Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thỏa thuận thuế toàn cầu có giúp Việt Nam thu thuế các ‘ông lớn’?

Phạm Thị Kiều Oanh (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 đã đạt được thỏa thuận lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu (Thỏa thuận thuế toàn cầu), theo đó giải quyết việc tránh thuế của các công ty (đặc biệt là các công ty công nghệ) hoạt động ở nhiều quốc gia.

Nhóm G7 đã đồng ý ấn định mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu đối với các công ty lớn ở mức 15%.

Thỏa thuận đánh thuế toàn cầu gồm những gì?

Thỏa thuận thuế toàn cầu gồm hai trụ cột chính, theo đó “trụ cột” thứ nhất đảm bảo rằng, các công ty đa quốc gia phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ở quốc gia mà họ tạo ra doanh thu, thay vì chỉ lấy doanh thu nơi đặt trụ sở để áp thuế.

Với trụ cột thứ nhất, các quốc gia nơi các công ty này tạo ra doanh thu sẽ được trao quyền đánh thuế TNDN mới đối với ít nhất 20% phần lợi nhuận vượt trên biên độ 10% đối với các công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất (các tỷ lệ phân bổ lại 20% và 10% này vẫn cần được thống nhất trong thời gian tới)(1).

Trong khi đó, trụ cột thứ hai cho phép các quốc gia áp dụng mức thuế suất thuế TNDN tối thiểu toàn cầu ít nhất là 15%. Biện pháp này sẽ có tác động tổng thể lớn hơn đến mức thuế mà các chính phủ thu được nhưng ảnh hưởng của nó đối với các công ty đa quốc gia sẽ rất khác nhau.

Cụ thể, tác động của nó có thể cao hơn nếu phần lớn số tiền kiếm được là ở các khu vực pháp lý không có thuế. Ngược lại, tác động của mức thuế tối thiểu sẽ giảm nếu trụ cột thứ nhất thúc đẩy các công ty đa quốc gia phân bổ lại một số khoản thu nhập ra khỏi các thiên đường thuế(2).

Đối với Việt Nam, Thỏa thuận thuế toàn cầu mới có thể khó mang lại kết quả tốt vì cơ chế chia sẻ thuế cho các quốc gia thị trường cũng đòi hỏi một hệ thống quản lý thuế có năng lực và các nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế. Đây cũng là lo ngại của Diễn đàn Hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khi thảo luận về kế hoạch chi tiết cho trụ cột thứ nhất, bởi đây là thách thức lớn với các nước đang phát triển với năng lực quản lý thuế còn yếu.

Thỏa thuận thuế toàn cầu tác động đến Việt Nam như thế nào?

Thỏa thuận thuế toàn cầu sẽ dẫn đến một sự phân bổ lại các nguồn lực đầu tư, từ đó sẽ tác động đến Việt Nam theo các hướng sau:

Thỏa thuận thuế toàn cầu có thể làm giảm khả năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài: Mặc dù hiện nay thuế suất thuế TNDN của Việt Nam là 20%, cao hơn mức tối thiểu đề xuất, nhưng Việt Nam đang dành nhiều mức thuế ưu đãi cho nhiều đối tượng và dự án của nhà đầu tư nước ngoài.

Các ưu đãi như ưu đãi thuế suất 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn (tối đa đến chín năm); cho phép chuyển lỗ (trong vòng năm năm); hoàn thuế cho lợi nhuận tái đầu tư; cho phép được khấu hao nhanh… Nếu mức thuế tối thiểu 15% theo Thỏa thuận thuế toàn cầu được áp dụng thì những ưu đãi này sẽ không còn áp dụng.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của thỏa thuận này đến chính sách ưu đãi thuế Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như phạm vi và đối tượng mà Thỏa thuận thuế toàn cầu điều chỉnh, do còn một số lượng đáng kể đối tượng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi nhưng lại nằm ngoài phạm vi của Thỏa thuận thuế toàn cầu. Đối với những đối tượng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh, nội luật vẫn sẽ được áp dụng.

Thỏa thuận thuế toàn cầu có thể mang đến lợi ích cho Việt Nam vì cho phép Việt Nam được quyền đánh thuế, trong một chừng mực nào đó, đối với các công ty đa quốc gia nói chung và các ông lớn về công nghệ và thương mại điện tử nói riêng, có nhiều doanh thu tại Việt Nam mặc dù không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

Mức thuế TNDN tối thiểu 15% có thể ảnh hưởng đến việc cơ cấu trong các giao dịch nội bộ giữa các công ty đa quốc gia, vì hành vi chuyển giá, tránh thuế thường được thực hiện khép kín giữa các bên liên kết trên cơ sở định giá các giao dịch nội bộ không tuân theo giá giao dịch giữa các bên độc lập (không có mối liên hệ liên kết) để chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao về nơi có thuế suất thấp hoặc nơi không thu thuế nhằm tránh thuế.

Vậy Việt Nam cần làm gì?

Hiện nay, với các hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTA) đã ký, Việt Nam có đủ cơ sở để yêu cầu nhà đầu tư, công ty kinh doanh lĩnh vực công nghệ nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam theo Luật An ninh mạng để làm căn cứ đánh thuế theo các Hiệp định DTA.

Tuy nhiên, với xu hướng đánh thuế của thế giới, chỉ tập trung vào nơi tạo ra lợi nhuận chứ không phải nơi đặt trụ sở, việc cập nhật và hoàn thiện hệ thống pháp luật cũng như rà soát lại những hiệp định song phương và đa phương đã ký để đón đầu xu hướng thuế quốc tế là quan trọng và cần có lộ trình phù hợp.

Để làm được điều đó, Việt Nam đầu tiên cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý thuế theo hướng rà soát quy định trong nước và xây dựng lộ trình sửa đổi quy định pháp luật đi đôi với tham khảo xu hướng đánh thuế của quốc tế, cụ thể là thỏa thuận thuế toàn cầu để đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện. Cụ thể:

- Có thể điều chỉnh chế định “cơ sở thường trú” thống nhất giữa nội luật và các hiệp định DTA mà Việt Nam đã, đang và dự định sẽ ký kết theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế và phù hợp với hoạt động kinh doanh(3);

- Cần tăng cường kỷ luật hành chính và tuân thủ để nâng cao tính tuân thủ thuế với các doanh nghiệp vừa và nhỏ(4);

- Xây dựng và ban hành luật chống chuyển giá riêng đồng bộ, thống nhất và rõ ràng, dễ áp dụng. Cơ quan thuế cần xây dựng hệ thống dữ liệu xuyên quốc gia, tăng cường hợp tác với chính phủ các nước nhằm thu thập, cung cấp, trao đổi thông tin, trong đó có thông tin giá cả và thị trường… để phòng, chống hiệu quả hơn nữa hành vi chuyển giá(5); và

- Nghiên cứu đánh giá Thỏa thuận thuế toàn cầu, cân nhắc xem xét tác động với điều kiện pháp lý và tổ chức bộ máy của cơ quan thuế Việt Nam. Đồng thời, xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực hiện theo thỏa thuận quốc tế với những nội dung nếu Việt Nam cam kết như quy định về tránh hình thành cơ sở thường trú, định nghĩa về đối tượng có quan hệ liên kết, quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến thỏa thuận; cần nghiên cứu bổ sung cơ chế trọng tài để giải quyết tranh chấp về việc áp dụng quy định của Hiệp định DTA.

Bên cạnh đó, mặc dù pháp luật Việt Nam mang tính định hướng kể cả về cách đăng ký, kê khai và nộp thuế lẫn chế tài để xử lý trường hợp không tuân thủ đều đã có, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc truy thu thuế.

Chính vì thế, cần: (i) xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, rõ ràng và cập nhật kịp thời; (ii) nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý thuế; (iii) tăng cường trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế các nước để tìm kiếm thông tin, dữ liệu nhằm ngăn chặn hành vi trốn thuế, chuyển giá; và (iv) xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử; (v) tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác quốc tế để nâng cao năng lực trong nước, đáp ứng yêu cầu về hội nhập, đặc biệt trong lĩnh vực thuế.

---------

(*) Phuoc & Partners

(1) https://www.nytimes.com/2021/06/05/us/politics/g7-global-minimum-tax.html
(2) https://www.reuters.com/business/g7-global-tax-plan-may-hit-corporate-titans-unevenly-2021-06-10/
(3) Should Developing Countries Sign the OECD Multilateral Instrument to Address Treaty- Related Base Erosion and Profit Shifting Measures? Page 9
(4) Asian Development Bank Institute 2018, Edited by Satoru Araki and Shinichi Nakabayashi, Tax and Development: Challenges in Asia and the Pacific
(5) http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2021-03-17/ngan-chan-hanh-vi-lai-that-lo-gia-cua-doanh-nghiep-fdi-can-tien-toi-hinh-thanh-luat-chong-chuyen-gia-101133.aspx

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới