Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Lo lắng về ‘thịnh vượng chung’, giới nhà giàu Trung Quốc chuyển ưu tiên từ kiếm tiền sang giữ tiền

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cuộc vận động thịnh vượng chung của Trung Quốc nhằm tái phân phối của cải công bằng trong xã hội đang khiến giới nhà giàu ở nước này mất ăn, mất ngủ. Nhiều người trong số họ xóa tài khoản mạng xã hội để tránh bị chú ý cũng như chuyển tài sản đến những nơi an toàn để đề phòng các đợt trấn áp mới của Bắc Kinh, thay vì tìm kiếm các cơ hội đầu tư để gia tăng trị giá tài sản.

Một người dân nghèo nhặt phế liệu tại một công trình bị phá dỡ ở ngoại ô của thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Giới chức trách trấn an rằng cuộc vận động thịnh vượng chung không nhằm “tước đoạt tài sản của người giàu”, nhưng các nỗ lực ngày càng mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đang gây báo động đối với tầng lớp thượng lưu - Ảnh: Asia Times

Bất an trước cuộc vận động thịnh vượng chung

Trong nhiều năm qua, tầng lớp thượng lưu Trung Quốc được hưởng lợi nhờ đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của đất nước và lập trường thoải mái của nhà nước đối với việc tích lũy tài sản cá nhân. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tạo ra một tỉ phú mới mỗi tuần vào năm 2021, nâng tổng số tỉ phú ở Trung Quốc lên con số hơn 750 - nhiều hơn số tỉ phú Ấn Độ, Nga và Đức cộng lại và chỉ đứng sau Mỹ, theo Chỉ số tỉ phú Bloomberg.

Giờ đây,  giới nhà giàu của Trung Quốc đã chuyển sang trạng thái phòng thủ khi họ đặt trọng tâm vào việc bảo vệ tài sản thay vì kiếm tiền. Các quan chức đã trấn an rằng cuộc vận động thịnh vượng chung không nhằm “tước đoạt tài sản của người giàu”, nhưng các quỹ quản lý tài sản nói rằng các nỗ lực ngày càng mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc đang gây báo động đối với tầng lớp thượng lưu.

Trọng tâm của mối lo lắng của họ là sự không chắc chắn về việc những lời kêu gọi mạnh mẽ về tái phân phối của cải sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong thực tế và mục tiêu tiếp theo của chiến dịch thúc đẩy thịnh vượng chung. Cho đến nay, Bắc Kinh đã áp đặt các giới hạn kinh doanh và phương thức hoạt động đối với một loạt ngành công nghệ, khiến các tỉ phú giàu nhất Trung Quốc, những người đang chèo lái các tập đoàn công nghệ lớn nước phải gia tăng các hoạt động từ thiện mà Bắc Kinh xem là một hình thức tái phân phối của cải. Theo thống kê của Bloomberg, từ đầu năm nay đến cuối tháng 8, 7 tỉ phú của Trung Quốc đã cam kết hiến tặng số tiền kỷ lục 5 tỉ đô la Mỹ, cao hơn 20% tổng số tiền làm từ thiện của các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2020.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang cân nhắc áp dụng thuế bất động sản với mức thuế được dự báo khoảng 0,7% mỗi năm ở các khu vực đô thị. Đây là nỗ lực vừa giúp tăng nguồn thu ngân sách vừa giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản, khiến giá nhà đắt đỏ, vượt xa tầm với của những người dân có mức thu nhập thấp và trung bình.

Echo Zhao, đối tác tư vấn cho giới siêu giàu tại hãng Shanghai SF, cho biết: “Cách đây vài năm, mọi người chỉ quan tâm đến cách đầu tư. Giờ đây, họ không còn háo hức để nắm bắt cơ hội”

Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng ngày càng gia tăng, tất cả các cố vấn tài chính mà Bloomberg phỏng vấn đều yêu cầu được giấu tên do đây chủ đề này cực kỳ nhạy cảm.

Tránh gây chú ý trên mạng xã hội

Các nhà quản lý tài sản cho biết, giới nhà giàu Trung Quốc đang cố gắng tránh sự chú ý không mong muốn, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông xã hội. Trong năm qua, cộng đồng mạng hùng hậu ở Trung Quốc đã sử dụng các bài đăng trên các mạng xã hội để chỉ trích những người nổi tiếng, nhà khoa học hoặc bất kỳ ai khác được coi là không trung thành với đất nước. Họ thường được giới chức trách khuyến khích làm như vậy, nếu không được nói là kêu gọi một cách rõ ràng.

Tỉ phú Wang Xing, người sáng lập công ty giao đồ ăn lớn nhất Trung Quốc Meituan,  mất 2,5 tỉ đô la do giá cổ phiếu của Meituan giảm mạnh sau khi một bài viết khó hiểu của ông trên mạng xã hội được cư dân mạng xem là thông điệp chỉ trích chính phủ. Nữ diễn viên nổi tiếng Trịnh Sảng bị điều tra vì trốn thuế và bị tòa án yêu cầu bồi thường 299 triệu nhân dân tệ (46 triệu đô la) sau khi vụ bê bối thuê người mang thai hộ của cô gây ra làn sóng lên án và tẩy chay trên mạng xã hội.

Một cố vấn tài chính ở Hồng Kông cho biết các khách hàng Trung Quốc đang ngày càng rời xa các mạng xã hội bao gồm Weibo, một nền tảng tương tự như Twitter. Họ cũng từ chối các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông và chuyển các khoản đóng góp từ thiện thông qua các công ty của họ để tránh sự chú ý quá mức.

Chuyển tài sản đến nơi an toàn

Cách đây không lâu, không có gì lạ khi những người giàu nhất Trung Quốc biết trọng lượng chính xác, tính bằng kg, của 1 triệu nhân dân tệ tính theo đô la Hồng Kông. Điều này phản ánh thực tế phổ biến của việc chuyển tiền mặt qua biên giới Hồng Kông. Các biện pháp kiểm soát chuyển vốn chặt chẽ của Trung Quốc chỉ cho phép người dân chuyển tối đa ra nước ngoài số tiền tương đương 50.000 đô la Mỹ mỗi năm. Vi vậy, từ lâu, giới nhà giàu Trung Quốc đã tìm ra các giải pháp đường vòng để chuyển tài sản ra nước ngoài.

Tuy nhiên, các quy định mới và đại dịch Covid-19 đã khiến các phương thức lòn lách để chuyển tiền ra nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Chính sách đóng cửa biên giới và kiểm dịch đã hạn chế các cơ hội xuất cảnh của giới nhà giàu Trung Quốc, dù họ có mang theo các vali đầy tiền mặt hay không. Gần đây, Bắc Kinh cũng cấm người dân giao dịch tiền điện tử, vốn là một cách thức mới được sử dụng phổ biến để chuyển tiền ra nước ngoài.

Điều đó dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với dịch vụ chuyển tiền chui nhưng chi phí cũng tăng tương ứng. Thông thường, dịch vụ này được thực hiện thông qua mạng lưới dân kinh doanh, cho phép một người A chuyển tiền cho một người B đang ở trong nước, rồi người B sẽ chuyển số tiền đương đương từ tài khoản của mình ở nước ngoài sang tài khoản của người A ở nước ngoài.

Gửi gắm tài sản vào quỹ tín thác

Hiện tại, Trung Quốc không đánh thuế tài sản thừa kế nhưng giới nhà giàu ở nước này cho rằng việc áp dụng thuế này chỉ là vấn đề thời gian. Điều này làm dấy lên lo ngại cho các quỹ tín thác gia đình, với cấu trúc được thiết kế được chuyển, chia và bảo vệ tài sản giữa các thành viên trong gia đình. Được thành lập cách đây gần 1 thập kỷ, các quỹ này quản lý số tài sản trị giá hơn 10 ngàn tỉ nhân dân tệ (1.600 tỉ đô la), theo ước tính của Ngân hàng Thương nhân Trung Quốc. Nhưng vẫn chưa rõ các quỹ này giúp bảo vệ tài sản cho các gia đình giàu có ở mức độ nào vì chúng còn rất mới, theo một nhà quản lý quỹ tín thác gia đình, có trụ sở tại Bắc Kinh.

Peter Ch’ng, quản lý mảng khách hàng tư nhân và ở châu Á của hãng Conyers cho biết khi các tín quỹ gia đình ở trong nước không bảo đảm bảo vệ tài sản, giới nhà giàu Trung Quốc  đang quan tâm đến các quỹ tín thác ở nước ngoài. Các tín tín thác đăng ký ở Quần đảo Cayman, Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh và những nhiều nơi khác đang giúp bảo vệ tài sản tài chính của khách hàng khỏi các thách thức pháp lý từ các chính quyền nước ngoài.

Adrian Zuercher, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu tại Văn phòng đầu tư thuộc Công ty UBS Global Wealth Management, cho biết đối với các nhà đầu tư trong nước của Trung Quốc, cuộc vận động thúc đẩy thịnh vượng chung gây bất ổn. Ông nói: “Chúng tôi thận trọng đối với các lĩnh vực ít mang tính chiến lược và khuyên khách hàng xem xét đầu tư vào năng lượng tái tạo và xe điện, những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi do chính sách của Bắc Kinh đang tập trung vào sáng tạo và công nghệ xanh”.

Các cố vấn tài chính khác khuyên các khách hàng giàu có ở  Trung Quốc tăng cường đầu tư ra nước ngoài. Ở Trung Quốc,  danh mục đầu tư của nhiều nhà đầu tư được phân bổ quá mức cho các công ty trong nước. Các sàn giao dịch của Trung Quốc chiếm khoảng 10% vốn hóa thị trường chứng khoán toàn cầu, nhưng một ngân hàng tư nhân toàn cầu ước tính rằng các khách hàng Trung Quốc của họ “nắm giữ khoảng 30% đến 50% tài sản của họ ở thị trường nội địa”.

Đầu tư ra nước ngoài cũng có thể được coi là biện pháp phòng thủ những cú sốc kinh tế trong nước hoặc cơn hỗn loạn đang tiếp tục diễn ra trên thị trường bất động sản của Trung Quốc, nơi gửi gắm đến 70% trị giá tài sản của các hộ gia đình thành thị.

Theo Bloomberg

1 BÌNH LUẬN

  1. Công bằng trước, thịnh vượng chung sau. Đó là công thức phát triển tất yếu của mọi nền kinh tế theo định hướng bền vững. Nếu không chú ý đến công bằng, bình đẳng về cơ hội phát triển cho mọi người thì cũng sẽ không có cơ hội thịnh vượng. Cũng như việc áp dụng “cơ chế đặc thù” đối với một số địa phương tỉnh thành phố ở nước ta hiện nay, nếu không cẩn thận sẽ tạo ra mô hình nhấp nhô, bất bình đẳng giữa các vùng miền. Việc áp dụng cơ chế chính sách công khai bình đẳng, khuyến khích nỗ lực tự thân phát triển của từng địa phương là quan trọng nhất, từ đó khai thông nguồn lực sáng tạo từ cơ sở, làm giàu một cách chính đáng và bền vững, xóa bở tư tưởng bao cấp/ xin cho, đó là thứ tàn dư tồi tệ nhất của hệ thống quản lý quan liêu, cửa quyền và lạc hậu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới