(KTSG) - Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) tại Glasgow, Vương quốc Anh đang khép lại với những cam kết hành động mạnh mẽ của các lãnh đạo toàn cầu về cắt giảm phát thải, đầu tư tài chính và hỗ trợ chuyển dịch năng lượng. Tương lai năng lượng và mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ như thế nào sau COP26?
Cam kết “đột phá” của Việt Nam tại COP26
Từ những ngày đầu COP26, những thông tin tích cực từ nước Anh cho thấy sẽ có bước đột phá của Việt Nam về cam kết giảm phát thải khí nhà kính, chung tay cùng nhân loại làm giảm sự nóng lên toàn cầu.
Ngày 1-11, trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra một tuyên bố lịch sử: “Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến trình công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050”.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã hội đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa để thực hiện cuộc cách mạng chuyển dịch năng lượng một cách sâu rộng, góp phần tạo cơ hội cho đất nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và phát thải thấp.
Phát thải ròng bằng “0” (net-zero emissions), nghĩa là cắt giảm phát thải khí nhà kính về mức càng gần 0 càng tốt, có thể thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo. Lượng khí thải còn lại cũng phải được trung hòa thông qua các cơ chế bù đắp carbon, ví dụ như trồng rừng, hay qua mua bán chứng chỉ giảm phát thải.
Cam kết này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris (về biến đổi khí hậu) được 195 quốc gia ký kết năm 2015.
Điều 2.1.a của Thỏa thuận Paris nêu mục tiêu chính là: “Giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu xuống dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp, nhận thức rằng điều này sẽ làm giảm đáng kể rủi ro và tác động của biến đổi khí hậu”.
Một trong những mục tiêu quan trọng của COP26 là “Đảm bảo phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu vào giữa thế kỷ và giữ mức tăng 1,5 độ trong tầm tay”.
Báo cáo “Climate Change 2021: The Physical Science Basis” do Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hiệp quốc công bố tháng 8-2021 cho biết nhiệt độ trái đất đã tăng lên 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900). Điều đó có nghĩa rằng nhân loại phải nỗ lực giữ nhiệt độ toàn cầu không thêm tăng quá 0,4 độ C trong vòng chưa đến 30 năm tới.
Để đảm bảo mục tiêu trên của COP26, các quốc gia được yêu cầu đẩy nhanh quá trình loại bỏ than đá, hạn chế nạn phá rừng, tăng tốc độ chuyển sang xe điện và khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đây là nghị trình quan trọng nhất tại COP26.
Tiếp sau tuyên bố của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cũng đã chính thức cam kết từ bỏ nhiệt điện than. Ngày 4-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đại diện lãnh đạo hơn 40 quốc gia khác đã ký vào “Tuyên bố toàn cầu về việc chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch”.
Tuyên bố này bao gồm những hành động chuyển dịch từ sản xuất điện than hiện hữu sang điện sạch chậm nhất là vào thập niên 2040; ngừng cấp phép, ngừng xây mới các dự án điện than, chấm dứt nguồn hỗ trợ mới và trực tiếp của chính phủ đối với điện than trên toàn thế giới kể từ thời điểm ký tuyên bố này.
Với một đất nước phụ thuộc nặng nề vào điện than trong một thập kỷ qua và bản dự thảo Quy hoạch điện 8 (QHĐ8) với đề xuất xây mới 27 nhà máy điện than trong 15 năm tới đang được đệ trình để thông qua, rõ ràng những tuyên bố và cam kết của lãnh đạo Việt Nam tại COP26 rất đột phá và có tính lịch sử.
Nhìn lại những cam kết giảm phát thải của Việt Nam
Năm 2020, Việt Nam đã tiếp tục đệ trình lên Liên hiệp quốc báo cáo “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” (NDC 2020), trong đó cụ thể hóa các đóng góp về ứng phó với biến đổi khí hậu và kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo thực thi các cam kết của Việt Nam trong Thỏa thuận Paris. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Đóng góp này có thể được nâng lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ của quốc tế.
Việc có tận dụng thiên thời, địa lợi và nhân hòa thành công hay không phụ thuộc vào điều kiện cần: cải tổ toàn diện QHĐ8 và phương thức vận hành thị trường điện quốc gia.
Vì chọn kịch bản phát triển thông thường để làm mức so sánh với các kịch bản giảm phát thải, thực tế phát thải khí nhà kính của Việt Nam không hề giảm mà còn liên tục tăng trong những năm qua và những năm sắp tới. Hình 1 cho thấy điều đó.
Như số liệu cho thấy, dù cam kết giảm phát thải đến 27% so với con đường phát triển thông thường và có đầy đủ sự hỗ trợ của quốc tế, phát thải khí nhà kính của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi chỉ trong một thập niên tới. Đáng chú ý, sự gia tăng phát thải này chủ yếu đến từ ngành công nghiệp năng lượng, với mức tăng 2,5 lần trong cùng thời gian. Nhiệt điện than là thủ phạm chính làm gia tăng phát thải khí nhà kính tại Việt Nam thời gian qua (hình 2).
Sự gia tăng phát thải trong báo cáo NDC 2020 này là lý do chính mà Climate Action Tracker đánh giá cam kết khí hậu của Việt Nam là “cực kỳ bất hợp lý” (critically insufficient). Tổ chức nghiên cứu độc lập này cho rằng cam kết của Việt Nam “phản ánh nỗ lực tối thiểu hoặc không cần hành động, và hoàn toàn không phù hợp với giới hạn nhiệt độ 1,5 độ C của Thỏa thuận Paris. Nếu tất cả các quốc gia đều làm như Việt Nam, sự nóng lên toàn cầu sẽ vượt quá 4 độ C”.
Với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chắc chắn Việt Nam phải cập nhật lại báo cáo NDC cho phù hợp. Trong đó, trọng điểm sẽ là tái cấu trúc ngành năng lượng theo hướng tập trung vào điện sạch, từ bỏ điện than.
Dự thảo QHĐ8 làm cản trở mục tiêu “phát thải ròng bằng 0”
Với đề xuất xây mới 27 nhà máy điện than trong 15 năm tới theo QHĐ8, phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ tăng không ngừng. Hình 3 cho thấy nguy cơ QHĐ8 làm tiêu tan tham vọng “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Nếu chọn điện than làm trụ cột trong ba thập niên tới với tỷ lệ sản lượng điện than chiếm 45,5% vào năm 2030 và 32,4% vào năm 2045 như QHĐ8, Việt Nam không thể nào đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” khi không có nguồn điện nào kịp thay thế điện than. Theo báo cáo thuyết minh QHĐ8 (2-2021), ước tính phát thải khí nhà kính của ngành năng lượng năm 2045 lên đến 350 triệu tấn CO2 tương đương, đúng bằng toàn bộ lượng phát thải của Việt Nam năm 2020. Việc đưa lượng phát thải khổng lồ này về 0 sau đó năm năm là điều phi thực tế.
Về mặt kinh tế, một vòng đời dự án nhiệt điện than lên đến 40-50 năm. Do đó, sẽ không khả thi và thiếu thực tế khi bằng mọi giá để chỉ trong tối đa 30 năm vừa xây dựng, vận hành và đóng cửa nhà máy. Đó là chưa kể khi thế giới đã quyết chia tay điện than, chắc chắn mọi cánh cửa tiếp cận tài chính sẽ đóng lại.
Nếu vẫn quyết phát triển điện than mới, Việt Nam có thể đối diện nguy cơ gặp hàng rào thuế carbon từ những thị trường xuất khẩu trọng điểm như EU, Mỹ, Anh và Canada. Không dừng lại ở đó, những quốc gia không tuân thủ Thỏa thuận Paris và những cam kết tại COP26 có thể đối diện nguy cơ bị “cấm vận khí hậu” của Liên hiệp quốc.
Khi đó, những nhà máy điện than với đa số sử dụng than nhập khẩu sẽ hầu như không thể tiếp cận được loại nhiên liệu bẩn này. Điều này cho thấy điện than không hề đảm bảo an ninh năng lượng như nhiều nhóm lợi ích đang “quảng cáo” mà ngược lại, điện than là mối đe dọa về khủng hoảng năng lượng quốc gia.
Tương lai năng lượng của Việt Nam
Đến thời điểm này, Việt Nam đã hội đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa để thực hiện cuộc cách mạng chuyển dịch năng lượng một cách sâu rộng, góp phần tạo cơ hội cho đất nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững và phát thải thấp.
Thiên thời, đó là lúc toàn nhân loại cùng chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Với cam kết từ bỏ điện than và lựa chọn đứng về phía những quốc gia có trách nhiệm khí hậu, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ vô cùng to lớn của cộng đồng quốc tế về tài chính, công nghệ và xây dựng năng lực để thực hiện mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” vào năm 2050 đầy tham vọng. Giá điện gió giảm 50%, giá điện mặt trời giảm 85% chỉ sau 10 năm qua là cơ hội để Việt Nam mạnh mẽ thúc đẩy đầu tư các nguồn điện này.
Địa lợi, đó là lợi thế hàng đầu Đông Nam Á về tài nguyên năng lượng tái tạo. Tận dụng lợi thế này để phát triển các nguồn điện sạch, không xây thêm điện than mới và từng bước đóng cửa các nhà máy điện than đang vận hành là chọn sở trường, bỏ sở đoản, đoạn tuyệt với công nghệ điện than ô nhiễm, lỗi thời, tránh xa những chiếc bẫy nợ treo lơ lửng.
Nhân hòa, đó là lãnh đạo có tầm nhìn đột phá khi chọn con đường năng lượng sạch mà thế giới văn minh đã và đang đi để kiến tạo sự thịnh vượng cho quốc gia.
Việc có tận dụng thiên thời, địa lợi và nhân hòa thành công hay không phụ thuộc vào điều kiện cần: cải tổ toàn diện QHĐ8 và phương thức vận hành thị trường điện quốc gia. Bước đi quan trọng đầu tiên là loại khỏi danh mục toàn bộ dự án điện than xây mới từ năm 2021, và ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo.