(KTSG) - Theo số liệu mới công bố, tình hình kinh tế quí 3 và chín tháng đầu năm 2021 của TPHCM là rất ảm đạm. Nhưng với việc nới lỏng giãn cách được thực hiện dần kể từ ngày 1-10, hy vọng đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ tăng tốc trở lại bởi vì trụ cột chính ở thành phố năng động này là dịch vụ và thương mại.
Phục hồi nhanh và nhiều thay đổi
Nhiều thành phố lớn trên thế giới mở cửa sau thời gian thực hiện giãn cách triệt để đã cho thấy các hoạt động kinh tế phục hồi một cách nhanh chóng. Điều này có thể hình dung như một cái lò xo bị nén, khi mà các hoạt động kinh tế bỗng nhiên bị gián đoạn trên diện rộng. Các báo cáo của Google mobility cho thấy có những nơi, hoạt động mua sắm hay đến nơi làm việc giảm đến 80-90% trong lúc giãn cách toàn bộ so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Nhưng khi các hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường thì những thay đổi để thích ứng trong giai đoạn giãn cách đã trở thành những “bình thường mới”.
Đó là nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn, đầu tư nhiều hơn cho công nghệ, và các kênh bán hàng trực tuyến đã trở thành một ưu tiên. Nhiều người dần quen với việc mua sắm đồ dùng trực tuyến, thậm chí lương thực thực phẩm hay các món ăn đã chế biến sẵn từ các nhà hàng, quán ăn. Giai đoạn giãn cách là cơ hội bùng nổ cho những ứng dụng giao hàng, các cửa hàng trực tuyến, cũng như các loại thực phẩm hướng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nếu như ở một số thành phố lớn trên thế giới, hoạt động môi giới bất động sản đã có thể thực hiện qua livestream thì cũng không khó để một thành phố năng động như TPHCM tiếp thu mô hình này. Thay vì như bình thường, người đi mua hay thuê bất động sản phải đến gặp trực tiếp môi giới và xem thì bây giờ chỉ cần ngồi ở nhà, nhân viên môi giới bất động sản sẽ livestream và thực hiện theo yêu cầu của khách hàng.
Sự phục hồi sẽ ở một trạng thái mới: nhiều thay đổi từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, và chính quyền thành phố cũng sẽ phải rút nhiều bài học kinh nghiệm cho mình.
Nhiều dịch vụ tài chính đã được thực hiện trực tuyến một cách nhanh chóng và tiện lợi, như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Chỉ cần kết nối Internet và giấy tờ tùy thân là có thể thực hiện được rất nhiều dịch vụ, thay vì phải đến tận nơi.
Các dịch vụ đặt lịch với bác sĩ và khám bệnh trực tuyến cũng bùng nổ ở nhiều thành phố lớn trên thế giới. Trên một nền tảng (platform), một người có thể chọn cho mình lịch hẹn với bác sĩ từ một danh sách rất nhiều bác sĩ, và nhiều khung giờ linh hoạt khác nhau.
Xu hướng làm việc từ xa cũng làm thay đổi thói quen của một bộ phận người lao động, mà tính chất công việc có thể làm độc lập, chỉ cần có kết nối VPN để vào mạng nội bộ của doanh nghiệp hay tổ chức, hoặc làm việc và trao đổi trên các nền tảng đám mây (cloud services/computing). Việc trao đổi họp hành trực tuyến đã được hỗ trợ bởi rất nhiều ứng dụng.
Sự chuyển đổi được thực hiện mạnh mẽ hơn ở các doanh nghiệp vừa và lớn. Lý do là nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ít có khả năng trụ được sau nhiều lần giãn cách vì nguồn lực tài chính có hạn. Thêm vào đó, các doanh nghiệp này có ít khách hàng và nhà cung cấp, khi bị gián đoạn và mất đối tác, mất bạn hàng thì không có sẵn nguồn thay thế.
Giữ sức cạnh tranh
Là trung tâm kinh tế lớn nên TPHCM thu hút một lượng lớn lao động nhập cư. Cuối năm 2019, ước tính số người sống, làm việc, học tập thực tế ở thành phố này lên đến 13 triệu người.
Và cũng như nhiều thành phố lớn trên thế giới khác, vấn đề chênh lệch về mức sống giữa các địa bàn ở thành phố đã bộc lộ rất rõ ràng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và giãn cách. Những khu dân cư có thu nhập thấp, điều kiện sinh sống chật chội, thiếu thốn là những nơi có tỷ lệ lây nhiễm và ca bệnh nghiêm trọng nhiều nhất. Một số thành phố trên thế giới như Amsterdam, Bristol, Chicago và Los Angeles đã áp dụng một công nghệ quan sát thời gian thực các cụm dân cư trong thành phố theo 15 tiêu chí khác nhau, từ đó các cấp quản lý có thể hình dung nhanh tình trạng và có các giải pháp ưu tiên phù hợp.
Có một bộ phận không nhỏ lao động đã quyết định tạm rời khỏi thành phố để trở về quê. Nhưng nếu ở những nơi đó không tạo đủ việc làm thì có lẽ họ cũng sẽ phải quay lại thành phố vì nơi đây vẫn hội tụ những lợi thế cạnh tranh trong việc phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm.
Nếu nhiều địa phương khác có chính sách thu hút doanh nghiệp, tạo việc làm tốt thì là một thách thức không nhỏ của TPHCM trong việc giữ lại lao động có chất lượng cao.
Một vấn đề khác là xu hướng chuyển đổi việc làm của người lao động sau đại dịch. Nhiều lao động trong các lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề do Covid-19 đã quyết định từ bỏ nghề của mình, như hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng. Điều này tạo ra một sự thiếu hụt lao động đáng kể và thành phố phải cạnh tranh với nhiều địa phương khác để thu hút đủ lao động cũng như lao động có chất lượng.
Với độ bao phủ vaccine ngày càng rộng, các ca nhiễm nặng đang theo chiều hướng giảm thì việc mở cửa lại các hoạt động kinh tế nhanh là điều mà thành phố có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ Ấn Độ đã từng là tâm điểm của dịch bệnh mà đã quyết định mở cửa đón khách du lịch kể từ ngày 15-10-2021.
Tuy vậy, sự phục hồi sẽ ở một trạng thái mới: nhiều thay đổi từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, và chính quyền thành phố cũng sẽ phải rút nhiều bài học kinh nghiệm cho mình.
Xu hướng của các thành phố lớn sau Covid-19 như theo một báo cáo mới đây của Deloitte là tăng mảng xanh của thành phố, “thành phố 15 phút” - nghĩa là các tiện ích người dân có thể tiếp cận trong vòng bán kính 15 phút đi bộ hay xe đạp, hệ thống y tế không chỉ hướng đến việc chữa trị mà còn hỗ trợ về mặt tinh thần, chuyển đối số nhanh hơn, và trí tuệ nhân tạo (AI) được áp dụng ngày càng phổ biến trong các hoạt động thường ngày của thành phố: vận hành, giám sát và dự báo.