Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thế giới chạy đua trong kiểm soát khai thác kim loại hiếm, đất hiếm

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các nước phương Tây đang ngày càng lo ngại hơn về khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên được xem là chìa khóa quan trọng trong quá trình giảm khí phát thải. Bởi hầu hết nguồn khoáng sản như lithium và cobalt chỉ tập trung ở một số rất ít quốc gia.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh đang chạy đua với Trung Quốc trong việc tự chủ các loại đất hiếm cần thiết cho các thiết bị công nghệ cao từ smartphone, máy tính, pin xe điện, thiết bị y khoa…

Khai thác lithium – kim loại cần thiết để chế tạo pin xe điện – tại một khu mỏ lithium ở Chile. Bộ ba Chile, Úc và Trung Quốc chiếm 90% sản lượng lithium toàn cầu. Đồ họa: Reuters / Nikkei Asia

Vai trò chủ chốt trong ngành năng lượng xanh

Bất kỳ nguy cơ nào đối với nguồn cung cấp kim loại được sử dụng để sản xuất mọi thứ, từ pin cho xe điện đến cột điện, có thể cản trở động lực hay xu hướng tiến tới một xã hội xanh, thân thiện với môi trường ở khắp các nước trên thế giới.

Tình trạng này đang xảy ra bởi Úc, Chile và Trung Quốc chiếm gần 90% sản lượng lithium của thế giới, trong khi Úc, Nga và Congo khai thác khoảng 80% cobalt.

Nhà phân tích chính Eleni Joannides thuộc hãng nghiên cứu Wood Mackenzie ở Anh dự kiến ​​nhu cầu lithium sẽ tăng hơn 12 lần vào năm 2040 so với mức năm 2020, trong khi nhu cầu cobalt tăng gần 6 lần.

Các tập đoàn khoáng sản ngày càng chú trọng đến nguồn khoáng sản liên quan đến ngành năng lượng xanh. Hồi tháng 7-2021, liên doanh Rio Tinto của Anh và Úc đã công bố khoản đầu tư đến 2,4 tỉ đô la để khai thác lithium ở Serbia. Giám đốc điều hành Jacob Stausholm cho biết sự thay đổi toàn cầu về năng lượng mang lại cơ hội kinh doanh tốt.

Và nhu cầu tăng cao đang đẩy giá lên trời. Lithium carbonate, được sử dụng để sản xuất pin, được giao dịch ở mức cao kỷ lục 190.000 nhân dân tệ (khoảng 29.661 đô la) mỗi tấn tại Trung Quốc vào cuối tháng 10, tăng hơn gấp đôi so với đầu tháng 8 - theo hãng Argus Media. Các giao dịch ở Trung Quốc đóng vai trò như thước đo giá cả cho thị trường nguyên liệu toàn cầu.

Hình thành “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên”

Quá trình khai thác các nguồn năng lượng thông thường đã được phân tán và phi tập trung hóa do đã trải qua hàng thế kỷ. Nhưng “chủ nghĩa dân tộc tài nguyên” lại phủ bóng mờ lên các thị trường kim loại chính yếu cho quá trình sản xuất năng lượng sạch như pin xe điện hay tấm điện năng mặt trời.

Vốn chiếm khoảng 70% sản lượng cobalt trên thế giới, Congo đang xem xét sửa đổi thỏa thuận cung cấp nguyên liệu cho các công ty Trung Quốc bởi đất nước ở châu Phi này đang dùng cobalt như một công cụ để buộc Trung Quốc giữ các cam kết xây dựng cơ sở hạ tầng tại Congo đúng tiến độ

Trong khi đó, Quốc hội Chile đang xem xét tăng thuế đối với các hãng khai thác mỏ đang hoạt động, khiến nguồn cung kim loại từ quốc gia Nam Mỹ này giảm bớt. Nếu các dự luật được thông qua, mức thuế đối với các hãng khoáng sản lớn có thể tăng lên tới 80% từ mức 40% hiện nay.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang tiếp tục tìm kiếm các nhượng bộ khai thác khoáng sản trên khắp thế giới thông qua hợp tác với các công ty Trung Quốc. Hồi tháng 9 rồi, hãng sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới  Contemporary Amperex Technology đã quyết định mua lại công ty khai thác lithium lớn của Canada.

Cùng lúc đó, Hoa Kỳ và châu Âu đang chuyển sang giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ở nước ngoài.

Liên hiệp châu Âu đang cố gắng bớt phụ thuộc hơn vào nhập khẩu thông qua các biện pháp như phát triển các nguồn tài nguyên dưới lòng đất trong khu vực và phát triển các mạng lưới tái chế. Còn chính phủ Mỹ đang xem xét sử dụng điều luật 232 của Đạo luật thương mại mở rộng (TEA) để hạn chế xuất khẩu các mặt hàng đe dọa an ninh quốc gia. Hãng xe điện Tesla đã giành được quyền khai thác lithium tại một địa điểm chưa công bố ở bang Nevada.

Nhưng cố gắng thúc đẩy sản xuất trong nước không phải là một lựa chọn đối với Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên. Nhật Bản phải chuyển sang tăng cường nguồn cung từ nước ngoài, đặc biệt là khi cạnh tranh toàn cầu về những nguyên liệu này có thể sẽ gia tăng sau ngày Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP26) do Liên Hiệp Quốc chủ trì sẽ kết thúc trong tuần này.

Máy xúc đang bốc dỡ các lô đất hiếm dành cho xuất khẩu ở Liên Vân Cảng thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AP

Kiểm soát “tài nguyên chiến lược”

Cuối tháng 10 vừa rồi, Trung Quốc tuyên bố sẽ hợp nhất ba hãng sản xuất đất hiếm để thành lập một tập đoàn quốc doanh khổng lồ sản xuất các kim loại thiết yếu cần thiết cho sản phẩm công nghệ cao. Đây được xem là động thái nhằm đẩy nhanh khai thác các nguồn tài nguyên và công nghệ chế biến, cũng như tăng sự kiểm soát của Bắc Kinh trong lĩnh vực khai khoáng. Đây là cách Trung Quốc đối phó với việc Mỹ và Úc hợp tác trong việc hình thành chuỗi cung ứng đất hiếm riêng.

Công ty hợp nhất sẽ là một tập đoàn khổng lồ, gồm hai công ty quốc doanh lớn về khai thác tài nguyên và kim loại màu là China Minmetals Corp (CMC) và công ty nhôm China Aluminium Corp và chính quyền thành phố Cám Châu ở Giang Tây vốn nổi tiếng với các mỏ đất hiếm.

Peng Huagang, Tổng Thư ký của Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước, cơ quan giám sát các doanh nghiệp nhà nước, phát biểu rằng chính phủ sẽ “thúc đẩy tái cấu trúc quá trình sản xuất đất hiếm để tạo ra một công ty đẳng cấp thế giới”.

Sản lượng đất hiếm vừa và nặng của công ty mới chiếm 70% hạn ngạch được cấp ở Trung Quốc, riêng đất hiếm nhẹ là 40%.

Đất hiếm vừa và nặng, chẳng hạn như dysprosium và terbium, được coi là cần thiết để sản xuất nam châm hiệu suất cao, được sử dụng trong động cơ và các thành phần khác của xe điện. Hai loại này cũng được sử dụng trong máy bay không người lái và tên lửa của quân đội Mỹ.

Trung Quốc từ lâu đã coi các loại đất hiếm là yếu tố quan trọng của an ninh kinh tế quốc gia. Chính vì thế, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu hơn là khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên trong nước. Năm 2019, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng “đất hiếm là nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng”. Một dự luật về đất hiếm đã được đưa ra vào tháng 1-2021 và đang được thảo luận tại Quốc vụ viện Trung Quốc.

Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS), Trung Quốc chiếm 60% sản lượng đất hiếm trên thế giới. Báo chí Trung Quốc cho biết nhà nhập khẩu hàng đầu là Nhật Bản chiếm đến 49% giá trị, tiếp theo là Mỹ với 15%.

Trung Quốc đang sử dụng đất hiếm như con át chủ bài ngoại giao. Khi tranh chấp chủ quyền đối quần đảo Senkaku hay Điếu Ngư Đài năm 2010, Bắc Kinh đã ngừng xuất khẩu đất hiếm nhằm gây áp lực với Tokyo. Các nhà phân tích cảnh báo rằng động thái mới của Bắc Kinh nhằm tái cấu trúc ngành công nghiệp đất hiếm có thể ảnh hưởng đến nguồn cung đất hiếm cho Nhật Bản và Mỹ.

Nhu cầu về đất hiếm đang gia tăng do sự xuất hiện và ngày càng phổ biến của xe điện. Do bất ổn chính trị ở Myanmar, một trong những nhà cung ứng đất hiếm hàng đầu khác, giá dysprosium và terbium ở Trung Quốc đã tăng lần lượt khoảng 60% và 90% so với năm trước. Vào cuối tháng 9, Chính phủ Trung Quốc đã mở rộng hạn ngạch sản xuất đất hiếm trong năm 2021 lên 20% so với năm trước.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới