Thứ tư, 15/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Vẫn còn chờ luật

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vẫn còn chờ luật

Thái Hằng

(TBVTSG) - Việt Nam đang trải qua cao điểm mùa khô và việc thiếu điện kéo theo tình trạng cắt điện luân phiên đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Theo dự báo, tình hình này sẽ còn nghiêm trọng hơn trong các năm sắp tới. Hơn bao giờ hết cộng đồng đã ý thức được tầm quan trọng cũng như sự hữu hạn của nguồn năng lượng mà chúng ta đang sử dụng. Trong bối cảnh đó, dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự kiến sẽ được trình tại kỳ họp Quốc hội trong tháng này, đã thu hút sự chú ý của xã hội.

Khi ý thức của doanh nghiệp thay đổi...

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, cho biết trong vài năm gần đây, nhận thức của doanh nghiệp về vấn đề tiết kiệm năng lượng đã có sự chuyển biến tốt, không chỉ ở thành phố lớn như TP.HCM mà còn ở các địa phương khác. “Nếu như hai năm trước rất khó khăn để thuyết phục doanh nghiệp tham gia vào quy trình sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng thì hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vào việc này”, ông Tước cho biết.

Mặt khác, trong bối cảnh hàng loạt chi phí đầu vào đều tăng, trong đó giá thành năng lượng, nhiên liệu cũng trở nên đắt đỏ hơn, thì việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hữu hiệu sẽ góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí, từ đó có thể hạ giá thành sản phẩm, và điều này đã trở thành một chiến lược phát triển đối với họ.

Kết quả cuộc khảo sát về tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương cho thấy các ngành đạt tỷ lệ khá cao, cụ thể như ngành dệt may là 5-15%, ngành xi-măng lò đứng 10-20%, ngành giấy 15%, ngành thép và ngành hóa chất cùng trên 20%... Theo ông Tước, bộ phận tư vấn thuộc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM trong năm qua đã đón hàng trăm lượt doanh nghiệp đến yêu cầu kiểm toán năng lượng, và lượng khách hàng này vẫn tăng lên.

Còn chương trình mà trung tâm này hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiến hành từ năm 2007 đến 2009 nhằm thực hiện việc kiểm toán năng lượng trên 100 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, bao gồm cả doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cho thấy 90% doanh nghiệp có thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng từ ngắn hạn đến trung hạn. Đáng chú ý là các doanh nghiệp sau khi được tư vấn, thực hiện kiểm toán năng lượng đã tự tiến hành các giải pháp tiết kiệm năng lượng để làm tăng sức cạnh tranh. Mặc dù vậy, theo ông Tước, những con số nói trên khi so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận thì vẫn còn quá nhỏ bé.

Nhận định về nguyên nhân của việc doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà với việc tiết kiệm năng lượng, giới chuyên gia cho rằng có yếu tố từ năng lực của các nhà tư vấn, kiểm toán năng lượng vẫn còn hạn chế, nhưng lý do lớn hơn cả là các nhà sản xuất trong nước vẫn chưa có thói quen sử dụng tư vấn trong việc này. Bên cạnh đó, cho đến nay Việt Nam vẫn thiếu một bộ khung pháp lý cho mọi hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng.

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ có hiệu quả?

Trong dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có quy định về trách nhiệm kiểm toán năng lượng bắt buộc hoặc áp dụng tiêu chuẩn quản lý năng lượng đối với các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Ông Phương Hoàng Kim, Chánh văn phòng Văn phòng Tiết kiệm năng lượng - Bộ Công Thương, cho biết nghị định hướng dẫn thực hiện việc xử phạt, chế tài doanh nghiệp vi phạm sẽ được ban hành kèm theo sau khi luật nói trên ra đời.

Trong những lần thảo luận trước khi trình dự thảo luật lên Quốc hội, phần lớn các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết của bộ luật nhưng cho rằng nó còn nặng tính phong trào hơn là một công cụ thực thi pháp luật. Dù vậy, sau khi được thông qua trong kỳ họp Quốc hội trong tháng này như dự kiến, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được kỳ vọng sẽ là công cụ giúp đạt được mục tiêu cắt giảm mức tiêu thụ điện năng trong ngắn hạn và bảo đảm an ninh năng lượng về lâu dài. Lần đầu tiên vấn đề sử dụng năng lượng đã được luật hóa, được thi hành với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ về thuế, trang thiết bị, đầu tư, đất đai… bên cạnh những quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm.

Cuối năm nay cũng là thời điểm kết thúc chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chương trình này thực hiện với việc doanh nghiệp được hỗ trợ số tiền tương đương với 30% tổng vốn đầu tư cho công nghệ tiết kiệm năng lượng,tối đa là 5 tỷ đồng. Ông Kim cho biết, theo đánh giá sơ bộ, việc thực hiện giai đoạn 1 của chương trình từ năm 2006 đến nay giúp cắt giảm tổng lượng điện tiêu thụ trong năm 2010 là 5%. Kết quả đánh giá này được đưa ra qua thực tế triển khai kiểm toán năng lượng tại 300 doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp trọng điểm, trong quá trình sản xuất sử dụng nhiều năng lượng, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, theo ông Kim, muốn thực hiện tiết kiệm năng lượng có hiệu quả thì bên cạnh ý thức của doanh nghiệp, việc tổ chức cần phải có sự phối hợp của nhiều bên, từ vai trò của các tổ chức tư vấn, kiểm toán năng lượng, đến các công ty cung cấp giải pháp, thiết bị và các tổ chức tài chính, ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới