(KTSG Online) - Với vai trò là nguồn nguyên liệu chính cung cấp năng lượng cho thế giới, sự biến động giá của dầu thô có tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế và thị trường hàng hóa. Ở Việt Nam, sau những đứt gãy chuỗi cung ứng do giãn cách xã hội kéo dài, giá cả hàng hóa đã tăng lên một nấc mới. Dự báo cho thấy sẽ khó ngăn chặn đà tăng giá này bởi giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua.
- Thay đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu, mỗi tháng điều chỉnh giá 3 lần
- Nỗi lo giá cả tăng nhưng không đều
Giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian qua tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết lĩnh vực. Các doanh nghiệp vận tải, logistics, đánh bắt thủy sản xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu… chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá xăng dầu. Các loại hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua khâu vận chuyển sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng.
Doanh nghiệp căng thẳng với giá đầu vào
Một số hệ thống siêu thị tại TPHCM đã ghi nhận việc nhiều nhà sản xuất, cung ứng đã bắt đầu đề nghị tăng giá bán các sản phẩm cung ứng. Trong đó, tập trung vào nhóm ngành hàng thực phẩm, công nghệ và tươi sống với lý do giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng. Dù các siêu thị vẫn đang giữ mức giá ổn định và tung nhiều khuyến mãi để kích cầu, tuy nhiên áp lực để giữ giá trong giai đoạn cuối năm là rất lớn.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp thủy sản cho biết đang tạm ngưng cung cấp sản phẩm đồ hộp cho một số siêu thị vì không thương lượng được giá. Còn với các siêu thị đưa hàng vào được thì đã điều chỉnh tăng giá 10% từ ngày 24-10.
"Công ty đã nỗ lực gồng gánh để giữ giá trong nhiều tháng liền, đến nay không thể cầm cự thêm nữa vì chi phí sản xuất đã tăng gấp 5 lần, nguyên liệu chính và phụ liệu, bao bì tăng 24%, xăng dầu tăng trên 20% so với đầu tháng 4. Với hàng xuất khẩu thì chi phí cước tàu tăng gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái", vị tổng giám đốc này giải thích.
Những ngày gần đây, sau khi giá xăng tiếp tục được điều chỉnh tăng thì giá cả hàng hóa cũng cho thấy mức tăng rõ hơn. Chủ hệ thống cửa hàng tạp hóa Cocomay (chuyên kinh doanh ở tầng đế chung cư) cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay rất nhiều mặt hàng tiêu dùng được thông báo tăng giá. Trong đó mức tăng lớn nhất là các mặt hàng dầu ăn với mức tăng từ 3.000 đồng/lít đến 5.000 đồng/lít tùy loại.
Tiếp đó các loại thực phẩm tươi sống tại các chợ dân sinh cũng tăng mạnh vì chi phí vận chuyển bị đội lên. Khảo sát tại một số chợ ở TPHCM cho thấy giá nhiều mặt hàng rau củ quả Đà Lạt đang tăng mạnh, từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, thậm chí có loại tăng 15.000 đồng/kg so với 2 tuần đầu tháng 10 sau khi thành phố mở cửa trở lại.
Sở dĩ giá ở chợ, siêu thị thiết lập mặt bằng mới vì giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa tăng mạnh và nguồn cung không ổn định khiến họ không chủ động được. Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết mọi chi phí sản xuất đều tăng từ bao bì, vỉ nhựa đựng trứng đến lương nhân công. Trong khi đó, sức mua của người dân ở kênh chợ truyền thống và siêu thị đều giảm mạnh.
Ông cho biết phải mua vỉ nhựa đựng trứng với giá cao gấp rưỡi trước đây nhưng số lượng cũng hạn chế. Các nhà máy sản xuất bao bì cũng gặp khó khăn vì thiếu lao động, không mua được nguyên liệu sản xuất.
"Chúng tôi thường dự trữ bao bì đủ dùng cho một tháng nhưng đến khi cả thị trường đều thiếu, nhà cung cấp chậm giao hàng cũng khó xoay xở. Tuy vậy dù nguyên phụ liệu tăng giá và phí giao hàng tăng cao, nhưng vẫn giữ nguyên giá trứng ở thời điểm này", ông Thiện cho biết
Thực tế, giá xăng đã tăng liên tiếp trong 4 kỳ điều chỉnh qua và theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo, kỳ điều chỉnh ngày mai sẽ tiếp tục tăng lên theo xu hướng giá thế giới. Theo đó, nếu không tác động đến quỹ bình ổn, ở kỳ điều hành ngày 10-11, giá xăng có thể tăng từ 300-400 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể chỉ nhích nhẹ hoặc không đổi. Tuy nhiên, chuyên gia không nghiêng về phương án này bởi mức chi quỹ bình ổn giá xăng dầu đang khá cao (với mặt hàng xăng E5 RON 92 là 1.100 đồng/lít, với xăng RON 95 là 400 đồng/lít).
Như vậy, nếu giá xăng điều chỉnh tăng 5 kỳ liên tiếp thì sức ép tăng giá hàng hóa cuối năm sẽ rất lớn vì đây là thời điểm các doanh nghiệp nhập nguyên phụ liệu để sản xuất hàng Tết.
Trước diễn biến này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái mới đây đã giao các bộ ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi các chi phí đầu vào như xăng dầu, sắt thép, thức ăn chăn nuôi tăng... sẽ kéo theo nguy cơ lạm phát. Thực trạng này cũng đang ảnh hưởng đến quá trình hồi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sau một khoảng thời gian dài bị ngưng trệ vì các biện pháp giãn cách xã hội.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khi trả lời báo chí mới đây cũng nhận định kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%. Vì vậy, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước.
Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông. Từ đây tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
“Đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%. Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, ảnh hưởng đến thu nhập lẫn chi tiêu của người dân. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế”, ông Lâm phân tích.
Giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian qua tác động trực tiếp và gián tiếp đến hầu hết lĩnh vực. Các doanh nghiệp vận tải, logistics, đánh bắt cá xa bờ, nông nghiệp sử dụng xăng dầu… chịu ảnh hưởng trực tiếp. Các loại hàng hóa đến tay người tiêu dùng thông qua khâu vận chuyển sẽ chịu tác động gián tiếp từ giá nhiên liệu tăng.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, giá xăng dầu nội địa phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, có 2 “van” liên quan đến quyết định tăng hay giảm giá xăng dầu là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế. Trong đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn, thậm chí trong thời gian qua việc chi liên tục khiến quỹ có nguy cơ âm. Thế nên, mong muốn giá xăng dầu giảm bớt bằng cách dựa vào nguồn quỹ này là không thể.
Còn “van” thứ 2 là thuế, tuy nhiên chuyên gia này nhận định, việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách. Lúc này các ngành phải cùng vào cuộc, cần phải làm tốt công tác dự báo giá xăng dầu, từ đó có kịch bản điều hành phù hợp, tránh bị động. Cùng với đó, là các giải pháp hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào, sớm khôi phục sản xuất
Lạm phát năm 2021 có thể nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn từ đà tăng giá trên thị trường thế giới. Đồng thời nhu cầu hàng hóa trong nước và hàng hóa xuất khẩu tăng do các nền kinh tế dần hồi phục.
Đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cũng cần xem xét giảm thuế, phí trong cơ cấu giá xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này, qua đó hỗ trợ việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Bởi khi doanh nghiệp có sức cạnh tranh sẽ giúp giá hàng hóa bình ổn và kiểm soát được lạm phát.