(KTSG Online) - Công ty mẹ là Tổng công ty khí Việt Nam (PVGAS) và Tổng công ty viễn thông MobiFone để phát sinh nợ phải thu quá hạn với giá trị lần lượt là 568,79 tỉ đồng và 724,2 tỉ đồng, theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
- Nhiều dự án tại Khánh Hòa được phê duyệt quy hoạch, đầu tư chưa đúng quy định
- Bất cập trong quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản tại nhiều địa phương
Thông tin này được nêu tại báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2021 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhận định công tác quản lý nợ tại công ty mẹ là Tổng công ty khí Việt Nam (PVGAS) và Tổng công ty viễn thông MobiFone chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn với giá trị lần lượt là 568,79 tỉ đồng và 724,2 tỉ đồng.
Công ty mẹ PVGAS phát sinh nợ khó đòi với giá trị 255,4 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này chưa kê khai, nộp ngân sách nhà nước khoản chênh lệch giá khí đối với lượng khí trong bao tiêu bán cho BOT Phú Mỹ 2.2 và BOT Phú Mỹ 3 theo quy định.
Bên cạnh công ty mẹ PVGAS, các công ty con cũng phát sinh nợ khó đòi gồm Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam (70,41 tỉ đồng), Công ty cổ phần phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam (16,16 tỉ đồng).
Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí có nợ khó đòi là 233,57 tỉ đồng. Về đầu tư tài sản cố định (TSCĐ), cơ quan kiểm toán cho biết dây chuyền sản xuất NPK của Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí chỉ đạt 45,6% công suất và 63,2% sản lượng sản kế hoạch trong năm 2020.
Ngoài ra, một số kho đầu tư dở dang của doanh nghiệp đang làm thủ tục chuyển nhượng nhưng chưa chuyển nhượng được. Cụ thể, kho Tây Ninh được doanh nghiệp đầu tư năm 2010, nhưng đến năm 2013 dừng thi công với chi phí đầu tư xây dựng dở dang 30 tỉ đồng. Tổng kho Đà Nẵng được doanh nghiệp góp số vốn là 22,93 tỉ đồng tính đến năm 2012, nhưng tới năm 2014 tạm dừng thi công.
Còn kho Vũng Áng tại tỉnh Hà Tĩnh được phê duyệt phương án chuyển nhượng từ năm 2016 nhưng đến nay chưa có đối tác. Trước đó, nhà kho bị sập hoàn toàn vào tháng 10-2017 do bão.
Về đầu tư tài chính, Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí và PVGAS tiếp tục được cơ quan kiểm toán nhắc tới do hiệu quả đầu tư thấp.
Về sử dụng vốn, KTNN cho biết các hợp đồng mua thiết bị truyền dẫn được MobiFone đầu tư từ năm 2017, nhưng tới cuối năm 2020 doanh nghiệp mới bàn giao đưa vào sử dụng khiến hiệu quả sử dụng vốn suy giảm. Nguyên nhân theo giải thích của đơn vị chưa thuê được kênh (quang trắng) từ phía đối tác.
Về quản lý và sử dụng đất đai, một số doanh nghiệp còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Cụ thể, PVGAS có 6.863,7 mét vuông đất trống đã quá thời hạn đầu tư, Công ty cổ phần Phân phối khí thấp áp dầu khí Việt Nam có 13.002 mét vuông đất đang chờ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần kinh doanh LPG Việt Nam và Công ty Phân bón và hóa chất dầu khí Miền Trung lần lượt có 34.100 mét vuông và 6.602 mét vuông đất sử dụng không đúng mục đích.