Thứ hai, 16/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bộ KH-ĐT lưỡng lự trước đề nghị chuyển ACV về lại Bộ GTVT

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” trong đó có nhiều đột phá mới về cách thức quản lý, sở hữu, được Bộ Giao thông Vận tải trình lên Chính phủ và các bộ lấy ý kiến. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tỏ ra có nhiều lưỡng lự trước một số đề xuất trong đề án này.

Gần hai tháng trước, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có trình Chính phủ đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” nhằm đưa ra các giải pháp phân cấp và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào hạ tầng hàng không, giảm áp lực cho ngân sách. Đề án này được bộ đánh giá là phức tạp vì có liên quan đến quốc phòng và định hướng phát triển, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).

ACV hiện quản lý 21 cảng hàng không trên cả nước. Tổng công ty này chịu sự quản lý về tài chính của CMSC, với nhiều quy định đầu tư còn chưa dễ thực hiện. Ảnh: Sân bay quốc tế Nội Bài do ACV quản lý

Trong số các giải pháp để có thể thực hiện được đề án, ngoài việc phân định chức năng quản lý các cảng hàng không của ACV, cảng hàng không về cho địa phương… thì Bộ GTVT đề xuất “Nghiên cứu phương án chuyển vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại ACV từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về lại Bộ GTVT”. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh phân cấp, bước đầu thí điểm chuyển Cảng hàng không Cát Bi (Hải Phòng) về trực thuộc UBND TP Hải Phòng và Cảng hàng không Cần Thơ về trực thuộc Bộ GTVT quản lý, thay vì ACV quản lý tất cả như hiện nay.

Trong văn bản tham gia ý kiến phản hồi về đề án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho rằng đề xuất của Bộ GTVT về việc chuyển vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại ACV từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước về lại Bộ GTVT cần làm rõ căn cứ của phương án này.

Lý do được Bộ KH-ĐT đưa ra là Nghị quyết số 12/NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã yêu cầu khẩn trương thành lập một cơ quan chuyên trách của Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tách bạch quyền đại diện vốn nhà nước với quản lý chuyên ngành. Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29-9-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng quy định ACV là doanh nghiệp do ủy ban này trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.

Như vậy, sau hai lần đề xuất, phương án chuyển ACV về lại Bộ GTVT vẫn chưa thể thực hiện. Theo Bộ GTVT, sở dĩ bộ này muốn tiếp quản lại ACV là do mô hình quản lý hiện nay của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước có một số điểm bất cập về quản lý vốn.

Theo Bộ GTVT lý giải, từ cuối năm 2018, bộ này đã bàn giao sớm nhất quyền đại diện vốn chủ sở hữu tại 5 doanh nghiệp là Vietnam Airlines, Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Vinalines và ACV về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhằm tách bạch quyền quản lý vốn nhà nước và quyền quản lý chuyên ngành đối với các doanh nghiệp theo quyết định của Chính phủ.

Bộ GTVT kỳ vọng sau khi tách ra, các doanh nghiệp dưới sự quản lý của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng thực tế cho thấy, đồng vốn trong mô hình mới đã không phát huy được hiệu quả.

Các luật và quy định hiện hành chưa tính đến mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Khi doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư, tùy theo quy mô dự án mà Chính phủ hay Chủ tịch UBND các địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, Hội đồng thành viên của các doanh nghiệp phê duyệt dự án.

Các quy định hiện hành chưa cho phép Ủy ban Quản lý vốn nhà nước phê duyệt dự án. Hơn nữa, khi các doanh nghiệp đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước thì nhiều dự án sử dụng vốn ngân sách theo dự toán trước đây nay các bộ không thể giao trực tiếp được nữa.

Một khó khăn khác là các doanh nghiệp cũng không thể bỏ tiền tự thực hiện các dự án, kể cả trường hợp vốn của doanh nghiệp dồi dào (như trường hợp của ACV muốn cải tạo đường lăn, sân đỗ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất) vì các hạng mục hạ tầng khu bay, an toàn bay (đối với hàng không) và hạ tầng đường ray (đối với đường sắt) hiện vẫn do Nhà nước độc quyền quản lý và sử dụng ngân sách cấp phát để thực hiện duy tu, bảo dưỡng.

Một số trường hợp, vì lý do cấp bách, các dự án cải tạo hạ tầng hàng không không đủ thời gian đấu thầu nhưng chỉ định thầu hay giao vốn nhà nước tại Bộ GTVT cho doanh nghiệp cũng không được vì ACV không thuộc quyền Bộ GTVT quản lý. Do đó, nhiều dự án cải tạo hạ tầng hàng không có sẵn kinh phí nhưng vẫn nằm chờ các quy định chồng chéo mà Bộ GTVT và các doanh nghiệp như ACV, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam…không thể quyết được.

Hiện ACV quản lý 21 càng hàng không từ Bắc đến Nam, trừ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Trong số này, 7 doanh nghiệp cảng địa phương lớn làm ăn có lãi và 14 cảng còn lại thu chưa đủ bù chi. ACV quản lý theo hình thức tự cân đối thu-chi trong nhóm doanh nghiệp cảng để cân bằng tài chính cho toàn bộ tổng công ty làm ăn có lãi.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thật lạ lùng. Tại sao các doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT (Đường sắt/ Hàng không…) lại muốn quay về trật tự cũ (bộ chủ quản) như vậy? Có thể họ chán Ủy ban Quản lý vốn hoặc lợi ích từ đó không bằng Bộ GTVT? Đây không đơn giản chỉ là xung đột lợi ích mà là thử thách thực sự đối với tính khả thi/ hiệu quả của thể chế mới?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới