.

+ Muốn vào trung tâm TP Cần Thơ có thể đi theo đường quốc lộ 1A hiện hữu (vào đường 3 Tháng 2), hoặc vào đường dẫn đến vòng xuyến rẽ trái lên cầu Hưng Lợi hoặc lên cầu Quang Trung rồi đi vào trung tâm thành phố.

3. Từ Khu đô thị Nam Cần Thơ vào trung tâm TP có hai đường đi:

+ Chạy đến vòng xuyến, đi thẳng một đoạn nữa tới ngã tư rồi rẽ phải vào đường Quang Trung, qua cầu Quang Trung.

+ Cũng có thể đi thẳng đường Nam Sông Hậu qua cầu Hưng Lợi. Từ trung tâm thành phố muốn qua khu đô thị Nam Cần Thơ đi theo chiều ngược lại theo làn đường bên phải hướng đi.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cũng lưu ý thêm, khi người đi đường không xác định được hướng đi, vào đường 1 chiều, ví dụ: đã vào đường dẫn lên cầu Cần Thơ hoặc vào đường dẫn xuống Cái Răng (từ cầu Cần Thơ xuống), thì không thể quay đầu lại mà bắt buộc phải đi thẳng qua cầu hoặc đi hết đường dẫn.

Một điều lưu ý nữa là tại nút giao IC3 thiết kế mặt đường thấm nhập nhựa (không láng nhựa), nên các phương tiện qua lại cần phải đi chậm để đảm bảo an toàn vừa đủ thời gian để xác định biển báo...

* Bên cạnh đó, còn có nút giao với quốc lộ 1A (phía Vĩnh Long) đã có cầu vượt, nên việc đi lại rất dễ dàng, chỉ cần đi đúng theo bảng chỉ dẫn. Nút giao với quốc lộ 54 cũng được thiết kế cầu vượt nên người tham gia giao thông muốn ra vào huyện Bình Minh hoặc lên cầu Cần Thơ, thì đã có biển hướng dẫn rất rõ ràng, cụ thể. Nút giao với quốc lộ 1A (phía TP. Cần Thơ, đoạn bãi rác Đông Thạnh) là ngã ba cũng có biển chỉ dẫn cụ thể.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới