Thứ ba, 21/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thị trường bán lẻ sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng cao

Hùng Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thị trường bán lẻ Việt Nam sụt giảm đáng kể sau nhiều năm liên tiếp có mức tăng trưởng 2 con số.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước trong 10 tháng vừa qua ước đạt 3.720,4 ngàn tỉ đồng, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước, và nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm đến 10,3%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Bão Covid-19 lần thứ 4 đã kéo thị trường bán lẻ trong nước sụt giảm sau nhiều năm tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa: Hùng Lê

Xét theo ngành hoạt động trong doanh thu bán lẻ hàng hóa 10 tháng vừa qua có ngành hàng lương thực, thực phẩm tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tất cả các ngành hàng khác vẫn giảm, như phương tiện đi lại giảm 6,7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và vật phẩm văn hoá, giáo dục cùng giảm 11,1%; may mặc giảm 11,7%.

TPHCM - địa phương luôn dẫn đầu về thị trường bán lẻ cả nước trong thời gian qua do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nên doanh thu bán lẻ hàng hóa bị sụt giảm mạnh, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Những địa phương có thị trường bán lẻ sôi động trước đây nhưng trong 10 tháng qua cũng có doanh số bị sụt giảm như Cần Thơ giảm 4,8%; Hà Nội giảm 4,4% hay Khánh Hòa giảm 18,6%.

Cùng thời gian trên một số địa phương khác có doanh thu bán lẻ tăng, như Đà Nẵng tăng 0,9%; Đồng Nai tăng 3,7%; Bình Dương tăng 6,4%; Hải Phòng tăng 8,7%.

Ảnh hưởng nhiều phải kể đến dịch vụ lưu trú và ăn uống. Trong 10 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống của TPHCM giảm 38,8%; Nghệ An giảm 35,9%; Bình Dương giảm 25%; Đồng Nai giảm 22,8%; Hà Nội giảm 19,5%; Đà Nẵng giảm 17,3%; Quảng Ninh giảm 12,7%; Cần Thơ giảm 11,1%; và Hải Phòng giảm 6,4%.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 10 tháng năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước là Thừa Thiên - Huế giảm 67,5%; TPHCM giảm 58%; Đà Nẵng giảm 53,4%; Hải Phòng giảm 49,9%; Hà Nội giảm 45,7%; Quảng Bình giảm 41,5%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 34,2%; Quảng Ninh giảm 30,6%.

Trên thực tế, những quy định về hạn chế đi lại tại một số tỉnh thành nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19 cùng tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân đã tác động nặng nề đến thị trường bán lẻ. Hàng loạt mặt bằng tại những khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của TPHCM đã treo biển cho thuê trong nhiều tháng qua.

Theo giới phân tích, kết quả doanh thu bán lẻ bị sụt giảm này chủ yếu là do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài.

Thị trường bán lẻ 5 năm trước đó luôn có mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể từ năm 2019 trở về trước, thị trường bán lẻ hàng hóa Việt Nam cho thấy có tốc độ tăng trên 10% và kết quả của năm sau luôn tăng cao hơn năm trước đó.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính đạt khoảng 161,7 tỉ đô la (tăng 12,7%); đạt 142,8 tỉ đô la của năm 2018 (tăng 12,4% so với năm trước); đạt 129,56 tỉ đô la năm 2017 (tăng 10,9%); đạt 118 tỉ đô la ở năm 2016, tăng 10,2% so với năm 2015 (gần 110 tỉ đô la).

Thậm chí ngay cả năm ngoái bị ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tăng thêm hơn 11 tỉ đô la so với năm 2019, đạt doanh số kỷ lục hơn 172 tỉ đô la.

Dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 vừa qua tăng 18,1% so với tháng trước đó. Từ đây đến cuối năm nhu cầu mua sắm tăng cao, giới phân tích cho rằng nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định thì thị trường bản lẻ sẽ dần phục hồi và tăng trưởng trở lại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới