(KTSG Online) - Thỏa thuận về khuôn khổ thuế mới được công bố hôm 8-10 sẽ bao phủ 90% GDP toàn cầu. Theo đó, các nước sẽ được phép thu thuế doanh nghiệp tối thiểu là 15% từ các công ty đa quốc gia đang hoạt động bên trên lãnh thổ của họ, cho dù các đại công ty không có mặt ở nước sở tại.
Thỏa thuận có tên gọi chính thức là "Tuyên bố về giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh từ số hóa nền kinh tế”. Đây là kết quả của quá trình đàm phán toàn cầu kéo dài hơn 30 năm qua do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) làm trung gian điều phối.
Có 140 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đàm phán, trong đó 136 nước đồng ý, bốn nước còn lại bỏ phiếu trắng là Pakistan, Sri Lanka, Kenya và Nigeria. Theo OECD, các nước đang kỳ vọng sẽ đưa thỏa thuận đột phá này thành một công ước được ký kết vào năm 2022 và có hiệu lực vào năm 2023.
Tạo nguồn thu từ 150 tỉ đô la tiền thuế trên toàn cầu
“Thỏa thuận hôm nay sẽ giúp cho các chế độ thuế khóa quốc tế trở nên công bằng hơn và hoạt động tốt hơn. Đây là thắng lợi lớn cho chủ nghĩa đa phương hiệu quả và cân bằng", Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nói trong một thông cáo.
Việc đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia dựa trên lĩnh vực hoạt động hơn là cơ sở hạ tầng vật lý đã đảo ngược các khái niệm “cũ rích” về hệ thống thuế quốc tế tồn tại cả thế kỷ qua. Khung thuế này cũng phản ánh sự tồn tại và hình thành ngày càng rõ nét hơn về nền kinh tế số trên toàn cầu.
Mức thuế tối thiểu 15% sẽ giúp “tạo thêm mỗi năm 150 tỉ đô la tiền thuế thu trên toàn cầu, trong đó có 125 tỉ đô la từ khoảng 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất, có lợi nhuận nhiều nhất thế giới đang hoạt động ở các nước hiện có mức thuế thấp hơp 15%” - thông cáo của OECD nêu rõ.
Các cải cách thuế này nhằm chặn đứng tình trạng các công ty đa quốc gia thành lập các hãng con ở những nơi có biểu thuế thấp để giám bớt gánh thuế. Mức thuế tối thiểu này sẽ áp dụng đối với các công ty có doanh thu hợp nhất hàng năm từ 750 triệu euro, khoảng 867 triệu đô la.
Ngoài việc ngăn chận chiêu né thuế bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thỏa thuận còn giúp tránh được "cuộc đua xuống đáy" - tức việc các nước đua nhau giảm thuế để thu hút các công ty đa quốc gia.
“Trong nhiều thập niên, công nhân và người trả thuế ở Mỹ đã trả giá trong một hệ thống thuế mà phần lợi nghiêng về các đại công ty, nhưng các công ty này lại đang đem việc làm và lợi nhuận ra nước ngoài. Cuộc đua xuống đáy này không chỉ làm hại đến quyền lợi của công nhân Mỹ, mà còn đặt các nước đồng minh của chúng ta vào tình huống cạnh tranh bất lợi”, Tổng thống Joe Biden phát biểu ngay sau thông cáo của OECD về khung thuế mới.
Thỏa thuận mới cũng được trình lên cuộc họp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương khối G20 tại Washington vào ngày 13-10 và hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 10 này.
Sẽ đụng chạm đến hàng trăm đại công ty
Trước thỏa thuận này, các nước châu Âu như Anh và Pháp đã đưa ra các mức thuế kỹ nghệ số riêng. Từ nay, châu Âu sẽ buộc các hãng đại công nghệ vào khuôn khổ thuế mới. Các biểu thuế của châu Âu trước đây từng là nguyên nhân tranh cãi ở Mỹ, với lập luận cho rằng các loại thuế này đang nhằm vào mục tiêu là các hãng công nghệ lớn kiểu như Google, Amazon, Facebook và Apple – được mệnh danh là nhóm GAFA.
Điều khoản mới về thuế công nghệ số bao gồm các công ty có doanh thu toàn cầu là 20 tỉ euro và biên lợi nhuận trước thuế trên 10%. Điều khoản này sẽ “đụng chạm” đến 100 công ty trên toàn thế giới, bao gồm các công ty kiểu GAFA.
Các nước đang là thị trường nhóm đại công ty đang hoạt động có quyền được hưởng một phần của miếng bánh lợi nhuận khủng, dựa trên tỷ lệ doanh thu được tạo từ thị trường quốc gia đó. Các đại công ty sẽ trả mức thuế đến 25% mức lợi nhuận trên ngưỡng lợi nhuận trước thuế từ 10% trở lên.
Mỹ và một số nước châu Âu hoan nghênh việc đạt được thỏa thuận, và cho rằng điều này sẽ giúp cuộc chơi trở nên công bằng hơn. Hãng tin Reuters nói một số nước đang phát triển muốn áp mức thuế cao hơn cho biết “lợi ích của họ trước đây đã bị gạt sang một bên để phù hợp với lợi ích của các nước giàu”.
Reuters bình luận rằng việc các nước đạt được thỏa thuận về thuế tối thiểu phản ánh tình hình tài chính ở các nước đang căng thẳng vì dịch Covid-19. Ngoài ngân sách chống dịch, các nước còn phải chi trả các gói trợ cấp người dân và doanh nghiệp để cứu nền kinh tế.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Ireland, Estonia và Hungary - những quốc gia trước đó kiên quyết phản đối mức thuế 15% - rốt cuộc cũng đã từ bỏ lập trường và tham gia thỏa thuận, nhưng vẫn chưa công bố thời điểm.
“Thỏa thuận lịch sử này nhấn mạnh các thách thức về mức thuế đối với nền kinh tế số hóa hiện nay, tạo ra sự rõ ràng và ổn định mà các doanh nghiệp lớn và chính phủ đang cần. Tôi tin rằng Ireland sẽ là một ngôi nhà hấp dẫn thu hút các công ty quốc gia đến ở và làm ăn lâu dài”, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohue phát biểu.
Tổ chức từ thiện Oxfam hoài nghi về mốc thời gian thực thi là năm 2023 do các công ước khác thường mất nhiều thời gian để ký kết, phê chuẩn. Cũng theo Oxfam, có nhiều ngoại lệ trong thỏa thuận khiến nó khó có thể đem lại lợi ích ngay lập tức.
Chẳng hạn Hungary được hưởng "giai đoạn chuyển tiếp" cho phép nước này duy trì mức thuế 9% trong 10 năm trước khi chuyển sang mức 15%. Mức thuế của Hungary thậm chí còn thấp hơn thuế suất 12,5% của Ireland - nơi vốn được coi là thiên đường thuế cho các hãng công nghệ.