(KTSG) - Ngày 20-9-2021, World Intellectual Property Organisation (WIPO - Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới) đã đưa ra báo cáo năm 2021 về chỉ số đổi mới sáng tạo của 132 nước trên thế giới, cũng là những nước thành viên của tổ chức này.
Theo báo cáo này, Việt Nam đứng thứ 44, ngay sau Thái Lan (43), và trước một số nước như Nga, Hy Lạp. So với chỉ số đạt được vào năm 2019 và 2020 (thứ 42), thì hiện Việt Nam đã tụt hai bậc trong năm 2021.
Cũng theo báo cáo này, nếu như Việt Nam chỉ đứng thứ 10 trong khu vực, thì so với các quốc gia trong nhóm thu nhập trung bình thấp (lower middle-income), Việt Nam đang giữ vị trí số 1 về chỉ số sáng tạo, trên Ấn Độ và Ukraine.
Chỉ số sáng tạo thế giới được tính dựa trên hơn 80 tiêu chí, chia làm hai nhóm gồm nhóm đầu vào (nguồn lực con người, cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và phát triển, mức độ phát triển của thị trường, mô hình kinh tế...) và nhóm đầu ra (khả năng sáng tạo, kiến thức và công nghệ). Chỉ số này giúp cho thấy năng lực sáng tạo của các nền kinh tế trên thế giới một cách bao trùm hơn, thay vì cách tính “truyền thống” như số lượng bài báo xuất bản, số lượng bằng sáng chế, thể hiện mức độ nghiên cứu và phát triển cụ thể của một quốc gia.
Hiện nay, theo báo cáo này, Thụy Sỹ, Thụy Điển và Mỹ vẫn là ba quốc gia dẫn đầu thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo. Tiếp theo đó là Anh và Hàn Quốc. Thụy Sỹ đã giữ vị trí này trong vòng 11 năm liên tục, nhờ vào số lượng lớn bằng sáng chế đăng ký ở tầm quốc tế, cũng như số lượng bằng sáng chế trên đầu người.
Đất nước này đã xây dựng được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cực kỳ hiệu quả, dựa trên ba trụ cột là giáo dục chất lượng cao, đầu tư mạnh vào nghiên cứu và cơ sở hạ tầng hiện đại. Sự hợp tác, phối hợp hiệu quả giữa doanh nghiệp, startup với các trường đại học có tác động mạnh đến việc nhanh chóng biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm đưa vào thị trường.
Để Việt Nam đạt kết quả tích cực hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thì các giải pháp hỗ trợ nghiên cứu phát triển hay cải thiện môi trường kinh doanh phải mang tính đồng bộ và thống nhất hơn nữa.
Trong nhóm các nước đang phát triển, một số nước được coi là đạt được kết quả cao hơn trình độ phát triển, đó chính là Ấn Độ, Moldova và Việt Nam.
Khu vực Đông Nam Á, Đông Á và châu Đại Dương (SEAO) cũng được coi là một khu vực đặc biệt năng động trong hơn mười năm qua trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Có năm quốc gia và lãnh thổ châu Á lọt vào 15 nước dẫn đầu bảng, đó là Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông.
Những năm vừa qua, Việt Nam được cho là đã đạt được những kết quả khả quan về đổi mới sáng tạo, đặc biệt là có chỉ số “đầu ra” - kiến thức và công nghệ tương đối cao, chủ yếu là nhờ vào số lượng các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ vừa và cao, số lượng giấy chứng nhận ISO 9001, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm mang tính sáng tạo, số lượng sáng tạo ứng dụng điện thoại... cho dù số bằng sáng chế được đăng ký còn hạn chế.
Điểm yếu của Việt Nam còn nằm trong cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiếu đầu tư vào chất lượng giáo dục, vào nghiên cứu và phát triển, cũng như sự phối hợp, hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học còn vô cùng ít ỏi.
Nhìn ở góc độ khuôn khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có thể nói Việt Nam đã có nỗ lực thông qua các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ (chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất...) đã được áp dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ còn khiêm tốn. Cho tới tháng 11-2020, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, mới chỉ có 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong đó có 538 doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận, 36 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao, 800 doanh nghiệp sở hữu bằng bảo hộ sáng chế.
Giải thích tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng vì các doanh nghiệp công nghệ còn chưa được hỗ trợ đưa sản phẩm ra thị trường, thiếu sự kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) hay sự cạnh tranh của sản phẩm công nghệ nước ngoài...
Trong lĩnh vực bảo vệ quyền SHTT, hiện nay Việt Nam đã có một khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ và đạt “chuẩn” quốc tế, nhưng vấn đề chính lại nằm trong việc thực thi. Trên thực tế, các vụ vi phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều, và đặc biệt các startup chưa có nhiều kinh nghiệm để phản ứng khi có vi phạm. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng không mấy nhiệt tình đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam, cũng vì lý do thực thi luật còn kém hiệu quả.
Hiện nay, để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ, một số hoạt động sửa đổi luật đang được đề xuất, theo khuynh hướng tạo điều kiện thương mại hóa tài sản trí tuệ, nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT, đơn giản hóa hơn nữa thủ tục đăng ký bảo hộ.
Nhìn chung, để Việt Nam đạt kết quả tích cực hơn nữa trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thì các giải pháp hỗ trợ nghiên cứu phát triển hay cải thiện môi trường kinh doanh phải mang tính đồng bộ và thống nhất hơn nữa. Nếu như chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2021 tiếp tục cho thấy Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển trong lĩnh vực công nghệ, thì rõ ràng là cần nhiều nỗ lực hơn để bứt phá trong lĩnh vực này.