(KTSG Online) - Đến ngày 31-10-2021, tỉnh Quảng Nam đã giải ngân hơn 4.288 tỉ đồng vốn đầu tư công, đạt 58,2% kế hoạch vốn. Tỷ lệ này là 72,2% nếu chưa tính 1.430 tỉ đồng tiền thu sử dụng đất.
Trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 gần 2.881,5 tỉ đồng, đạt 56,8%, kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài hơn 1.406,5 tỉ đồng, đạt 61,4%.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã rà soát, điều chuyển 581,5 tỉ đồng vốn ngân sách đã phân bổ để bổ sung cho các dự án đã quyết toán, hoàn thành, các dự án đang triển khai đã có khối lượng, có nhu cầu vốn; đồng thời, điều chỉnh trả 200,7 tỉ đồng nguồn ODA ngân sách trung ương cấp phát, điều chỉnh giảm 576,4 tỉ đồng vốn ODA ngân sách tỉnh vay.
Theo Quyết định số 587/QĐ-UBND ban hành kế hoạch thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của UBND tỉnh Quảng Nam, đến ngày 31-1-2022, các ngành, địa phương không giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, các dự án không rơi vào trường hợp bất khả kháng, không được kéo dài sang năm 2022, sẽ bị cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn tương ứng với số vốn không giải ngân hết và bị hủy dự toán theo quy định hiện hành.
Vì vậy Quảng Nam còn 3 tháng để có thể hoàn thành giải ngân gần 40% vốn đầu tư công còn lại để đạt mục tiêu là giải ngân 95-100% kế hoạch vốn năm 2021, theo báo cáo công tác chỉ đạo, điều hành, tình hình kinh tế - xã hội của UBND tỉnh Quảng Nam tháng 10, 10 tháng năm 2021 và nhiệm vụ công tác trọng tâm hai tháng cuối năm 2021 được công bố hôm 9-11.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải quyết các thủ tục đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lập thủ tục giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 theo Thông báo số 462/TB-UBND ngày 12-10-2021 và Công văn 7585/UBND-TH ngày 26-10-2021 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Trong Thông báo số 462/TB-UBND, Quảng Nam đã “mổ xẻ” những nguyên nhân của việc giải ngân chậm.
Cụ thể, nguyên nhân khách quan do dịch Covid-19, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội; giá vật liệu xây dựng tăng; việc cung ứng, lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, huy động nhân lực khó khăn do phải thực hiện giãn cách xã hội, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Đó là công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương, chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể; vai trò người đứng đầu chưa được phát huy; công tác chuẩn bị dự án còn hạn chế, chất lượng chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai; lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế; công tác thẩm định, tư vấn còn chậm; thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập; một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực…