Cải tổ Ngân hàng Thế giới
Chủ tịch WB Robert Zoellick (trái) trong cuộc họp bàn về cải tổ WB. Ảnh Reuters |
(TBKTSG Online) - Các thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) hôm qua Chủ nhật 25-4 đã đồng ý một kế hoạch cải tổ, tăng vốn hoạt động của WB thêm 5,1 tỉ đô la Mỹ và tăng quyền biểu quyết của các nước đang phát triển trong việc điều hành ngân hàng.
WB hiện là định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới, có mục tiêu tài trợ để xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu. Theo kế hoạch cải tổ vừa thông qua, Trung Quốc sẽ thay vị trí của Đức trở thành cổ đông lớn thứ ba của WB sau Mỹ và Nhật Bản. Các nước Brazil, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ được tăng quyền biểu quyết trong tổ chức này.
Tăng vốn hoạt động và vốn đăng ký
Từ khi cuộc khủng hoảng toàn cầu bắt đầu vào tháng 7-2008 đến nay, WB đã cam kết cho vay 105 tỉ đô la Mỹ, vì thế việc tăng vốn là hết sức cần thiết để ngân hàng này duy trì các chương trình tín dụng. “Từ cuộc họp thường niên năm ngoái, chúng tôi đã thấy rằng, nếu không tăng thêm nguồn vốn, chúng tôi sẽ không có khả năng tiếp tục cho vay với mức độ cao như hiện nay”, Chủ tịch WB Robert B. Zoellick, nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu tuần trước.
Các nền kinh tế đang phát triển ủng hộ việc tăng vốn nhiều hơn cho WB và các ngân hàng phát triển khác, nhưng các nước giàu thì rất miễn cưỡng do đang phải khắc phục hậu quả của suy thoái kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner nói rằng ông sẽ cố gắng thuyết phục Quốc hội Mỹ ủng hộ việc tăng phần đóng góp của Mỹ vào WB thêm 117 triệu đô la Mỹ mỗi năm, tức 586 triệu đô la Mỹ trong 5 năm tới.
Tại hội nghị thường niên của WB cuối tuần qua, các nước thành viên đã nhất trí đóng góp thêm 5,1 tỉ đô la Mỹ vào vốn lưu động (paid-in capital) mà WB có thể sử dụng cho các hoạt động hàng ngày, nâng tổng số vốn lưu động của ngân hàng này lên 40 tỉ đô la Mỹ.
Các thành viên của WB hôm Chủ nhật cũng tán thành việc tăng vốn đăng ký(subscribed capital) của ngân hàng thêm 86,2 tỉ đô la Mỹ, lên 276,1 tỉ đô la Mỹ, không kể 26 tỉ đô la Mỹ dự trữ. Tuy nhiên, ngoài số tiền 5,1 tỉ đô la tăng thêm vốn lưu động, phần lớn khoản tăng vốn đăng ký chỉ là “vốn huy động được” (callable capital) – nghĩa là tiền vẫn được giữ tại các nước thành viên nhưng WB có thể huy động ngay khi cần thiết. Như vậy, trong 276,1 tỉ đô la vốn đăng ký của WB, chỉ có 40 tỉ đô la có thể được chi ngay, số còn lại là “vốn huy động được”.
Tăng quyền biểu quyết cho các nền kinh tế đang phát triển
Trong số 5,1 tỉ đô la này, các nước đang phát triển đóng góp 1,6 tỉ đô la Mỹ, tương ứng với việc nâng tỷ lệ quyền biểu quyết của họ từ 44,06% lên 47,19%; tăng thêm 3,13%. Trước đó, năm 2008 WB đã điều chỉnh tăng tỷ lệ quyền biểu quyết của các nước đang phát triển thêm 1,46%; và như vậy đến nay quyền biểu quyết của các nước đang phát triển đã tăng thêm 4,59%.
Ba nước có tỷ lệ quyền biểu quyết cao nhất - nghĩa là có tiếng nói quan trọng nhất - tại WB hiện nay là Mỹ với 15,85%, Nhật Bản 6,34% và Trung Quốc 4,42%.
Tuy nhiên, việc gia tăng quyền biểu quyết đi cùng với sự gia tăng đóng góp và trách nhiệm. “Khi các nước đang phát triển có thêm cổ phần, họ cũng phải đóng góp nhiều hơn. Thực chất đây là việc chia sẻ trách nhiệm”, ông Zoellick nói.
Tăng hỗ trợ cho các nước nghèo
Cả 186 nước thành viên WB đều tán thành chương trình cải cách, kêu gọi gia tăng tính công khai, minh bạch thông tin và cải thiện việc quản lý rủi ro cũng như các kết quả đo lường về kinh tế.
Trong Báo cáo Giám sát Toàn cầu (Global Monitoring Report) công bố hôm thứ Sáu, WB cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế đã làm chậm lại tiến trình xóa đói giảm nghèo ở các nền kinh tế đang phát triển. Do khủng hoảng, vào năm 2015 sẽ có hơn 53 triệu người vẫn còn sống dưới mức nghèo khổ mà lẽ ra số người này đã thoát nghèo nếu không bị khủng hoảng. Dù sao, số người sống dưới mức nghèo khổ - tức là có thu nhập ít hơn 1,25 đô la Mỹ hay 25.000 đồng Việt Nam mỗi ngày – sẽ chỉ còn 920 triệu người vào năm 2015, giảm một nửa so với 1,8 tỉ người năm 1990.
Kế hoạch cải tổ của WB cũng sẽ tăng gấp đôi sự quan tâm tới việc giúp đỡ các nước nghèo, nhất là khu vực châu Phi hạ-Sahara; tăng đầu tư vào nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, cổ xúy “hành động tập thể” trên toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy thương mại và các ưu tiên khác, chống tham nhũng và chuẩn bị đối phó với các cuộc khủng hoảng.
(theo New York Times)