(KTSG Online) – Bảy địa phương khu vực Nam sông Hậu, gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau dự kiến họp bàn liên kết phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội vào ngày 19-10 tới. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để mối liên kết này hiệu quả thì cần tránh "bàn rồi mạnh ai nấy làm".
Dự thảo chương trình liên kết các tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế đặt mục tiêu triển khai đồng bộ các biện pháp về đảm bảo sức khoẻ của người dân các địa phương trong bối cảnh Covid-19.
Mặt khác, dự thảo cũng đề ra mục tiêu ổn định chuỗi cung ứng các tỉnh, thành khu vực Nam sông Hậu và khu vực lân cận, nhất là các loại hàng hoá và dịch vụ y tế; tạo thuận lợi cho di chuyển an toàn, trật tự của người lao động.
Thúc đẩy giữa các địa phương về giao thông, đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Liên quan đến ý tưởng liên kết nêu trên, trao đổi với KTSG Online, TS Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, cho rằng những công việc như phòng chống dịch, phát triển kinh tế không thể “đóng khung” trong ranh giới hành chính tỉnh, mà phải phối hợp liên tỉnh, liên vùng mới mang lại hiệu quả.
Theo ông, vấn đề liên kết, phối hợp đã được đặt ra từ rất lâu giữa các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chứ không phải bây giờ mới nêu ra (như ý tưởng của bảy địa phương vùng Nam sông Hậu-PV). “Phòng chống dịch là “chỉ dấu” càng chứng minh thêm sự cần thiết phải tăng cường liên kết vùng”, ông nói.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp, vấn đề đặt ra, đó là liên kết cái gì, nội dung, trách nhiệm ra sao, cơ chế như thế nào, chứ bàn rồi mạnh ai nấy làm cũng không mang lại hiệu quả - vốn là một thực tế đã không ít lần diễn ra trong câu chuyện liên kết vùng ở ĐBSCL.
Nếu bàn sâu vấn đề phòng chống dịch, theo ông, Nghị quyết 128 của Chính phủ (Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19- PV) đã ban hành, thì lấy đó làm chuẩn. Trong đó, yêu cầu đầu tiên là việc đi lại phải thông suốt, bao gồm đi lại của người dân cũng như vận chuyển hàng hoá. “Liên kết, tức phải có nội dung, có trục xương sống bám vào mới phân công phân vai được”, ông nói.
Theo ông Hiệp, mỗi nơi quy định, áp dụng một kiểu, thì không thể nào có liên kết được. “Câu chuyện Cần Thơ vừa rồi thể hiện rất rõ, quy định "đổi tài, sang xe" khi vào thành phố, trong khi các địa phương khác không áp dụng”, ông dẫn chứng.
Ông Võ Hùng Dũng, nguyên Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, đánh giá cao ý tưởng liên kết của 7 địa phương khu vực Nam sông Hậu.
Theo ông, ngay khi chưa có dịch bệnh, chuyện liên kết đối với vùng ĐBSCL cũng đã rất cần thiết, nhưng thực tế thời gian qua “nói nhiều làm rất ít”. “Họp để đưa ra ý kiến rồi thống nhất cùng nhau thực hiện sẽ tốt hơn so với mỗi nơi làm một kiểu”, ông nói.
Ông Dũng cho rằng, vùng ĐBSCL chỉ khoảng 18 triệu dân nhưng chia cắt ra 13 địa phương và mỗi nơi làm một kiểu là cực kỳ khó khăn. “Đi lại, các chuỗi liên kết đều là liên kết vùng, thậm chí cả nước, chứ không riêng từng tỉnh, cho nên, tỉnh này làm, tỉnh kia rào lại thì doanh nghiệp "chết" ngay, tức nền kinh tế sẽ lâm nguy", ông Dũng nói.
Chính vì vậy, có cơ chế thông suốt giữa các địa phương sẽ giúp kinh tế trôi chảy, kể cả chuyện bán hàng, giúp doanh nghiệp thực hiện một số chiến lược. Tuy nhiên, cấp thiết vẫn là giải quyết vấn đề lưu thông. “Thực chất liên kết là vận chuyển, thứ hai nữa là tiêu thụ hàng hoá và thứ ba là các chiến lược phát triển”, ông Dũng nói thêm.
Theo ông Dũng, yêu cầu trước mắt là thảo luận chuyện hậu covid-19, bởi không giải quyết được hậu Covid-19 thì nền kinh tế của vùng sẽ rất khó khăn. “Vừa qua, tình trạng ngăn sông cấm chợ, ngăn cách giữa các địa phương làm tôi thật sự rất buồn”, ông nói.
Còn hiện tại, sau khi Chính phủ có Nghị quyết 128 nhưng việc di chuyển giữa các địa phương vẫn còn vất vả. “Chuyện như vậy không lớn lắm mà còn chưa giải quyết được thì còn gì mà bàn tới chuyện tương lai, chuyện lớn”, ông nói và cho rằng bây giờ đã có ý tưởng thì nên cùng nhau làm cho được chuyện đi lại trước.
Sau bài toán đi lại, tiếp đến là bài toán tiêu thụ và những chiến lược hợp tác dài hơi hơn cho vùng. “Ví dụ, vừa rồi có tập đoàn Ấn Độ muốn sang Việt Nam đầu tư khu công nghiệp chuyên về dược, lập tức có cả chục tỉnh đi chào mời, nhưng họ rất chán khi nhân lực của tỉnh không đủ làm chuyện đó”, ông dẫn chứng.
Qua câu chuyện nêu trên, theo ông Dũng, thay vì cạnh tranh nhau thì hợp lực chọn ra một nơi có thể làm khu công nghiệp dược. “Địa phương này làm khu công nghiệp dược, địa phương khác có thể làm khu công nghiệp về gỗ, về nhựa..., chẳng hạn vậy, tức khi tỉnh nào có sáng kiến khởi phát thì đưa ra mời các địa phương khác cùng tham gia đóng góp, thảo luận nhằm tận dụng nguồn lực, tạo liên kết phát triển tốt nhất giữa các địa phương”, ông nói.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng vùng ĐBSCL có đặc thù sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu là liên vùng, do đó họp cũng là cần thiết nhưng cần phải chấp hành nghiêm nghị quyết của Chính phủ, không được tự ý đưa ra quy định riêng, như vậy vấn đề đi lại, lưu thông hàng hoá mới được giải quyết.