Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung tâm lưu trữ tài sản trí tuệ vô giá

Ngọc Trân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Khi có lệnh giãn cách, ai ở đâu ở yên đó, cánh cửa không rộng của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II ở TPHCM được đóng khít lại. Những nhà nghiên cứu thật sự, những người ham tìm hiểu chuyện đời xưa đành ở nhà mà đọc và viết với những gì đã thu thập khi ngồi trong phòng đọc thênh thang, yên tĩnh, chỉ nghe tiếng máy lạnh chạy rì rì của trung tâm này.

Việc lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia II được làm tương đối tốt. Thật cảm động: bên cạnh những tài liệu in ấn còn có nhiều tài liệu viết tay, chữ vẫn rõ ràng. Đó là những tài liệu của thời kỳ Pháp đô hộ miền Nam Việt Nam. Có thể tra cứu qua mạng máy tính tại chỗ, không tra qua mạng từ nhà được, và chẳng có tài liệu nào được lên Internet.

Hiện giờ, nhiều thư viện lớn ở Pháp đã đưa khá nhiều tài liệu về Việt Nam lên mạng toàn cầu; thư viện của những trường đại học Mỹ, Úc, Anh hay Canada… cũng thế. Và đương nhiên là Google. Họ đều cho đọc miễn phí qua mạng. Nếu muốn bản sạch đẹp, họ làm riêng để cung cấp, với giá vừa phải. Đó là chưa kể đến những nơi chuyên bán sách đời xưa, trong đó có nhiều sách của các tác giả Pháp viết về Việt Nam, nhưng giá không dễ chịu cho lắm!

Mặt tiền Trung tâm Lưu trữ quốc gia II ở đường Lê Duẩn, TPHCM. Ảnh: Ngọc Trân

Như tờ báo đầu tiên

Trước thời giãn cách vừa qua, tôi đang đọc dở phần đầu những bản tin được in thành nhiều tập sách của đội quân xâm lược thực dân Pháp chiếm đóng Sài Gòn và một số tỉnh miền Nam. Chúng giống như công báo xuất bản trong những năm 1862, 1863 và sau đó nữa, do trung tâm lưu trữ được. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chính từ đó mà xuất hiện báo chí ở miền Nam và Việt Nam; thậm chí, xem chúng như những số báo đầu tiên của Việt Nam.

Đã chọn lọc, nhờ thủ thư trung tâm sao chụp cho một ít, nhưng rồi giãn cách. Trước đó, họ đã kịp sao chụp cho tôi toàn bộ cuốn “La Naissance et les premières années de Saigon ville française” - “Sự hình thành và những năm đầu của Sài Gòn đô thị kiểu Pháp” của Jean Bouchot.

Khi ngồi trong phòng đọc của trung tâm, tôi được một người thủ thư đưa cho một con dao rọc giấy và đã cẩn thận rọc một số trang của cuốn sách đó ra. Dường như, từ khi xuất bản vào năm 1927, được lưu trữ, cho đến lúc tôi lần giở những trang giấy ố vàng, không ai đọc nó cả!

Đã đọc, ghi chép, tóm tắt, tìm thêm tài liệu để soi sáng những thông tin trong sách. Giờ lại tiếp tục làm công việc đó, có thể gọi là “tổng thuật”. Mà ở nhà.

Xã hội hiện đại đi nhanh quá khiến con người mau chóng quên quá khứ. Nhưng một số người cứ chậm rãi lần giở lại lịch sử, dẫu đó giống như một giấc mộng dài. Khi tỉnh giấc, những gì đọng lại chỉ là ký ức. Thật ra, ký ức chẳng phải không ích lợi gì. Đối với tôi, qua đó, ôn lại tiếng Pháp cũ, thêm những hiểu biết mới. Thấy cả cái ẩu của một số nhà nghiên cứu được cho là “ghê gớm”.

Một người đậu tiến sĩ ở Đại học Sorbonne, Paris, mà cũng ẩu! Không đọc các bản gốc, nhưng cứ làm như đã đọc đầy, đọc đủ - đến cái tên của bản tin chính thức của đội quân viễn chinh Pháp tới Nam kỳ viết cũng sai, không chỉ một lần. Luận án về lịch sử báo chí Việt Nam của ông ấy được dịch ra tiếng Việt - có đoạn xem như dịch tài liệu gốc tiếng Pháp cũng sai luôn! Thế mà nó lại được đưa vào hệ thống giáo trình đại học; gần đây còn được một số nhà nghiên cứu khác trích dẫn. Những cái sai do kém cỏi hay do cố ý của vị tiến sĩ này đã truyền đời…

Trên thực tế, mọi vết thương của những thời kỳ đất nước bị xâm lược có thể phần nào được chữa lành với chính sức mạnh của sự thật lịch sử, chứ không thể bằng cách viết, dịch sao cho phù hợp với ý đồ của riêng mình...

Mặc dầu sự tàn bạo của thực dân Pháp là không thể chối cãi - thế lực xâm lược nào chẳng thế - nhưng họ đã đưa Việt Nam vào thời đại công nghiệp; dẫu chủ yếu để khai thác tài nguyên thuộc địa. Họ cũng để lại những dấu ấn sâu sắc trong nhiều lĩnh vực của đời sống Việt Nam. Từ ngôn ngữ, giáo dục qua văn học nghệ thuật cho tới kiến trúc. Những gì họ vẽ nên, xây dựng ra đã thành một phần không thể thiếu của kiến trúc Việt Nam. Đặc biệt, qua đó, họ đã biến Sài Gòn thành “Hòn ngọc Viễn Đông”…

Sài Gòn thuở ban đầu

Đọc sách của Jean Bouchot như thấy hiện lên hình hài buổi ban đầu của Sài Gòn. TPHCM hôm nay nhiều thay đổi, tuy nhiên, những nét lớn của thời xưa cũ đó vẫn còn đây, đặc biệt là khu trung tâm.

Ông tác giả người Pháp tự nhận mình là “công dân xứ Nam kỳ”. Vậy nên ông đã dốc công sức và hình như cả tâm can mà viết về Sài Gòn. Nhưng nên lưu ý, dù sao ông ấy cũng là một nhà nghiên cứu Pháp của thời ấy, với cái nhìn của một thực dân sinh sống tại một xứ thuộc địa.

Ý chung nhất của tài liệu 80 trang này là một thành phố Sài Gòn hiện đại đã hình thành với sự xuất hiện của người Pháp, ngay sau khi đội quân xâm lược Pháp chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ: Gia Định, Biên Hòa, và Định Tường (Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp ngày nay).

Trung tâm Lưu trữ quốc gia II còn biết bao nhiêu là tài liệu gốc của thời miền Nam thuộc Pháp, nằm trong bộ sưu tập mang tên “Phông phủ Thống đốc Nam kỳ”. Có thể kể ra đây: hệ thống hành chính, bưu chính viễn thông, việc tổ chức sản xuất công nghiệp lẫn nông nghiệp; việc xây dựng các công trình, mở đường xe điện và xe lửa…

Về đường xe điện và xe lửa, do TPHCM đang thi công tuyến metro đầu tiên (tiếp tục trễ hẹn vì đại dịch Covid-19, có thể đến cuối năm 2023 mới chạy thử), nên tôi đã tìm hiểu về những gì người Pháp từng làm thời đó. Và bắt gặp tài liệu này: “L’Historique de chemin de fer de Saigon - My Tho” - “Lịch sử đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho”. Nó được đánh máy, do một người lái tàu chỉ ghi tên mình là Bérard, soạn thảo. Trong tài liệu, ông đề cập cả đến dự án đường sắt nối Sài Gòn với Phnôm Pênh nhưng bị hủy bỏ. Rõ ràng tham vọng cao nhưng tiền thấp!

Đối với đường sắt, trung tâm còn lưu trữ những tài liệu về các tuyến xe điện trong thành phố lúc bấy giờ như tuyến chạy từ trung tâm Sài Gòn đến Gò Vấp.

Một chuyện thú vị liên quan đến tuyến trên: từng có một dự án xe điện do ngựa kéo. Cuối cùng, nó đã không được thực hiện. Ngày nay hẳn không mấy ai biết đến chuyện này. Dự án tuyến trung tâm Sài Gòn - Gò Vấp cũng từng bốn lần đổi chủ đầu tư. Rồi trở thành một dự án tàu điện với đầu kéo cơ khí như các tuyến tàu điện khác trên địa bàn thành phố thời đó: Sài Gòn - Chợ Lớn (hai tuyến)...

Để các thay đổi được chấp nhận, thiệt tình thấy lắm nhiêu khê. Phải trình nhà cầm quyền đủ loại hồ sơ, trong đó có “Yêu cầu gia hạn nhượng quyền các tuyến Sài Gòn - Gò Vấp và Sài Gòn - Chợ Lớn trong những năm 1982-1899”.

Chẳng biết hồi đó có phải “bôi trơn” không nhỉ?

Sớm toàn cầu hóa

Trong số tài liệu đọc được, còn có “Báo cáo về cuộc khủng hoảng thương mại Sài Gòn năm 1929”. Cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ Mỹ - “Đại suy thoái” - rồi lan rộng ra toàn thế giới, đến cả một thành phố thuộc địa xa xôi của Pháp như Sài Gòn. Như thế, thành phố này quả đã được toàn cầu hóa khá sớm bởi đã kết nối với kinh tế Mỹ và Pháp; chắc chắn là với một số kinh tế khác của thế giới nữa. Một đề tài nghiên cứu thú vị.

Theo ông Nguyễn Văn Báu, một nhà nghiên cứu, tài liệu từ “Phông phủ Thống đốc Nam kỳ” có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu sâu về quá trình xâm lược và quản lý Việt Nam của thực dân Pháp.

Những tài liệu này còn có thể giúp các nhà nghiên cứu thêm nhận định phản biện về chính sách khai thác thuộc địa, hội nhập văn hóa, ngoại giao, quân sự... và những hoạt động khác của chính quyền thực dân Pháp, chủ yếu ở miền Nam Việt Nam, trong gần một thế kỷ. Tức là từ năm 1858-1954.

Trong số các tài liệu của “Phông phủ Thống đốc Nam kỳ”, có những tài liệu với nội dung khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từng do chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam quản lý hành chính. Điều này có nghĩa bây giờ chúng thuộc quyền quản lý của Chính phủ Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hiểu, cán bộ nghiên cứu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, trung tâm là một trong bốn trung tâm lưu trữ của Việt Nam hiện nay. Và trong số các kho tài liệu khác nhau, chỉ có “Phông phủ Thống đốc Nam kỳ” là kho có nhiều tài liệu, và quan trọng nhất trong số 26 phông - kho còn lưu lại được từ thời Pháp thuộc, đồng thời là kho tài liệu dồi dào tài liệu nhất của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Vẫn theo bà, “có thể nói các tài liệu của Phông phủ Thống đốc Nam kỳ đều là những bản gốc, chuẩn xác, khách quan, đầy đủ và độc nhất vô nhị, đặc biệt là những văn bản viết tay. Và những công trình nghiên cứu về Nam kỳ, Việt Nam cùng các nước Đông Nam Á sẽ có nhiều lỗ hổng nếu các nhà nghiên cứu không sử dụng những tài liệu này”.

Một nhân viên của Trung tâm Lưu trữ quốc gia II cho biết tài liệu tại đây, đọc cả đời cũng không hết. Cô ấy nói thêm rằng mình mong muốn được thấy nhiều người quan tâm đến các phông, tức các kho tài liệu lưu trữ, một loại tài sản trí tuệ, ở nơi này.

Rõ là không nhiều người lui tới trung tâm cho lắm. Phòng đọc gắn máy lạnh rộng lớn với chín máy tính (để định vị tài liệu) và hơn 50 chỗ ngồi của trung tâm không bao giờ kín chỗ. Mỗi lần đến đây, đều thấy chưa đến mười người đang cúi xuống những tài liệu, bao gồm cả nhiều tài liệu đã ngả màu rất vàng, thậm chí rìa bị rách - một dấu hiệu của thời gian...

Tôi đã chụp hình bìa một số tài liệu gốc, nhưng chẳng thể trưng ra đây vì, theo quy định của trung tâm, là không được phép. Trong những tháng giãn cách vừa qua, cứ vài ngày thì lại mở hình ra xem, để hồi tưởng những lúc ngồi đọc sách và ghi chép trong phòng đọc thênh thang, yên tĩnh của trung tâm.

2 BÌNH LUẬN

  1. Lưu trữ có mục đích cuối cùng là phổ biến/ sử dụng chứ không phải là… của cất để dành. Có tài liệu lưu trữ thì mới giúp cho hậu thế thấu hiểu được lịch sử từ đó phác thảo được tương lai một cách đúng đắn. Một điều đáng tiếc là gần như ta chỉ mới công khai những tài sản lưu trữ quý giá của thiên hạ, nhất là thời thuộc Pháp, trong khi tài sản lưu trữ của ta mặc dù cũng quý giá không kém nhưng mức độ thông tin rất hạn chế, hoặc không được công khai nhiều. Tất nhiên, một mặt phải thán phục phong cách lưu trữ của người Pháp, đó là một trong những thứ đáng giá cần học hỏi từ chế độ thực dân. Nhưng mặt khác ta cũng phải chủ động đổi mới cung cách lưu trữ. Hội nhập lâu rồi, thế giới thay đổi nhiều lắm rồi, nhưng dường như lĩnh vực lưu trữ của ta vẫn cứ mãi như cũ ?

  2. Tại sao những tài liệu lưu trữ quý như vậy lại “không được phép” chụp ra? Sau bao nhiêu năm, các tài liệu này thuộc phạm vi công cộng rồi chứ có phải có bản quyền gì nữa đâu? Lưu trữ mà “không tra qua mạng từ nhà được, và chẳng có tài liệu nào được lên Internet” thì cuối cùng là để cho ai đọc?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới