“Trong kinh doanh, mỗi doanh nghiệp có lý tưởng riêng của họ. Có doanh nghiệp thì muốn làm giàu, muốn nổi tiếng. Có doanh nghiệp thì muốn có tài chính để làm đất nước vươn lên. Còn như Dacotex, là một doanh nghiệp nhỏ, mục đích chính là giúp đỡ cho người lao động tự vươn lên, xây dựng được những gia đình hạnh phúc, có việc làm tự cứu sống bản thân và gia đình họ”, cô Cecile Lê Phạm chia sẻ về triết lý kinh doanh của công ty ngay từ đầu thành lập.
Nhiều lao động của tập đoàn dệt may này trưởng thành từ các Trung tâm Hoa Mai do chính nữ doanh nhân Việt kiều Pháp này lập ra.
Giúp những đứa trẻ vươn lên trong cuộc sống
Trong 20 năm qua, Dacotex, tập đoàn dệt may có vốn đầu tư nước ngoài, phát triển các nhà máy tại miền Trung với mục đích tạo việc làm cho các em có hoàn cảnh bất hạnh ở Trung tâm Hoa Mai. Dù thiếu tình thương của cha mẹ hoặc gặp khó khan trong cuộc sống, những đứa trẻ này đã được nuôi nấng và dạy dỗ để trở thành những công dân tốt.
Năm 1992, sau gần 20 năm xa quê, trong vai trò Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam tại Pháp (ASSORU), cô Cecile đưa một đoàn thiện nguyện gồm các y bác sĩ người Pháp và người Pháp gốc Việt về Việt Nam khám chữa bệnh cho trẻ em nghèo ở các vùng sâu vùng xa.
Tiếp đó, người phụ nữ quê gốc Cần Thơ này xây dựng trung tâm trẻ em mồ côi đầu tiên tại quê hương mang tên Hoa Mai. Tiếp đó, các chị xây thêm một trung tâm trẻ em mồ côi Hoa Mai tại Hậu Giang và Đà Nẵng.
Được biết hiện nay ba trung tâm Hoa Mai đang nuôi dạy tổng cộng hơn 120 em, chủ yếu là mồ côi cả cha lẫn mẹ và mồ côi cha hoặc mẹ có hoàn cảnh gia đình cực kỳ khó khăn với nguồn hỗ trợ từ Dacotex và ASSORU cũng như các mạnh thường quân khác.
Đến năm 2002, cô Cecile Lê Phạm cùng với nhà đầu tư Pháp, thành lập Tập đoàn Dacotex tại Đà Nẵng chuyên làm hàng may mặc xuất khẩu sang các quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ.
Đến nay, Dacotex đầu tư vào Công ty May xuất khẩu Huế (Hudatex) tại Thừa Thiên Huế và nhà máy Hải Âu Xanh tại KCN Bắc Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn công nhân.
Tuy nhiên, theo vị nữ doanh nhân này, thành quả lớn nhất của công ty không phải là những con số doanh thu mà là giúp lao động vươn lên trong cuộc sống. Rất nhiều em trưởng thành từ các mái ấm Hoa Mai là lao động tại các nhà máy của Dacotex.
“Có những em cách đây 18 năm được nuôi dưỡng tại Hoa Mai bây giờ nắm giữ các vị trí quản lý tại các trung tâm, giúp đỡ lại các em nhỏ thế hệ sau”, cô Cecile chia sẻ. “Tại đây, trong những năm qua, chúng tôi luôn tìm cách phát triển cả văn hóa và kỹ năng nghề cho các em để sau này bước vào đời. Có những em vào làm tại chính các cơ sở của Dacotex, có những em chọn nghề IT, du lịch hay ẩm thực”.
Đây chính là động lực để người phụ nữ Việt Kiều này cùng công ty của mình tiếp tục hành trình vì cộng đồng tại Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
“Dacotex hi vọng có thể tạo được công ăn việc làm cho các cháu như các cháu mong muốn. Với mặc cảm vì thiếu người thân, gia đình Dacotex mong muốn có thể trở thành điểm tựa để từ đó giúp các cháu hòa nhập vào xã hội bằng công sức tự mình bỏ ra, đồng thời có một công việc đề có thể tự lo được cho bản thân và gia đình riêng của mình như mọi người bình thường khác”, cô Cecile nói và tâm sự ban lãnh đạo Dacotex đã cùng nhau chung sức hỗ trợ và thúc đẩy với hi vọng tạo ra một đại gia đình lớn gồm có nhiều các nhà máy và trung tâm bảo trợ để giúp đỡ các lao động.
Cô Cecile vừa có buổi gặp với đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tại Đà Nẵng để tìm hướng hợp tác mới. EuroCham cam kết tổ chức các sự kiện để gây quỹ một phần cho các trung tâm Hoa Mai cũng như cử thành viên trực tiếp đến các trung tâm để dạy các em ngôn ngữ và các kỹ năng nghề khác.
Vượt qua đại dịch
Những ngày này, cô Cecile, với sự giúp sức của con trai Phạm Lê Lâm Christian – sinh ra và lớn lên ở nước ngoài trở về cùng cô tiếp nối – khôi phục lại hoạt động sản xuất, xuất khẩu tại các nhà máy sau dịch. Cô cũng không quên đảm bảo các trung tâm bảo trợ trẻ em bất hạnh Hoa Mai vẫn vận hành trơn tru. Thời gian này làm cô Cecile suy nghĩ về triết lý, mục đích ban đầu của công ty để từ đó tìm lối ra bền vững cho các cơ sở của mình bền vững sau đại dịch.
Cô Cecile cũng chia sẻ thêm bước đầu khi tiến hành mở nhà máy, Dacotex đã rất thành công, đưa được người miền Trung trở về với quê nhà. Họ có được buổi cơm chiều với gia đình và con cái, đời sống trở nên đơn giản và hạnh phúc hơn. Căn nhà nhỏ thân quen đã thay cho 1 căn phòng ở thành phố lớn chứa 5 – 7 người không quen biết, không ai chăm sóc, hỏi han.
“Trong cơn đại dịch, những đứa trẻ đang được nuôi dưỡng hay trường thành từ trung tâm Hoa Mai vẫn bình yên, an lành ở trung tâm mình”, cô cho biết. Những anh chị tại trung tâm Hoa Mai lớn đã có việc làm và gia đình trở lại chăm sóc các em mới. Chúng tôi được gia đình lớn Hoa Mai lo lắng chu đáo, không phải tìm cách chạy hớt hả trở về quê mình như người dân từ các thành phố trở về trong thời gian qua”, vị nữ doanh nhân này chia sẻ và cảm thấy thật hạnh phúc khi bây giờ vẫn thành công với mục đích chính của 20 năm trước.
Tuy nhiên, cô yên lòng với “đám trẻ” bao nhiêu thì vật vã với việc kinh doanh bấy nhiêu. Trong lúc đại dịch diễn ra vô cùng phức tạp, Dacotex cũng như nhiều doanh nghiệp đã rơi vào cảnh khốn đốn.
Doanh nghiệp thật sự rất đau khổ. Khổ vì không sản xuất được. Khổ vì không xuất hàng được.
“Khó khăn về tài chính làm cho các doanh nghiệp điêu đứng mà không phải lỗi của một ai. Chúng tôi đang bị tổn thương và cần có hỗ trợ từ Chính phủ”, cô Cecile nói và cho biết việc sắp xếp hoạt động lại trong đại dịch và sau đại dịch hiện nay rất cần thiết cho chính phủ, doanh nghiệp và công nhân các nhà máy, cán bộ nhân viên của các thành phố.
Cô gợi ý chích vaccine cho lao động tại các khu công nghiệp, ngành du lịch, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất quan trọng. Chính việc chích vaccine sớm nhất có thể mới nhận được lòng tin, an tâm cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi không phải thực hiện ba tại chỗ với chi phí cao ngất. Công nhân có thể thoải mái đến làm việc và trở về nơi ăn ở của họ trong an tâm”, cô Cecile chia sẻ.
Và hơn thế nữa, cô Cecile có ước muốn cùng chính quyền hỗ trợ những người dân trở về từ cách ly không chỉ có được những buổi cơm hộp, những hộp sữa cho các cháu, những viên thuốc năng lượng cho y tế đủ sức để lo cho bệnh nhân, những khẩu trang… Cái lớn là tạo công ăn việc làm cho nhưng những người này để xây dựng lại cuộc sống ổn định.
“Để làm được điều này cần sự chung tay của nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng như ngân hàng. Hàng ngàn công nhân, lao động đang cần chúng ta”, cô Cecile nói.