(KTSG Online) - Toàn bộ hơn 44,2 triệu cổ phần Vocarimex do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đưa ra đấu giá vừa được Công ty cổ phần Tập đoàn Kido mua trọn để nâng tỷ lệ sở hữu của Kido tại Vocarimex lên 87,29%.
Theo đó, phần vốn nhà nước tại Vocarimex từ đây sẽ chính thức không còn.
Ngày 8-11, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức đấu giá hơn 44 triệu cổ phiều của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex; UPCoM: VOC) thuộc quyền sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Đăng ký tham gia buổi đấu giá gồm 1 tổ chức và 1 cá nhân. Theo công bố vào ngày 2-11 thì Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (HOSE: KDC) chính là tổ chức tham gia đấu giá.
Kết quả buổi đấu giá, toàn bộ hơn 44,2 triệu cổ phần của VOC thuộc SCIC được mang ra đấu giá đã thuộc về KDC với tổng giá trị đạt gần 1.256 tỉ đồng, tương ứng giá đấu thành công bình quân là 28.400 đồng/cp, thấp hơn giá chốt phiên vào ngày 8-11 gần 24%.
Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của KDC tại VOC được nâng từ 51% lên 87,29%. Mặt khác, SCIC chính thức không còn là cổ đông tại VOC.
Nhìn vào quá khứ, có thể thấy hành trình thoái vốn nhà nước của SCIC khá vất vả. Bởi lẽ sau 4 lần tổ chức đấu giá thì toàn bộ phần vốn mà SCIC sở hữu tại Vocarimex, tức chiếm tỷ lệ 36,3% vốn điều lệ của Vocarimex thì số vốn nhà nước tại VOC mới chính thức không còn.
Trước đó, SCIC từng 2 lần tổ chức bán đấu giá 44,2 triệu cổ phần Vocarimex tương đương 36% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia nên phiên đấu giá bị hủy bỏ.
Trong lần thứ 3 dự kiến tổ chức cuối năm 2020, phiên đấu giá sẽ được tiến hành với giá khởi điểm 18.540 đồng/cổ phiếu, dự thu tối thiểu 819 tỉ đồng. Có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua trọn lô cổ phần gồm Tập đoàn KIDO (mã HoSE: KDC) và cá nhân Trần Hoàng Nam.
Tuy nhiên, phiên đấu giá lần thứ 3 này bị hoãn vào phút cuối do vướng Nghị định 140/2020/NĐ-CP. Mức giá mà SCIC đưa ra tại thời điểm đó là 18.540 đồng/cp, tương đương giá trị cả lô đạt 819 tỉ đồng.
Qua đó cho thấy Tập đoàn Kido rất quyết tâm để "thâu tóm" phần vốn góp của nhà nước tại VOC. Bởi lẽ việc đấu giá thành công thêm 36,3% vốn điều lệ của Vocarimex không chỉ giúp Kido tăng tỷ lệ sở hữu và điều hành tại doanh nghiệp này mà còn sẽ giải quyết được vướng mắc khác.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, Ban lãnh đạo Kido đã tiết lộ kế hoạch hợp nhất các đơn vị thành viên gồm Kido Foods (KDF), Vocarimex, Dầu thực vật Tường An (TAC), Kido Nhà Bè.
Thời gian qua phương án sáp nhập với Dầu thực vật Tường An bị vướng phần vốn nhà nước tại Vocarimex nên chưa thể thực hiện. Do vậy, việc mua lại phần vốn Vocarimex thuộc sở hữu SCIC là gỡ được nút thắt để Kido thực hiện việc đẩy nhanh tiến trình hợp nhất các đơn vị thành viên.
Tiến trình nắm giữ quyền kiểm soát tại Vocarimex của Kido qua hình thức mua lại cổ phần. Cụ thể từ năm 2017, KDC nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên 51% tại Vocarimex thông qua hình thức chào mua công khai. Thương vụ này giúp Kido trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành dầu ăn Việt Nam khi có trong tay quyền chi phối, hoặc quyền kiểm soát các công ty lớn ở thị trường dầu ăn.
Trong quí 3-2021, VOC ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 328 tỉ đồng, giảm hơn 48% so với với cùng kỳ, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ của nhóm thương mại sụt giảm mạnh. Lợi nhuận gộp theo đó giảm hơn 51%, còn gần 11 tỉ đồng đồng. Biên lãi gộp giảm từ 3.5% xuống còn 3.3%.
Doanh thu tài chính trong kỳ của VOC cũng sụt giảm mạnh gần 94%, còn gần 5 tỉ đồng, chủ yếu do Công ty không có thu nhập từ cổ tức đặc biệt của Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (HOSE: TAC).
Mặc dù các chi phí đều đã được tiết giảm nhưng VOC vẫn lỗ sau thuế hơn 1.5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 73 tỉ đồng.