(KTSG) - Dòng người tìm đủ cách, kể cả đi bộ hàng trăm cây số rời các thành phố nơi tập trung các công trình xây dựng, các khu công nghiệp, các xưởng may mặc, đóng giày... để về quê báo hiệu thời gian sắp tới doanh nghiệp sẽ thiếu công nhân trầm trọng, nhiều nghề không có ai làm.
Tuy nhiên hiện tượng thiếu hụt nhân công như thế không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Sau đại dịch dường như nơi đâu trên thế giới cũng thiếu người làm, từ đầu bếp đến lái xe, từ nhân viên y tế đến người giữ trẻ.
Chỉ đến khi các trạm xăng ở Anh cạn kiệt người ta mới nhận ra nước này đang thiếu trầm trọng các tài xế xe bồn chở xăng. Báo chí phỏng vấn các cựu tài xế mới phát hiện ra họ bỏ việc trong những năm gần đây vì lương thấp, đãi ngộ không có, đường sá ngày càng tệ, giờ làm việc ngày càng dài trong khi các tiện nghi cho giới lái xe dọc đường ngày càng xuống cấp.
Câu chuyện như thế xảy ra với nhiều ngành nghề khác ở nước khác. Nhiều tiệm ăn ở Mỹ phải đóng cửa vì không tìm ra đầu bếp; trường học cho ngưng dịch vụ xe buýt đón đưa học sinh vì không có ai chịu lái xe; siêu thị thiếu người bán hàng; ngay cả sở thú cũng than thiếu nhân viên chăm sóc thú.
Chuyện gì đang xảy ra? Đầu tiên, có lẽ nhờ dịch Covid-19 người ta mới thực sự biết được thế nào là những công việc thiết yếu. Đó là những người giúp duy trì các hoạt động cơ bản của xã hội như cung cấp lương thực, thực phẩm, điện nước, xăng dầu. Đó có thể là cô gái bán hàng trong siêu thị, là người giao hàng tận nhà, là anh lính cứu hỏa, là nhân viên y tế, là người giữ gìn vệ sinh cho các tòa nhà, công sở... Nền kinh tế không thể vận hành nếu thiếu hàng triệu công nhân ngày đêm làm ra các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống.
Thế nhưng điểm chung của các lao động thiết yếu này là lương thấp, điều kiện làm việc không thuận lợi và trong dịch, lại là người chịu phơi nhiễm các rủi ro mắc bệnh. Những nhân viên bàn giấy phụ trách các phần việc không hề thiết yếu như tiếp thị, nghiên cứu thị trường... có thể làm việc từ nhà, lương lại cao và đãi ngộ cũng cao. Nếu không giải quyết mâu thuẫn này e rằng tình trạng nhiều ngành nghề ngày càng thiếu nhân lực sẽ càng trầm trọng hơn. Đây là bài toán các nước đang phải tìm lời giải.
Riêng với khả năng thiếu hụt công nhân cho các khu công nghiệp ở nước ta, thiết nghĩ các doanh nghiệp phải thiết lập lại mối quan hệ toàn diện với đội ngũ công nhân của mình theo hướng xem trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước hết là với công nhân của mình chứ không cần đâu xa.
Tại sao không ưu tiên xây các khu ký túc xá cho công nhân với các tiện nghi tối thiểu thay vì để họ ở trong các khu nhà trọ chật hẹp, dễ lây lan bệnh tật. Tại sao không nghĩ tới việc tổ chức nhà giữ trẻ, trường học cho con công nhân thay vì để họ vừa làm việc vừa lo cho con gửi ở nhà trẻ tư nhân không chuyên. Tại sao không nghĩ đến các tiện ích nhằm cung cấp một đời sống tinh thần dù ở mức đơn sơ cho công nhân để giúp họ giải trí sau những giờ lao động vất vả.
Công nhân bỏ công xưởng về quê là bởi muôn vàn lý do khác nhau nhưng nếu trước đó doanh nghiệp thật sự quan tâm đến họ, cung cấp cho họ một chỗ tựa vững chắc, nhất là trong giai đoạn khó khăn vừa qua, ắt hẳn sẽ có một số lớn quyết định ở lại với nơi họ từng gắn bó.
Việc xác định lại giá trị của các khâu trong chuỗi cung ứng để tăng mức bồi đắp cho sức lao động của công nhân là việc khó, mang tính toàn cầu nhưng nếu không bắt đầu e rằng doanh nghiệp sẽ phải trả giá đắt hơn khi phải đỏ mắt tìm người sau dịch.
Sẽ không có chuyện người lao động tháo chạy hàng loạt nếu đó không phải là vấn đề sinh tử. Cần nhìn nhận lại vấn đề một cách thật nghiêm túc để thấy rằng khả năng phản ứng với tình hình của ta là quá chậm và quá kém hiệu quả.