Thứ năm, 21/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Công nghệ giúp doanh nghiệp tại khu CNC TPHCM thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả trong tình hình mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sáng 17-10-2021, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM kết hợp cùng Ban quản lý Khu công nghệ cao cùng Chi hội doanh nghiệp khu Công nghệ cao Thành phố và FPT Software đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả trong tình hình mới”. 

Hội thảo có sự tham gia của bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, bà Lê Bích Loan - Phó ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cùng đại diện cấp cao của hơn 40 doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao.

Hội thảo “Giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả trong tình hình mới” là diễn đàn để Sở Thông tin & Truyền thông thành phố chia sẻ cùng các doanh nghiệp về việc “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kiểm soát, thích ứng an toàn cho các hoạt động, sản xuất, kinh doanh”.

Đồng thời Sở nêu lên chủ trương và các biện pháp thích ứng linh hoạt duy trì sản xuất cho các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng trao đổi kinh nghiệm, giải pháp phòng chống dịch trong thời gian vừa qua tới hiện tại, đồng thời đưa ra đóng góp, đề xuất mong muốn với ban quản lý khu Công nghệ cao cùng sở ngành của chính quyền thành phố. Bốn doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm tại hội là HPT, FPT Software HCM, Intel và Datalogic.

Các đại diện doanh nghiệp đề xuất đẩy nhanh 2 việc. (1) Thành phố thúc đẩy chia sẻ dữ liệu y tế dùng chung cho doanh nghiệp. Thông tin giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chống dịch sát nhất thực tế. (2) Công bố quy trình xử lý với F0, F1 của thành phố để doanh nghiệp linh động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đề xuất số hai được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đề xuất với Sở Thông tin & Truyền thông trong hội thảo.

Phát biểu trong Hội thảo, bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ 1-10, TPHCM thực hiện Chỉ thị 18 với nhiều quy định nới rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nên ứng dụng mã QR dành cho doanh nghiệp, tổ chức là một trong những giải pháp cần thiết. TP.HCM chuẩn bị ban hành Bộ tiêu chí đánh giá an toàn doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp làm cơ sở lập phương án xử lý dịch nếu có ca mắc và từ cơ sở dữ liệu mà Sở TT-TT chia sẻ, doanh nghiệp có thể phát triển các ứng dụng chuyên sâu cho phòng chống dịch riêng của từng doanh nghiệp, tổ chức.

Bà Võ Thị Trung Trinh (góc trên cùng bên phải) cùng các đại diện ban quản lý Khu CNC, doanh nghiệp tại hội thảo trực tuyến.

Về việc xử lý F0, F1, bà Trinh cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp trong thời điểm này cần có các chiến lược cụ thể đúng đắn. Khi có F0, các doanh nghiệp cần bình tĩnh, và nên kết hợp với các cơ sở y tế gần nhất.

Trong thời gian tới, “Khu thu dung điều trị Covid-19 khu công nghệ cao” sẽ được khai trương để xử lý và điều trị F0 một cách an toàn, hạn chế tối đa lây lan trong doanh nghiệp trong khu công nghệ cao.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng, mỗi doanh nghiệp thực sự là một pháo đài thích ứng với Covid. Nhà nước trao quyền cư trú và quyền tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp chủ động sản xuất theo phương án sản xuất an toàn, phải có sự cam kết lãnh đạo cao nhất, phải truyền thông đến người lao động để họ có khả năng phòng vệ cao nhất. Đặc biệt, doanh nghiệp cần phải trang bị khí tài đó là ứng dụng công nghệ để hỗ trợ cho việc kinh doanh và phòng chống dịch hiệu quả.

“Ban Quản lý CNC sẽ thực hiện hậu kiểm để hướng dẫn và củng cố các giải pháp và phương án sản xuất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sau khi nhận hướng dẫn mà vẫn vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh”, ông Thi cho biết.

Hiện tại, để đáp ứng với tình hình thực tế, tất cả các doanh nghiệp tại khu công nghệ cao đều có những phương án sản xuất riêng của mình và bắt đầu đưa nhân viên của mình quay lại văn phòng làm việc theo lộ trình “an toàn”. Các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định, hướng dẫn của nhà nước, Bộ Y Tế và của khu công nghệ cao như việc thực hiện 5K, test theo quy định, trang bị cơ sở vật chất y tế cho nhân viên: dụng cụ đo nhiệt kế, bộ test nhanh, việc phân chia và giãn cách khi làm việc, ứng dụng công nghệ…

Đặc biệt, FPT Software HCM là một trong số những công ty áp dụng rất nhiều ứng dụng công nghệ trong việc vận hành, phòng chống dịch như: ứng dụng MyFPT thu thập và quản lý dữ liệu giúp kiểm soát check-in và lộ trình nội khu của nhân viên, Camera AI nhận diện khuôn mặt giúp giám sát và phát hiện những sai phạm về quy định phòng chống Covid 19, Ứng dụng UTop thanh toán không tiền mặt giảm tiếp xúc tối đa trong công ty…

Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết diễn đàn là một hoạt động quan trọng và cấp thiết đối với các doanh nghiệp, nhất là tại thời điểm này, khi TPHCM đang trong quá trình thay đổi và thích nghi với Covid -19.

Việc kiểm soát, thích ứng an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TPHCM được thực hiện trên cơ chế điều hành phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch hiện nay với sự hỗ trợ của công nghệ: Ứng dụng Y tế HCM, Cổng thông tin An toàn COVID, Mã QR xanh, Hệ thống quét mã MR và kiểm soát các điểm ra vào. Cơ chế này được vận hành dựa trên thông tin, dữ liệu được thu thập, khai báo từ người dân và tổ chức.

Theo đó, mỗi người dân hoặc tổ chức được phép hoạt động dựa trên 2 thông tin: Mã QR xanh của người dân/tổ chức và Mức độ mở cửa của xã hội của TPHCM (có thể chi tiết đến khu vực).

Hệ thống hỗ trợ cơ quan Quản lý Nhà nước cho phép và kiểm soát tuân thủ thực thi của người dân và tổ chức. Khi có ca F0 xử lý theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đồng thời, hệ thống gửi thông tin đến các đơn vị có lịch sử điểm đến của F0. Mã QR Xanh của người dân và tổ chức sẽ chuyển sang trạng thái “cần kiểm tra yếu tố dịch tễ”.

Kết quả sau hơn hai tuần triển khai đến nay, TPHCM đã bước đầu kiểm soát tình hình dịch bệnh bằng hai dữ liệu: số ca nhiễm hàng ngày và tử vong đều đã giảm mạnh. Kết quả thống kê đến hết ngày 16-10 tại TPHCM đã có 650.000 người sử dụng Ứng dụng Y tế, 62.240 mã QR được cấp cho tổ chức và 58,6 triệu lượt quét mã QR và KBYTE.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới